Bài toán giá dầu

Thứ ba, 16/02/2016 10:08

(Cadn.com.vn) - Giá dầu lại chứng kiến đà đi xuống trong ngày 15-2 khi Iran chuẩn bị chuyển lô hàng dầu đầu tiên đến Châu Âu kể từ khi lệnh cấm vận kinh tế nhằm vào Quốc gia Hồi giáo được dỡ bỏ. Và động thái này lại một lần nữa khiến thị trường thế giới lo ngại về xu thế ảm đạm của giá dầu trong năm 2016 khi nguồn cung tiếp tục dư thừa.

Hồi đầu tháng 1, thị trường chao đảo khi giá dầu lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ qua giảm xuống mức dưới 30 USD/thùng, làm ảnh hưởng lớn đến ngân sách của các nước có nguồn thu lớn dựa vào xuất khẩu dầu mỏ như Nga, Saudi Arabia  và tất nhiên cả Iran. Nguyên nhân rõ ràng do các quốc gia thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu mỏ lớn khác bên ngoài tổ chức này kiên quyết không cắt giảm sản lượng dầu bất chấp giá dầu liên tục xuống thấp từ năm 2014.

Dù các bên từng nói đến khả năng cắt giảm 5% sản lượng nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Trong khi đó, Nga luôn  khẳng định không cắt giảm sản lượng dầu mỏ xuất khẩu. Vấn đề càng thêm khó khi Iran có kế hoạch sản xuất thêm 1 triệu thùng dầu theo sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử và sau khi đạt được thỏa thuận xuất khẩu dầu sang Pháp, Nga và Tây Ban Nha. Quốc gia Hồi giáo hy vọng về một vận may kinh tế lớn cho đất nước này sau khi được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Đây là nỗ lực để chiếm lại thị phần của Tehran sau khi bị thiệt hại nặng nề vì hứng đòn trừng phạt. Trên thực tế, Iran xuất khẩu 2,3 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhưng lượng xuất khẩu dầu thô giảm xuống còn 1 triệu thùng trong năm 2012. Tổng sản lượng của Iran hiện đang đứng ở mức 3,1 triệu thùng mỗi ngày.

Và rồi, xu hướng "cung vượt cầu" này khiến người ta lo ngại, giá dầu thô trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục xu thế chạm đáy trong năm 2016 (dù nhiều nguồn dự báo sau đó có thể phục hồi mạnh từ giữa năm 2017). Thực tế phản ánh đúng như vậy. Chính sự cạnh tranh quyết liệt giữa các thành viên trong OPEC là nguyên nhân chủ chốt dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường. Nguồn cung tăng, nhu cầu giảm, nhất là nhu cầu suy yếu tại Châu Á như Trung Quốc khiến giá dầu suy giảm mạnh trong thời gian qua.

Và giờ đây, sự trở lại thị trường dầu mỏ thế giới của Iran tiếp tục gây áp lực lên giá dầu.

Thanh Văn