Bán đảo Triều Tiên lại sôi sùng sục

Thứ ba, 22/08/2017 08:15

Bán đảo Triều Tiên lại rơi vào tình trạng “bên bờ vực chiến tranh” khi Hàn Quốc và Mỹ ngày 21-8 mở màn cuộc tập trận thường niên bất chấp đe dọa tấn công “tàn nhẫn và không thương tiếc” của Triều Tiên.

Quân đội Mỹ-Hàn tập trận chung hồi năm 2016. Ảnh: Australian

Cuộc tập trận quân sự chung thường niên kéo dài 10 ngày “Người bảo vệ Tự do Ulchi” (UFG) lần này có sự tham gia của khoảng 17.500 binh sĩ Mỹ và khoảng 50.000 binh sĩ Hàn Quốc. Tập trận diễn ra trong bối cảnh những căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên leo thang lo ngại trong những tuần qua, kể từ khi Bình Nhưỡng phóng thử 2 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào tháng trước.

Hàn - Mỹ tập trận, Triều Tiên nổi giận

Trước thời điểm diễn ra tập trận, Triều Tiên cảnh báo, các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn là “hành vi liều lĩnh đẩy tình hình vào giai đoạn không thể kiểm soát của một cuộc chiến tranh hạt nhân”.

Trong một bài xã luận, tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên nêu rõ, các bước đi của Mỹ nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt tồi tệ nhất đối với Bình Nhưỡng và tiến hành các hành động khiêu khích quân sự khiến cho tình hình trên bán đảo trở nên đặc biệt căng thẳng. “Cuộc tập trận chung này thể hiện rõ ràng thái độ thù địch đối với chúng tôi, và không ai có thể đảm bảo, cuộc tập trận này sẽ không dẫn đến một cuộc chiến thật sự”, tờ báo nêu rõ. Trong tuyên bố mới nhất về cuộc tập trận này, Bình Nhưỡng khẳng định, quân đội của họ có thể nhắm mục tiêu đến Mỹ bất cứ lúc nào và cho rằng, cả Guam, Hawaii và đất liền Mỹ đều khó có thể né tránh “một cuộc tấn công tàn nhẫn”.

Trên thực tế, giới chuyên gia quân sự cũng lo ngại, cuộc tập trận lần này của Mỹ-Hàn có thể đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở thành “thảm họa”. Hiện Triều Tiên và Hàn Quốc về mặt kỹ thuật vẫn ở trong tình trạng chiến tranh và Bình Nhưỡng luôn rất nhạy cảm với mọi động thái quân sự của Seoul và đồng minh Washington. Triều Tiên cho rằng đây là một cuộc tổng duyệt cho một cuộc chiến tranh hạt nhân chống Bình Nhưỡng trong khi Hàn, Mỹ vẫn luôn tuyên bố cuộc tập trận về bản chất mang tính phòng vệ. “Đây là cuộc diễn tập thường niên và mang tính phòng thủ của hai nước đồng minh Hàn Quốc và Mỹ”, Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 21-8 ra tuyên bố nêu rõ.

Chờ phản ứng từ Triều Tiên

Bất chấp tuyên bố trấn an của Seoul, nhiều chuyên gia cho rằng, chắc chắn các cuộc tập trận Hàn-Mỹ năm nay sẽ dẫn đến một số phản ứng từ Bình Nhưỡng.

Một số chuyên gia nhận định, chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-Un sẽ chủ yếu tập trung vào bức tranh rộng lớn hơn, đó là thử nghiệm sức mạnh đặc biệt chống Mỹ bằng những tên lửa tầm xa mới của nước này. Ngoài ra, Triều Tiên có thể thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm. Nếu thành công, vụ phóng này sẽ chứng minh khả năng quân sự đáng gờm của Triều Tiên mà không lập tức đe dọa trực tiếp với Mỹ. Một số chuyên gia khác lại cho rằng, Bình Nhưỡng có thể tiếp tục thử ICBM khác, hoặc thậm chí có thể đe dọa bắn tên lửa đến vùng biển gần đảo Guam của Mỹ.

Trước tình hình này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 21-8 cảnh báo Triều Tiên không dùng cuộc tập trận này “làm cái cớ để làm trầm trọng thêm tình hình”. Ông cũng ra lệnh chính phủ và quân đội duy trì tình trạng sẵn sàng cao nhất để đối phó với mọi hành động khiêu khích của Triều Tiên.

Trung Quốc cũng vào cuộc, một lần nữa kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận quân sự chung.  Bắc Kinh nhiều lần đề nghị nối lại đàm phán 6 bên, vốn bị đình trệ từ lâu, để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân một cách hòa bình. Tuy nhiên, đề xuất “đóng băng kép” của Trung Quốc, rằng Triều Tiên ngừng các chương trình vũ khí đổi lấy việc Mỹ ngừng các cuộc tập trận quân sự trong khu vực, đã bị phớt lờ.

KHẢ ANH