Bàn về vai trò của tổ dân phố nhân “Năm Văn hóa, Văn minh đô thị Đà Nẵng 2015”
(Cadn.com.vn) - So với nhiều địa phương của cả nước, quy mô một Tổ dân phố ở Đà Nẵng rất gọn (trung bình cả tổ dân phố là 30 hộ gia đình); tổ dân phố chỉ có chức danh tổ trưởng, không có chức danh tổ phó. Việc phân chia tổ dân phố theo tiêu chí mới để nhằm mục đích là phù hợp với tình hình thực tế địa phương và thuận tiện cho công tác quản lý dân cư được tốt hơn cũng như kiểm soát tình hình tội phạm tại từng tổ dân phố chặt chẽ hơn, việc tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước dễ dàng hơn...
Nhân năm 2015, thành phố chọn làm “Năm Văn hóa, văn minh đô thị”, người viết xin có một số trao đổi, ngõ hầu phát huy hơn nữa vai trò, chức năng của tổ dân phố trong việc xây dựng thành phố văn minh, an toàn và xanh sạch đẹp, mà cụ thể là triển khai có hiệu quả Năm Văn hóa, văn minh đô thị, ngay từ “tổ chức chính quyền” nhỏ nhất này.
Trò chơi dân gian leo cây chuối tại hội làng Hòa Phú - lễ hội tiêu biểu cho “Hội làng giữa phố Hòa Minh” Q. Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) tháng 3-2015. |
Trước hết là việc xóa bỏ quảng cáo rao vặt trên các tuyến đường mà thành phố hoặc các quận, thỉnh thoảng lại phải phát động ban ngành, đoàn thể và nhân dân ra quân xóa, bỏ quảng cáo rao vặt trên tường, cột điện tại các tuyến đường. Thực tế là chỉ khi có phong trào, có ra quân thì tình trạng này tạm lắng xuống rồi sau đó lại xuất hiện trở lại, thực trạng đó dễ làm cho người ta nghĩ rằng, việc xử lý tình trạng quảng cáo rao vặt trái phép chỉ làm theo đợt, theo phong trào...
* UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành quyết định bổ sung có mục tiêu năm 2015 cho ngân sách các quận, huyện để hỗ trợ kinh phí thực hiện “Năm Văn hóa, văn minh đô thị” với tổng số tiền là 2.410.000.000 đồng. Cụ thể, định mức hỗ trợ cho mỗi quận, huyện là 200.000.000 đồng/đơn vị; mỗi phường là 20.000.000 đồng/đơn vị và mỗi xã là 10.000.000 đồng/đơn vị. Q.D |
Để có được “tính bền vững” cho chủ trương trên, nên chăng giao cho Tổ dân phố chịu trách nhiệm về làm sạch môi trường cảnh quan tại địa bàn mình, bằng cách nâng cao tinh thần trách nhiệm của Tổ trưởng dân phố và của mỗi người dân, cụ thể là mỗi hộ chịu trách nhiệm về sự “sạch sẽ” của các cột điện, bờ tường trước nhà mình.
Bên cạnh việc xử lý của bộ phận chức năng thì mỗi hộ là những người đầu tiên tháo gỡ những số điện thoại, bảng rao vặt trái phép trước nhà mình. Và việc bình chọn “Gia đình văn hóa mới” hàng năm sẽ dựa trên kết quả của sự sạch sẽ trước nhà mỗi hộ gia đình. Tương tự là chuyện chấm dứt tình trạng xác chuột chết trên đường. Mỗi gia đình sẽ chịu trách nhiệm về đoạn đường trước nhà mình, khi phát hiện có xác chuột là xử lý ngay, không để bị xe cán nát rất phản cảm và mất vệ sinh.
Thứ ba là vấn đề quản lý và trồng mới cây xanh đô thị. Thành phố nên phát cho mỗi Tổ trưởng dân phố một cuốn sổ có thể gọi là “Cẩm nang cây xanh đô thị” trong đó có nêu các quy định về cây xanh đường phố, danh mục cây được trồng, hạn chế và cấm trồng, Thông qua sinh hoạt Tổ dân phố, các hộ dân sẽ được tổ trưởng phổ biến thông tin về chủng loại cây được phép trồng, nguồn giống cây, cách chăm sóc ra sao...
Đà Nẵng vốn được tiếng là đường phố sạch đẹp. Không thể phủ nhận có công sức rất lớn của mỗi người dân có nhà mặt phố. Họ quét dọn hè phố và cả lề đường trước nhà mình mỗi ngày, không thụ động trông chờ vào Công ty Môi trường đô thị. Vì vậy nên tăng cường vai trò của Tổ dân phố trong việc thực hiện những việc “nhỏ nhưng không nhỏ” như đã nêu ở trên. Vai trò trách nhiệm của Tổ trưởng dân phố sẽ được nâng cao hơn nữa, phong trào thi đua sẽ sôi nổi, thực chất và có tiêu chí để bình xét hàng năm. Và chắc chắn phố phường sẽ xanh sạch đẹp hơn, bắt đầu từ “Năm Văn hóa, văn mình đô thị Đà Nẵng năm 2015” này.
Dân Hùng