Báo chí quốc tế viết về Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam
Hàng loạt tờ báo khu vực và quốc tế tiếp tục viết về Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó ca ngợi những thành công về kinh tế và ứng phó với đại dịch Covid-19.
Tờ Nikkei Asia viết về Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. |
Hãng tin Kyodo của Nhật Bản đưa tin Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kiện chính trị quan trọng nhất ở quốc gia Đông Nam Á này, không chỉ thảo luận các vấn đề nhân sự, mà còn các chiến lược về chính trị, ngoại giao và kinh tế. Theo Kyodo, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã kiểm soát được Covid-19 với tổng số người dương tính chưa đến 2.000 người và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 2,91% trong năm 2020.
Đài phát thanh và truyền hình NHK (Nhật Bản) dẫn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội cho biết trong 5 năm qua, Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 5,9%. Bất chấp Covid-19 tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng trong năm 2020.
Tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) đăng bài phân tích của tác giả Tomoya Onishi về Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của Đại hội. Theo tờ báo này, trong lịch sử, Đại hội Đảng đã tạo ra những thay đổi lớn. Tờ báo nhắc lại tại Đại hội lần thứ VI năm 1986, Đảng đã quyết định thực hiện công cuộc Đổi mới và mở cửa nền kinh tế, đưa đất nước đi theo mô hình “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đây là một trong những quyết sách đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển toàn diện của Việt Nam.
Tờ Nikkei Asia cho biết, Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trung bình hằng năm 6,5-7% trong 5 năm kể từ năm 2021, đồng thời đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển trước năm 2045.
Báo Pasaxon Lao (Báo Nhân Dân) của Lào ngày 27-1 nhấn mạnh Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam có chủ đề: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ 21 Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Tờ báo cho biết, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tổng kết việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với việc đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới; 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991; 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 (tròn 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước); xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (tròn 100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 (tròn 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam)…
Báo Vientiane Times, ấn bản tiếng Anh đối ngoại duy nhất của Lào ngày 27-1 cũng đưa tin về phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong khi đó, hãng tin AFP của Pháp đưa tin về lễ khai mạc Đại hội XIII của Đảng ngày 26-1. Dẫn lời giới chuyên gia, AFP nêu rõ: Bất chấp triển vọng quốc tế đầy thách thức, ban lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ tận dụng lợi thế kinh tế và chính trị từ việc xử lý thành công đại dịch Covid-19. Ông Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington (Mỹ), nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục mở cửa kinh tế, tìm kiếm thêm các đối tác kinh tế, nước ngoài.
Hãng tin AP của Mỹ nêu rõ: Các nhà lãnh đạo Việt Nam cho rằng nước này đối mặt với cả những cơ hội và thách thức phía trước. AP còn mô tả đường phố Thủ đô Hà Nội những ngày này rợp màu đỏ của cờ hoa và các biểu ngữ, áp-phích chào mừng sự kiện trọng đại của đất nước được tổ chức 5 năm một lần.
Hãng tin này cũng dẫn lời ông Murray Hiebert nhận định: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện dấu ấn lãnh đạo của mình những năm qua bằng cách thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và thực hiện cuộc chiến chống tham nhũng trong Đảng và chính quyền. “Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình 6% trong 5 năm qua và gần 3% năm 2020 khi hầu hết các nước láng giềng rơi vào suy thoái do đại dịch”, ông Murray Hiebert nói.
Theo baodanang