Bàn về vai trò của "rừng trong đô thị" ở Đà Nẵng
(Cadn.com.vn) - Thiên nhiên đã ban cho Đà Nẵng ngoài, biển, sông còn là núi rừng ven đô và ngay trong thành phố, điều mà không phải đô thị nào của nước ta cũng có được. Nói về rừng, Đà Nẵng có các khu bảo tồn thiên nhiên đặc sắc như Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà- Núi Chúa, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và Khu văn hóa lịch sử môi trường Nam Hải Vân. Ngoài ý nghĩa kinh tế, rừng của thành phố còn có ý nghĩa phục vụ nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển du lịch…
Cũng vì có nhiều yếu tố "tạo xanh" mà màu xanh của Đà Nẵng không chỉ là của sông, của biển, của cây xanh đô thị, đồng lúa… mà nó còn được bao trùm bởi màu xanh của những khu rừng, những "lá phổi xanh", đã tạo ra một "vành đai xanh" khá đặc trưng. Tuy nhiên, trong những năm qua, do quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh, cộng với việc các đồ án quy hoạch đô thị chưa được nghiên cứu, chú trọng nhiều đến vành đai xanh, đến những mảng xanh tự nhiên trong lòng thành phố, dẫn đến việc phát triển đô thị của Đà Nẵng chưa thật sự bền vững.
Màu xanh Sơn Trà. |
Quan sát bằng mắt thường từ trên máy bay hay những tòa nhà cao tầng của thành phố thì không thể phân biệt được ranh giới giữa đô thị và ngoại ô, do việc xây dựng phát triển đô thị dàn trải, không có độ nén, làm lãng phí tài nguyên đất đai, cơ sở hạ tầng rất lớn. Không khó nhận ra sự nham nhở, lồi lõm của vành đai xanh khi tình trạng "lở loét" do khai thác đất đá ở các khu đồi, rừng ngoại vi thành phố gây ra, trong khi việc "hoàn thổ" còn chưa được làm triệt để hoặc có làm nhưng rất chậm, đó là chưa kể việc phát dọn, "đốt thực bì" để trồng rừng kinh tế, dẫn đến màu xanh không được tăng thêm hoặc có thì cũng phục hồi rất chậm. Người viết may mắn được đi một số nước Châu Á, nhất là ở Hàn Quốc và Nhật Bản, thấy rằng đa phần đô thị ở các quốc gia này không khó nhận thấy sự "bền vững" từ màu xanh của rừng từ vùng ven đô đến cả những cánh rừng trong thành phố. Hình ảnh đó không chỉ nhìn từ trên máy bay mà còn thấy trực tiếp, những khu rừng xanh ngút mắt trong và ngoài thành phố của họ.
Đơn cử như ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, một thành phố rộng lớn, có rất nhiều tòa nhà cao lớn gần trung tâm thủ đô, nhưng ở đó cũng có một khu rừng sâu và rậm gần ngay trung tâm Tokyo. Cây cối mọc trên khu đất của đền Minh Trị, nên khi đi dưới những tán cây, bạn sẽ cảm thấy mình đang ở trong một thế giới yên tĩnh, tách biệt hẳn với thế giới ồn ào náo nhiệt của một thành phố lớn. Nghe giới thiệu, cây cối được trồng ở đó đã có tuổi đời lên tới hơn 80 năm, tuy nó là một khu rừng nhân tạo nhưng trông rất giống rừng già tự nhiên. Có thể trước mắt bạn bắt gặp một khu phố sầm uất, với những cửa hàng cửa hiệu nối đuôi nhau, người qua kẻ lại tấp nập, quang cảnh khi ấy náo nhiệt, chộn rộn vô cùng. Thế nhưng khi quay đầu lại, bạn đã trông thấy những lùm cây rậm rạp bao phủ một góc trời cách đó không xa, đem lại cảm giác mát dịu cho mắt nhìn.
Hay như thành phố Seoul (Hàn Quốc), nơi tràn ngập các tòa nhà cao tầng ngày càng có thêm nhiều những khu rừng xanh mát, có gần 10 công viên rộng lớn, với những bóng cây tươi mát đã làm dịu đi cái nóng của những ngày hè oi bức. Khi nhắc đến công viên của Seoul, không thể bỏ qua công viên rừng Seoul ở quận Seongdong, nơi được mệnh danh là "mẹ của các công viên". Là công viên duy nhất của thành phố Seoul được gọi là "rừng", công viên rừng Seoul có diện tích 1.156.498 m2...
Chỉ nêu lên một vài dẫn chứng để thấy rằng ở các quốc gia xung quanh chúng ta, người ta chú trọng đến vai trò của rừng trong đô thị một cách rất nghiêm túc. Có thể cây xanh đường phố của họ ít hơn ta nhưng với những khu rừng tự nhiên cũng như nhân tạo trong lòng thành phố, những công viên, vườn bách thảo rộng lớn đã làm cho thành phố của họ có một màu xanh thật bền vững, những "lá phổi xanh" làm cho thành phố thêm trong lành…
Đà Nẵng có những lợi thế riêng để phát triển rừng, tận dụng tiềm năng sẵn có mà thiên nhiên ban tặng này để xây dựng nên một thành phố "xanh sạch đẹp", một "thành phố môi trường", xa hơn là thành phố đáng sống là một điều rất cần được quan tâm. Đi vào cụ thể, công tác phát triển rừng cần quan tâm thông qua việc mở rộng diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, đảm bảo số lượng đi đôi với chất lượng. Tích cực tranh thủ các dự án quốc tế về phát triển rừng, phát triển cộng đồng và bảo tồn đa dạng sinh học. Chú trọng đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách cho công tác khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và trồng rừng mới bằng các loài cây bản địa có xuất xứ từ rừng tự nhiên của thành phố. Từng bước chuyển hóa rừng trồng các loài keo, bạch đàn tại rừng đặc dụng để thay thế bằng các loài cây bản địa thích nghi.
Nên chăng, tiến tới chấm dứt hẳn việc trồng rừng kinh tế trong tất cả vùng ven thành phố, thay vào đó là chọn những cây bản địa để tạo ra những cánh rừng nhân tạo nhưng lâu bền. Và để có một màu xanh bền vững của "rừng trong phố", đã đến lúc hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác đất, đá tại các khu đồi xung quanh thành phố và đặc biệt quan tâm đến việc hoàn thổ, khôi phục lại màu xanh cho những quả đồi, ngọn núi sau khi khai thác. Có như vậy, Đà Nẵng trong tương lai bên cạnh màu xanh của sông, biển là một màu xanh bền vững của rừng, một thành phố trong lành đúng nghĩa. Nên chăng có một sự thay đổi mang tính đột phá để cho Đà Nẵng xanh hơn, đẹp hơn trong mắt bạn bè gần xa.
Dân Hùng