Đi tìm báu vật Chămpa

Thứ ba, 05/05/2015 08:53

* Bài 1:  Bí mật trên núi Chúa

(Cadn.com.vn) - Từ xưa tới nay, vùng đất thuộc xã Duy Sơn (H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) được mệnh danh là vùng đất Thánh. Với giới khoa học, kinh đô Simhapura (Kinh thành Sư tử) một thời là một dấu hỏi lớn với ngành khảo cổ về bí ẩn một thời đại Chămpa; còn đối với người dân, nơi đây còn là vùng đất hứa, nơi gắn liền với những câu chuyện kỳ bí về kho báu cổ được chôn giấu dưới lòng đất.

Lời đồn đại về kho báu của vua Chămpa xuất phát từ việc có người tìm thấy dây chuyền, vòng tay làm bằng mã não hoặc phát hiện những chum vại bằng vàng chôn sâu dưới lòng đất. Từ đó người ta vẫn tin rằng dưới mặt đất vẫn còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá và đã có thời nhiều người buôn đồ cổ ra sức tìm kiếm khắp nơi nhưng cánh cửa vào kho báu vẫn chưa được hé lộ.

Chén, đĩa gốm được người dân khai quật được tại nhà.

Những năm kháng chiến, vùng đất Duy Sơn-nơi có chiến khu Hòn Tàu (Đặc Khu ủy Quảng Đà), là một trong những nơi bị bom Mỹ bắn phá ác liệt. Sau ngày thống nhất đất nước, từ một vùng đất hiu hắt, vắng người đã dần tập trung thành một khu dân cư, trong thời gian ấy đất đai được khai hoang, nhiều nhà cửa mọc lên. Là người dân sống lâu năm tại Trà Lý (Duy Sơn), ông Phan Văn Bảy (80 tuổi) vẫn nhớ rất rõ những câu chuyện kỳ bí ngày ấy: "Hồi nớ mới giải phóng ra nên ai cũng còn đói khổ. Chuyện bắt đầu từ lúc có người đi làm rẫy trên núi Chúa lượm được vàng. Cả vùng này xôn xao chuyện trên núi có kho báu. Có đợt nhiều người còn tập trung thành nhóm lên đó đào vàng nữa". Dưới chân núi Chúa người dân vẫn làm nương rẫy nhưng chưa có ai đặt chân được lên đỉnh núi cao nhất khu vực này bởi địa thế dốc và trơn trượt.

Theo ông Bảy, khoảng năm 1980, có ông Năm là người dân Duy Sơn thường đi làm rẫy gần núi thấy dòng nước trong khe núi chảy ra có màu lấp lánh, lại gần xem thì đó là những hạt vàng li ti. Kể từ đó cứ mỗi khi trời mưa lớn ông Năm lại âm thầm lên núi... nhặt vàng. "Nhiều người đồn đại rằng kho báu được người Chămpa chôn trên núi Chúa, trải qua hàng ngàn năm đất đai bị xói mòn dần nên khi trời mưa thì trôi xuống. Có người còn khẳng định ông Năm nhặt được cả lon vàng mỗi khi trời mưa", ông Bảy kể. Thế nhưng chuyện ông Năm được lộc trời vẫn chỉ là bí mật của riêng ông cho đến khi con cháu đặt dấu hỏi tại sao mỗi khi trời mưa ông lại khăn gói lên rẫy. Cũng từ đó tin đồn trên núi Chúa có kho vàng bắt đầu lan rộng. Nhiều người cũng muốn thử vận may một lần, thậm chí nhiều người buôn đồ cổ còn cố mở đường lên núi Chúa nhưng đều bất thành. Sự tích về kho báu cổ theo thời gian dần chìm vào quên lãng...

Theo chỉ dẫn của ông Bảy, tôi tìm đến nhà ông Năm. Trong căn nhà ọp ẹp chỉ có người cháu dâu của ông ở nhà. Hỏi thăm về chuyện ông Năm đã từng nhặt được vàng trên núi Chúa, chị Nguyễn Thị Xuân (37 tuổi) cười: "Ông nội mất lâu rồi, hồi mất không để lại tài sản chi hết, ông cũng không nói gì về chuyện nhặt được vàng với con cháu. Chuyện ông nhặt được vàng trên núi thì tui có biết nhưng ông có chôn cất ở mô thì gia đình tui không biết. Nhiều người còn nói ông nội chỉ đường cho gia đình tui đi lấy vàng nhưng tui giấu. Vợ chồng tui cũng làm nông sinh sống bình thường chứ có biết kho báu chi mô!".

Chuyện ông Năm tìm được vàng thì không ai chứng thực nhưng chuyện ông B.S (trú thôn 2, Cổ Tháp, xã Duy Châu) thì nhiều người chứng kiến. Ông B.S đã mất nhưng con cháu ông vẫn nhớ rõ sự việc. Hồi ấy ông B.S đi xây nhà cho một gia đình dưới Trà Kiệu (xã Duy Sơn). Trong lúc đào bới xây dựng nhà cửa, ông phát hiện một số vòng tay bằng vàng. Mừng quá, ông B.S giấu vào trong áo rồi đi về nhà. Lần ấy bà con trong xóm còn đến chúc mừng, xuýt xoa từ nay ông được đổi vận. Thế nhưng không hiểu sao có số "lộc thần" ấy nhưng gia đình ông B.S vẫn sống cực khổ. Con cháu ông hiện đều nằm trong diện hộ nghèo của xã. Nhiều người đoán già đoán non tại ông dịch chuyển số vàng ấy ra khỏi đất thánh nên phạm vào thần thánh nên muôn đời không giàu có, khấm khá được.

Đồng Dao-Doãn Hùng
(còn nữa)