“Bão nợ” ở Phước Sơn (2)

Thứ tư, 11/12/2013 11:03

* Kỳ 2: Doanh nghiệp xây dựng, nhà nghỉ điêu đứng!

(Cadn.com.vn) - Nhìn bề ngoài, TT Khâm Đức (Phước Sơn, Quảng Nam) với cái vẻ sầm uất vốn có của nó, khó ai có thể nhận ra trong đó đang âm ỉ “cơn bão ngầm”. Có người còn đùa rằng, ở thị trấn này, nhà nào cỡ “hai tấm” trở lên đều có thể là... chủ nợ của Cty TNHH Vàng Phước Sơn (viết tắt là Cty Vàng Phước Sơn). Và sự thật đằng sau câu nói đùa ấy sẽ khiến người ta phải bàng hoàng...

Là đối tác truyền thống, có uy tín và từ trước đến nay đã thực hiện nhiều gói thầu xây dựng có giá trị lớn cho Cty Vàng Phước Sơn, Xí nghiệp khai thác vật liệu xây dựng và xây dựng công trình Quảng An (Xí nghiệp Quảng An, đóng tại TT Khâm Đức) lại vừa là chủ nợ của Cty, vừa là “con nợ” của nhiều tổ chức và cá nhân khác. Đơn vị này trúng thầu một số hạng mục quan trọng tại Nhà máy vàng Đăksa (thuộc Cty Vàng Phước Sơn), tuy nhiên, để đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ xây dựng công trình…, Xí nghiệp Quảng An phải vay “nóng” của ngân hàng và nhiều cá nhân tại TT Khâm Đức số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Vậy nhưng, khi số vốn đầu tư bỏ ra lớn nhưng kết quả thu lại không tương xứng, thậm chí việc chậm thanh toán hoặc thanh toán nhỏ giọt từ phía Cty vàng Phước Sơn không đủ để trả tiền lãi suất vay đã đẩy Xí nghiệp Quảng An vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, nợ nần chồng chất. Tính đến cuối tháng 11-2013, Cty Vàng Phước Sơn còn nợ Quảng An khoảng 23 tỷ đồng (số nợ này tiếp tục tăng vì Xí nghiệp Quảng An hiện vẫn đang thực hiện nhiều hợp đồng khác với Cty).

Để thúc giục lãnh đạo Cty Vàng Phước Sơn cũng như Tập đoàn Besra (Tập đoàn Besra hiện quản lý 2 Cty khai thác vàng ở Việt Nam là Bồng Miêu và Phước Sơn - P.V) trả nợ, ngoài việc thông báo qua e-mail, Xí nghiệp Quảng An đã nhiều lần trực tiếp đến trụ sở Tập đoàn (đóng tại đường Ngô Quyền, TP Đà Nẵng) để làm việc nhưng lãnh đạo Tập đoàn cũng như Cty cũng chỉ đưa ra cam kết sẽ trả, nhưng chia làm nhiều đợt. Oái oăm ở chỗ, hiện các chủ nợ của Xí nghiệp Quảng An đang tìm cách thu hồi vốn, vì vậy Quảng An nếu có bán hết máy móc, phương tiện cũng không đủ để trả nợ...

Cửa hàng kinh doanh và phục vụ xăng dầu hiện đã đóng cửa,còn khách sạn Khâm Đức
(đều thuộc Cty CP Thương mại và Dịch vụ Phước Sơn) vẫn phải duy trì hoạt động...

Cty CP Thương mại và Dịch vụ Phước Sơn (thuộc Sở Công Thương Quảng Nam) với ngành nghề kinh doanh khách sạn, xăng dầu cũng là đối tác lớn bị Cty Vàng Phước Sơn nợ số tiền trên 4 tỷ đồng. Bí quá, đơn vị này phải đóng cây xăng mà trước đây phần lớn cung cấp cho Cty Vàng. Đến nay, lượng cán bộ, kỹ sư, công nhân của Cty Vàng Phước Sơn vẫn đang ở tại khách sạn Khâm Đức (thuộc Cty CP Thương mại và dịch vụ Phước Sơn) trên 50 phòng, nhưng từ tháng 5-2013 đến nay chưa thanh toán tiền. Trước tình cảnh ấy, lãnh đạo khách sạn đã nhiều lần đàm phán với phía Cty Vàng Phước Sơn, tuy nhiên vẫn chỉ nhận được những… lời hứa.

Trong khi đó, chi phí bỏ ra hằng tháng để phục vụ cho đội ngũ công nhân viên Cty Vàng Phước Sơn rất lớn, vì vậy Cty phải đi vay mượn bên ngoài để duy trì hoạt động. “Đâm lao thì phải theo lao chứ biết làm sao bây giờ. Hy vọng thời gian tới họ sẽ thanh toán cho mình để yên tâm làm ăn, hợp tác lâu dài, bằng không thì…”, bà Đoàn Thị Lân - Thành viên HĐQT Cty CP Thương mại và Dịch vụ Phước Sơn buồn rầu nói.

Giấy xác nhận chưa thanh toán tiền phòng cho nhà nghỉ T.Đ từ 15-4 đến 25-10 của Trưởng phòng Hành chính  Cty Vàng Phước Sơn.

Đội ngũ công nhân, kỹ sư, chuyên gia nước ngoài của Cty Vàng Phước Sơn lên đến hàng ngàn người, nhu cầu về nơi ăn chốn ở là rất lớn, trong khi đó Cty lại không thể bố trí chỗ ở cho họ. Nắm bắt được thực tế trên, nhiều nhà nghỉ, khách sạn tại TT Khâm Đức đua nhau mọc lên mới mục tiêu chính là phục vụ lực lượng này. Và hậu quả là họ cùng chung cảnh ngộ… nợ nần.

Bà L.T.Đ, chủ nhà nghỉ T.Đ (TT Khâm Đức) bức xúc cho biết, nhà nghỉ của bà có 11 phòng thì Cty Vàng Phước Sơn đã ký hợp đồng thuê hết trong nhiều tháng liền. Trước đây, Cty thanh toán sòng phẳng, tuy nhiên 6 tháng trở lại đây, không hiểu lý do gì mà Cty Vàng Phước Sơn chẳng chịu thanh toán tiền phòng cho bà. Khi tìm đến Cty yêu cầu thanh toán thì người của Cty, mà trực tiếp là ông Phan Nhật Quang - Trưởng phòng Hành chính xác nhận và hứa thanh toán hết trong tháng 11-2013. Vậy nhưng đến nay, Cty còn nợ của bà hơn 430 triệu đồng.

Gần đây, bà nhiều lần điện thoại cho ông Quang, nhưng ông không bắt máy nữa. “Trong thời gian cho Cty thuê phòng, lượng khách quen thường tới đây thuê phòng để ở đã đi nơi khác hết, giờ phòng trống không ai ở, đúng là thiệt đơn thiệt kép” - bà Đ. bức xúc. Bà bảo rằng, trước đây Cty làm ăn rất đàng hoàng, nhưng không hiểu sao thời gian gần đây lại bê bết như vậy. Điều khó hiểu là những công nhân ở nhà nghỉ của bà đứng ra xác nhận là Cty có trừ tiền ở trong lương của họ, nhưng lại không trả cho nhà nghỉ, khách sạn. Trước sự việc vô lý này, tất cả công nhân khi chuyển đi ở nơi khác, họ đều ký xác nhận để bà làm chứng từ sau này thanh toán với Cty. “Cơ quan chức năng phải vào cuộc chứ không kiểu này thì người dân, đơn vị kinh doanh dính đến Cty Vàng Phước Sơn càng chết nữa” - bà Đ. kiến nghị.

Bảng kê công nợ chưa thanh toán đến tháng 11-2013 với số tiền hơn 4 tỷ đồng
của Cty CP Thương mại và Dịch vụ Phước Sơn đối với Cty Vàng Phước Sơn.

Tại TT Khâm Đức, còn rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ bị Cty Vàng Phước Sơn dây dưa thanh toán tiền phòng tương tự như nhà nghỉ T.Đ. Điều đáng nói là, mặc dù không lấy được tiền nhưng họ vẫn phải cho công nhân của Cty này ở trong thời gian dài. Lý do được họ đưa ra là nếu không cho ở nữa, Cty dây dưa trả nợ thì biết làm sao. Vả lại, nếu đòi nợ gắt quá, sau này Cty sẽ không hợp tác nữa thì họ mất “mối” làm ăn lớn. Chính vì suy nghĩ này mà rất nhiều người đã phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, nai lưng làm không công cho Cty chỉ để nhận lại những lời… hứa suông.

Bên cạnh nhà nghỉ, khách sạn, đối tác xây dựng thì DN vận tải, kinh doanh xăng dầu, thực phẩm cũng là nạn nhân của việc chậm trả nợ của Cty Vàng Phước Sơn. Cty TNHH MTV Du lịch Đ.N (trụ sở đóng trên đường Điện Biên Phủ, Đà Nẵng) là ví dụ điển hình. Cty có 20 đầu xe (loại 4 đến 29 chỗ) chuyên chở công nhân, kỹ sư, chuyên gia nước ngoài cho Cty Vàng Phước Sơn cũng đang điêu đứng. Số nợ hơn 4 tỷ đồng của 5 tháng chưa thanh toán, trong khi đó đội xe của Đ.N vẫn hằng ngày phục vụ chuyên chở công nhân cho Cty Vàng Phước Sơn. Ngoài số tiền vay khoảng 20 tỷ đồng để mua dàn xe chuyên chở công nhân của Cty Vàng, hiện chi phí nhân công, xăng dầu… Cty Đ.N cũng phải vay để duy trì hoạt động. Ngoài nhà xe Đ.N thì một số nhà xe khác tại TT Khâm Đức đầu tư mua xe để phục vụ Cty cũng cùng chung cảnh ngộ.

Được biết, các DN chuyên cung cấp thực phẩm như Cty N.S.A (Đà Nẵng), Cty Tr.X (cung cấp xăng dầu)… hiện đang là chủ nợ của Cty Vàng Phước Sơn với số tiền rất lớn…

Phóng sự điều tra: Doãn Nguyên Hưng
(còn nữa)