Bài toán khó

Thứ sáu, 04/07/2014 10:49

(Cadn.com.vn) - Bất chấp những tuyên bố rất cứng rắn trong phản ứng nhằm vào vụ thử tên lửa mới hôm 29-6 của Triều Tiên, Nhật Bản hôm 3-7 lại gây bất ngờ khi công bố quyết định dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.

Lý do mà Tokyo đưa ra là Bình Nhưỡng đã chứng tỏ những dấu hiệu nghiêm túc trong việc điều tra lại số phận các công dân Nhật bị nước này bắt cóc từ những năm 1970-1980, nhất là sau khi cuộc đàm phán với Triều Tiên về vấn đề này đạt tiến triển.

Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tỏ ra rất hài lòng khi Triều Tiên thành lập hẳn một Ủy ban điều tra vụ việc này. Không chỉ có Tokyo, giới phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên phản ứng tích cực với thông tin này đồng thời cho biết, các nhà đàm phán của họ đã thông báo các đối tác Nhật về thành phần Ủy ban điều tra và cách thức hoạt động như thế nào.

Sau nhiều năm bác bỏ liên quan, hồi tháng 5, chính quyền ông Kim Jong-Un nhất trí mở lại cuộc điều tra về số phận các công dân Nhật bị các đặc vụ nước này bắt cóc để huấn luyện các điệp viên Triều Tiên về ngôn ngữ và phong tục Nhật Bản.

Đổi lại, Tokyo cam kết dỡ bỏ hạn chế đi lại, lượng tiền có thể được gửi hoặc mang tới quốc gia này mà không cần thông báo với giới chức Nhật. Nhật cũng đồng thời cho phép tàu thuyền Triều Tiên cập cảng nước này vì các mục đích nhân đạo.

Bình Nhưỡng hiện đã thừa nhận nhiều nạn nhân bắt cóc đã bị đánh đập hoặc đã chết. Tuy nhiên, Nhật Bản cho thế là không đủ và nghi ngờ nhiều người vẫn có thể đang sống ở quốc gia miền Bắc.

Tokyo muốn điều tra ít nhất 12 trường hợp bị bắt cóc được cho là còn sống. Mặc dù Bình Nhưỡng thực hiện một thỏa thuận tương tự trong năm 2008 để điều tra thêm, nhưng công việc không đem lại kết quả. Thủ tướng Abe, người ưu tiên giải quyết vấn đề bắt cóc trong nhiệm kỳ của mình, tuyên bố sẽ không dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận cho đến khi tất cả các người bị bắt cóc được trở về hoặc được công nhận.

Việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm lần này rõ ràng là bước đi khởi đầu quan trọng trong mối quan hệ hai bên, chứng tỏ giai đoạn nồng ấm hơn. Nhưng động thái được cho là khá nhân nhượng lần này của Nhật khiến Hàn Quốc lo lắng. Seoul ngay lập tức cảnh báo Tokyo không “đi đêm” làm xói mòn các nỗ lực nhằm buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh, bất kỳ cuộc thảo luận nào giữa Nhật - Triều về các vấn đề còn tồn đọng, trong đó có việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, phải được thực hiện “minh bạch”.

Có thể thấy, Thủ tướng Abe hiện phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là duy trì các cuộc tham vấn chặt chẽ với Triều Tiên, trong khi vừa phải đảm bảo, Tokyo không nhân nhượng trước tham vọng vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng và không lệch pha với Mỹ và Hàn Quốc.

Thanh Văn