Đi tìm báu vật Chămpa (2)

Thứ tư, 06/05/2015 09:55

* Bài cuối: "Ứng xử" với di tích cổ

(Cadn.com.vn) - Cuộc sống ngày nay đã đổi khác, nhà cửa cũng xây dựng hiện đại hơn nhưng ngay tại mảnh đất này hàng ngàn năm trước đã chứng kiến thời kỳ phát triển rực rỡ của Vương quốc Chăm cổ. Hàng ngàn năm sau người ta lại một lần nữa chứng kiến thời kỳ vàng son ấy thông qua việc phát lộ những di tích, những hiện vật mang giá trị lịch sử, thời đại.

Mặc dù những câu chuyện kỳ bí hoang đường gắn liền với Vương quốc Chăm cổ chưa được kiểm chứng tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng giá trị của nền văn hóa này để lại cho hậu thế là có thực và vô giá. Trải qua thời gian dài giờ đây Trà Kiệu đã trở thành một khu dân cư sầm uất. Dấu vết Chăm còn lưu lại trong dân gian có chăng là những mảng tường gạch. Những ngôi nhà nếu nhìn sơ qua thì có vẻ được xây dựng thông thường nhưng nếu chú ý sẽ thấy rất rõ là chúng được sắp đặt men theo những ô vuông. Phía ngoài được gọi là thành Ngang trước kia là chiến lũy của kinh thành Chăm, bên trong nhà dân hướng mặt vào nhau tạo nên một quần thể đậm chất Chămpa. Còn trên đường đi thì có vô vàn những viên gạch cũ màu nâu đỏ nằm lấp ló dưới lớp đất. Những con đường quanh co dẫn vào với nhau như một vòng tròn mải miết.

Đã có chuyện người ta đã đào được hai bức tượng Phật không đầu tại nhà ông Nguyễn Trường Cường và bà Huỳnh Thị Tám khi gia đình sửa lại nhà ở. Và còn hàng chục vòng tay, chén đĩa gốm cũng được họ lưu giữ tại nhà. Ở Quảng Nam không chỉ có Trà Kiệu gắn liền với những báu vật Chăm cổ mà ở Phật viện Đồng Dương xã Bình Định Bắc (H. Thăng Bình) cũng đã nhiều lần phát hiện cổ vật như tượng Phật, bia khắc chữ Chăm. Năm 1978, những người đi dò tìm phế liệu đã phát hiện ở đây một bức tượng phụ nữ bằng đồng thau. Đó là pho tượng bồ tát Tara, đã được lưu giữ qua 7 đời chủ tịch xã và được xem là hiện vật tâm linh của cả làng.

Mới đây, trong quá trình thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nhiều hiện vật mang giá trị lịch sử, văn hóa có niên đại từ khoảng thế kỷ IX-XII đã phát lộ tại khu di tích Triền Tranh, thuộc xã Duy Trinh, H. Duy Xuyên. Trước đó vào năm 2010, khi khảo sát để làm đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cơ quan chức năng đã phân định mốc di tích cách đường cao tốc hơn 70m để bảo vệ. Tuy nhiên, đến năm 2014, khi triển khai thi công, đơn vị thi công phát hiện còn nhiều phần của di tích nằm sâu dưới lòng đất, phía trên là mặt đường đi qua. Vì vậy, nhà thầu phải tạm dừng việc thi công và báo cáo ngành chức năng giải quyết.

Được sự đồng ý của Bộ VH-TT &DL, từ giữa tháng 1-2015 đến nay, Viện Khảo cổ học phối hợp với Trung tâm quản lý Di tích Danh thắng, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, Phòng VHTT H. Duy Xuyên và các cơ quan liên quan đã tiến hành khai quật nghiên cứu khảo cổ khoảng 3.000m2 di tích Triền Tranh và tổng thể cụm di tích Chiêm Sơn Tây nói chung. Theo các chuyên gia, phần diện tích đã khai quật phát lộ rất nhiều thành phần kiến trúc, bao gồm hệ thống tường bao phía sau của khu di tích dài gần 70m nằm trên một lớp văn hóa dày trung bình 0,5m ken kín nhiều vật liệu kiến trúc gạch, ngói và một ít những mảnh gốm sứ cao cấp từ nhiều nguồn gốc khác nhau (đồ Chăm, gốm sứ Đại Việt thời Lý - Trần, gốm sứ nước ngoài như Trung Quốc, Islam).

"Đặc biệt nhất là sự xuất lộ của kiến trúc liên hoàn chia ô nhỏ ở phía sau đền thờ chính với bộ mái được lợp ngói là mũi nhọn và múi tròn, giúp hình dung về những ngôi nhà lợp ngói đã sụp đổ. Dạng kiến trúc chia ô liên hoàn, mái lợp ngói dạng này hiện mới tìm thấy duy nhất ở di tích Triền Tranh mà chưa thấy xuất hiện ở một di tích Chămpa nào khác", PGS Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết.



Khu di tích Triền Tranh phát lộ thêm khoảng 70m dưới khu vực mặt đường cao tốc đi qua nên dự án phải tạm dừng thi công qua đoạn này.

Cũng theo ông Hải, những nghiên cứu sơ bộ bước đầu nhận định di tích Triền Tranh có niên đại khoảng từ thế kỷ IX đến thế kỷ XII và có liên quan mật thiết với nhóm di tích Chămpa ở Duy Xuyên trong lịch sử, gồm Thánh địa Mỹ Sơn - Khu di tích Chiêm Sơn Tây (trong đó di tích Triền Tranh có vị trí trung tâm) - Kinh đô Simhapura (Trà Kiệu) và cửa/cảng Đại Chiêm với trục liên kết quan trọng là dòng sông Thu Bồn. "Trong đó di tích Triền Tranh có thể từng làm nơi tập giảng, hằng năm, từ kinh đô Trà Kiệu, vua tụ tập giới tăng lữ về Triền Tranh để tập giảng kinh sách, luyện kinh thờ cúng và nghi lễ, trai giới trước khi đến làm lễ ở Thánh địa Mỹ Sơn và các khu đền tháp khác trong vùng...", PGS Nguyễn Giang Hải nhận định.

Ngay sau khi phát lộ di tích dưới mặt đường cao tốc, nhiều câu hỏi đặt ra  cho các ngành quản lý, chuyên gia. Và phương án di dời toàn bộ hiện vật là một trong những lựa chọn tối ưu để giải quyết vấn đề. Cuối tháng 4, việc khai quật phải tạm dừng vì giữa Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Viện Khảo cổ chưa thống nhất được phương án do phần diện tích khảo cổ được mở rộng làm ảnh hưởng tiến độ thi công đường cao tốc. Phía VEC yêu cầu Viện Khảo cổ phải nhanh chóng hoàn thành việc khai quật và bàn giao mặt bằng để tiếp tục thi công. Tuy nhiên, một cán bộ Viện Khảo cổ cho hay, vẫn còn nhiều phần của di tích chưa phát lộ nên không thể lấp đất để làm đường. Hiện chúng tôi đã hoàn thành trên phần diện tích 2.000 m2 và đang tiếp tục khai quật 1.000 m2 còn lại.

Các chuyên gia, nhà khoa học đang bàn phương án di dời hiện vật tại khu di tích để đảm bảo tiến độ thi công đường cao tốc.

Tại buổi làm việc ngày 27-4, Viện Khảo cổ, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, UBND H. Duy Xuyên và VEC đã thống nhất một số phương án xử lý, khảo cổ di tích Triền Tranh để sớm trả lại mặt bằng thi công. Theo đó, VEC đồng ý để Viện Khảo cổ tiếp tục khai quật để bổ sung, củng cố hồ sơ, đồng thời dựng phim 3D về di tích này. Ngoài ra, sẽ cho làm nhà bao che phục vụ công tác trưng bày tại Bảo tàng Duy Xuyên. VEC đồng ý chi khoảng 9 tỷ đồng để phục vụ cho việc khai quật và di dời một phần di tích vào bảo tàng. Viện Khảo cổ phải tăng cường nhân lực để đẩy nhanh tiến độ khai quật và bàn giao mặt bằng sớm.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tại buổi làm việc với VEC trước đó, ngày 27-4 vừa qua, Sở VH-TT&DL chủ trì phối hợp với đơn vị chức năng tiến hành cuộc họp và đi đến thống nhất phương án di dời hiện vật tại khu phế tích này. Theo đó, đầu tháng 5-2015, công tác khai quật sẽ tiếp tục triển khai, dự Kiến hoàn thành trước tháng 9-2015, sau đó sẽ phục dựng hình ảnh 3D và xây dựng nhà bao che phục vụ trưng bày tại Bảo tàng Duy Xuyên. Dự kiến tổng kinh phí cho công tác khai quật, bảo tồn khoảng 9 đến10 tỷ đồng.

Liên quan đến việc đảm bảo tiến độ thi công đường cao tốc, ông Đặng Văn Minh cho rằng, tuy đơn vị chịu sức ép về tiến độ nhưng theo Luật Di sản thì phải chấp hành, khi có kết quả cuối cùng mới tiếp tục triển khai. "Tuy có ảnh hưởng tiến độ nhưng hiện nay đơn vị thi công vẫn tiến hành thi công phía hai đầu khu di tích vừa phát lộ, đến khi khai quật xong, hoàn trả mặt bằng thì sẽ tiếp tục hoàn thiện phần còn lại", ông Minh cho biết thêm.

Đồng Dao-Doãn Hùng