Bảo tồn nghệ thuật nói lý - hát lý của đồng bào Cơ Tu
Đồng bào dân tộc Cơ Tu ở huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) sở hữu kho tàng di sản văn hóa bản địa phong phú như không gian văn hóa làng, các phong tục tập quán, múa tân tung za zá, kiến trúc gươl, dệt thổ cẩm, nghề đan lát...
Chỉ với 2 người, một màn nói lý, hát lý có thể diễn ra bất tận. |
Đặc biệt, tập quán nói lý, hát lý của dân tộc Cơ Tu đã có từ lâu đời. Họ thường nói lý, hát lý với nhau như một cách chuyện trò thú vị để chuyển tải tâm tình, cách ứng xử trong đời sống, trong các buổi sinh hoạt cộng đồng.Cũng giống như nhiều nghệ thuật truyền thống khác, nói lý, hát lý ngày nay đang đứng trước nguy cơ mai một trong đời sống hiện đại. Tại Đông Giang, địa phương đã có nhiều cách làm hay trong việc bảo tồn nghệ thuật nói lý, hát lý của dân tộc Cơ Tu.
Ông Nguyễn Văn Lê - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin H. Đông Giang chia sẻ: Năm 2015, nghệ thuật nói lý, hát lý của đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Quảng Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia đã khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc này. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật nói lý, hát lý càng được các cấp, ngành tại địa phương quan tâm và có nhiều cách làm thiết thực để bảo tồn. Hiện nay, toàn huyện Đông Giang có 11 xã, thị trấn với 16 thành phần dân tộc anh em sinh sống, trong đó đông nhất là người Cơ Tu chiếm gần 77%. Để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn, huyện đang thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tộc người Cơ Tu, trong đó có nghệ thuật hát lý- nói lý. Hằng năm, huyện xây dựng kế hoạch triển khai phát triển kinh tế-xã hội gắn liền với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể.
Thời gian qua, Phòng Văn hóa - Thông tin đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thành lập các Câu lạc bộ hát lý- nói lý, tổ chức thường xuyên những lớp truyền giảng, ghi âm, biên soạn lại những lời hay, ý nghĩa nhất. Đến nay, huyện đã thành lập và duy trì hoạt động 6 Câu lạc bộ nói lý- hát lý với gần 200 thành viên ở xã Ba, Arooi, Sông Kôn, thị trấn Prao, xã Tư và Trường Trung học phổ thông Quang Trung. Đồng thời, mời các thế hệ “gạo cội” như nghệ nhân Bling Bloó (xã Sông Kôn), Y Kông (xã Ba), A Rất Bưi (xã Arooi), Ating Đhân (thị trấn Prao), Đinh Văn Thép (xã Tư), Ploong Jưi (xã ATing) để truyền đạt cho lớp trẻ nhận thức sâu sắc và hiểu biết giá trị của nghệ thuật nói lý, hát lý, từ đó góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu ngày càng đa dạng, phong phú hơn.
Lớp học nói lý, hát lý này được đưa vào tổ chức giảng dạy một cách bài bản và các học viên tiếp thu, nghe được hát lý, nói lý để về hướng dẫn lại cho người trong làng. Chị ALăng Thị Tươi (thôn Tàlâu, xã Ba) cho biết: “Tôi tham gia lớp học này, các già làng đã truyền giảng cho tôi hiểu hơn về những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu và biết cách sử dụng nghệ thuật nói lý, hát lý vào những dịp phù hợp. Nếu không đi học hoặc không nghe các già làng giảng dạy chỉ bảo thì chắc chắn tôi không thể nào biết được...”.
Vừa đan lát, vừa nói lý, hát lý. |
Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật nói lý, hát lý, H. Đông Giang đang thực hiện đồng thời các giải pháp như vận động những người dân am hiểu về nghệ thuật nói lý, hát lý tiếp tục tham gia sinh hoạt và giảng dạy tại các Câu lạc bộ; nhân rộng mô hình nghệ thuật này vào các trường học trên địa bàn huyện, nhằm giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về nguồn gốc, ý nghĩa của loại hình nghệ thuật này để cùng nhau lưu giữ và phát huy tốt hơn. Đồng thời huyện đã vận động các thôn, xã đưa nghệ thuật nói lý, hát lý vào trong các buổi sinh hoạt thường kỳ tại địa phương với nội dung tập trung vào việc tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa, cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa gắn với nông thôn mới...
Thông qua nhiều cách làm đa dạng, H. Đông Giang đã tuyên truyền sâu rộng đến người dân về bảo tồn, giữ gìn và phát huy hơn nữa các giá trị đặc sắc của nghệ thuật hát lý, nói lý đồng bào dân tộc Cơ Tu. Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc lưu truyền và kế thừa để các thế hệ người dân tộc Cơ Tu biết sử dụng, phát huy giá trị của hát lý, nói lý trong đời sống, góp phần làm cho đời sống của đồng bào dân tộc Cơ Tu ngày càng tốt đẹp hơn.
Ông Nguyễn Văn Lê cho biết thêm: “Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đưa loại hình nghệ thuật này vào du lịch cộng đồng để vừa bảo tồn, phát huy, vừa tạo thu nhập cho đồng bào. Đồng thời, huyện xây dựng hồ sơ đề nghị ngành chức năng công nhận Nghệ nhân Ưu tú theo Nghị định 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể đối với các nghệ nhân dân gian, các già làng có uy tín và am hiểu sâu sắc về nghệ thuật nói lý, hát lý nhằm ghi nhận công lao của đội ngũ này. Đây chính là những giải pháp tốt nhất để bảo tồn và phát huy nghệ thuật nói lý, hát lý độc đáo của cộng đồng dân tộc Cơ Tu trong cuộc sống hôm nay”.
THẢO NGUYÊN