Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử ở Cẩm Lệ

Thứ năm, 14/05/2015 09:13

Nhiều công trình có giá trị

(Cadn.com.vn) - Cẩm Lệ là quận non trẻ nhất của TP Đà Nẵng, mới chỉ 10 năm xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, vùng đất này may mắn kế thừa truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời, từ dấu ấn Chămpa như tháp chăm Phong Lệ cho đến đình làng miếu mạo và những người con hào hùng, những chiến công lẫy lừng trong  những ngày đầu kháng Pháp. Trên địa bàn hiện có 3 Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia là Nghĩa Trủng Hòa Vang (P. Khuê Trung), Mộ và Nhà thờ Ông Ích Khiêm, Mộ và Miếu thờ nhà yêu nước Ông Ích Đường cùng ở P. Hòa Thọ Tây. Ngoài ra, quận còn có 7 di tích cấp thành phố và 8 di tích được quận ghi nhận, đưa vào danh mục bảo tồn, chủ yếu là đình làng, miếu, nhà thờ, bia chứng tích được công nhận xây dựng cách đây vài chục đến vài trăm năm.

Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng phát biểu tại buổi tọa đàm.

Hầu hết số di tích này đều được gìn giữ, tôn tạo khá tốt, được nhân dân, chính quyền địa phương và các cấp tổ chức trọng thể lễ tế, tưởng nhớ hàng năm. Các lễ hội đình làng, lễ tế truyền thống tại nhà thờ của các tộc họ trên địa bàn quận được tổ chức thường xuyên, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, địa phương và giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng trong nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Đặc biệt, lễ tế Nghĩa sĩ và Hội làng Khuê Trung diễn ra hằng năm vào ngày 16-3 âm lịch với quy mô lớn, tổ chức nhiều hoạt động thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Qua đó, các hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian như hát hò khoan đối đáp, hát dân ca, hò vè... tiếp tục được duy trì.

Bảo tồn và phát huy theo hướng nào?

Theo ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND Q. Cẩm Lệ, tuy là quận mới được thành lập và còn nhiều nhiệm vụ quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội nhưng quận ủy, UBND Q.Cẩm Lệ quyết tâm xây dựng môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh. Chính quyền địa phương xác định, việc xây dựng các thiết chế văn hóa tiến hành còn chậm, thiếu đồng bộ dẫn đến đầu tư cơ sở vật chất còn dàn trải, chưa đi vào chiều sâu.

Các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn chưa phát huy giá trị, chưa thực sự là điểm đến của người dân địa phương và du khách. Nhiều sắc phong của các đình làng đang có nguy cơ hư hại. Tuy có nhiều di tích lịch sử văn hóa và di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đặc sắc, có nhiều nhân vật lịch sử nhưng vẫn chưa có một công trình nghiên cứu toàn diện, chiều sâu văn hóa giá trị truyền thống địa phương. Công tác trùng tu, tôn tạo di tích đã được triển khai thường xuyên nhưng chưa có một hoạch định lâu dài cho hướng phát triển trong tương lai.



Phế tích Chăm Phong Lệ đang được UBND TP Đà Nẵng quy hoạch mở rộng.

Về những tồn tại này, trong cuộc tọa đàm "Cẩm Lệ - một số vấn đề về lịch sử, văn hóa tiêu biểu", UBND Q. Cẩm Lệ đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước. Theo thạc sĩ Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, di tích Chăm Phong Lệ  nằm trên địa bàn P.Hòa Thọ Đông có giá trị hết sức đặc biệt. Đây là khu vực khảo cổ có thể tiếp tục khai quật để nghiên cứu về nền móng tháp Chăm. Lâu nay các thành tựu về nghiên cứu kiến trúc Chăm chỉ mới dừng lại ở phần xây dựng trên mặt đất, do hiếm có điều kiện đào sâu xuống dưới nền móng để khảo sát.

Hiện nay UBND TP Đà Nẵng đã có quy hoạch về khu vực này, vậy nên Q.Cẩm Lệ có thể xây dựng và kết nối một số di tích khác để hình thành chuỗi khai thác du lịch phục vụ du khách trong và ngoài nước. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Phụng - Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, tổng thể văn hóa xứ Quảng nói chung và Cẩm Lệ nói riêng có thể phân kỳ tiến trình lịch sử theo tiến trình: Văn hóa Chămpa - văn hóa Chăm Việt - văn hóa Việt. Các tầng văn hóa kế thừa nhau thành một tổng thể thống nhất, có mối quan hệ khắng khít, tính kế thừa. Q.Cẩm Lệ nên tập trung khác thác các di tích liên quan đến 2 nền văn hóa này để thu hút khách du lịch.

Với những phế tích Chăm như Phong Lệ hay chùa An Sơn được xây dựng kế thừa trên nền di tích tháp Chăm cổ xưa, Q.Cẩm Lệ có thể nghiên cứu xây dựng thành điểm tham quan.  Cùng quan điểm này, thạc sĩ Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng hiến kế, Cẩm Lệ đang có lợi thế về các di tích nguồn gốc Chămpa bản địa. Ngoài phế tháp Hóa Quê và miếu Bà cùng với giếng cổ Chăm hình vuông được bảo tồn từ nhiều năm nay thì phát hiện khảo cổ học gần đây ở Phong Lệ chứng tỏ Đà Nẵng từng là một trung tâm tôn giáo lớn của người Chăm cổ.

Hiện nay Bảo tàng Đà Nẵng đang quá tải, nên chăng Q. Cẩm Lệ xây dựng tại khu vực Phong Lệ một Bảo tàng Chăm thứ hai tại TP Đà Nẵng và sưu tầm các hiện vật để phục vụ nhu cầu du lịch. Cùng với di tích Chăm, có nhiều ý kiến gợi ý nên khôi phục một số làng nghề, sản phẩm truyền thống như: Lễ hội mục đồng, Hát bài chòi, trồng và sản xuất thuốc lá Cẩm Lệ, làm bánh tráng, bánh khô mè... bảo tồn, mở rộng tháp Chăm Phong Lệ, Nghĩa Trủng Hòa Vang và Đài tưởng niệm liệt sĩ Hòa Vang... để phục vụ tham quan và du lịch.

Bài, ảnh: Nguyên Thảo