Bảo vệ sao la, trách nhiệm của cộng đồng

Thứ sáu, 07/02/2014 11:00

(Cadn.com.vn) - Sau hàng chục năm theo đuổi, kỳ công tìm kiếm, cuối cùng các nhà khoa học đã ghi lại được hình ảnh chứng minh loài sao la quý hiếm vẫn còn tồn tại ở khu vực Trung Trường Sơn. Việc phát hiện này đã củng cố niềm tin cho công tác bảo tồn, gìn giữ loài thú quý hiếm.

Phát hiện lịch sử

Sao la được phát hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 5-1992 tại Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh). Đến tháng 10-1998, một lần nữa các nhà khoa học đã chụp ảnh được sao la trong tự nhiên tại Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An). Và từ đó đến trước tháng 9-2013, nhiều người cho rằng sao la ở Việt Nam đã bị tuyệt chủng. Thế nhưng trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học nhận định khu vực vùng núi trên dãy Trường Sơn còn có dấu hiệu tồn tại của loài sao la. Để chứng minh nhận định trên là đúng, tháng 4-2011 Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam phối hợp với Ngân hàng Phát triển Đức (KFW) và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) thực hiện dự án Bảo tồn Đa dạng Sinh học nhằm truy tìm sự tồn tại của sao la. Trong 2 năm, những người truy tìm dấu vết sao la đã thực hiện nhiều biện pháp rất công phu, như điều tra xác định dấu chân, thức ăn, phân thải, lấy máu của loài vắt (một loài vật hút máu) gửi xét nghiệm AND để phân tích tìm mẫu máu của sao la...

Bên cạnh đó, WWF tài trợ 12 camera để các nhân viên đặt ở các khu rừng dựa vào kinh nghiệm, thông tin từ người dân địa phương và theo hướng dẫn của các chuyên gia Việt Nam. Những camera tự động ghi lại hình ảnh bằng cảm ứng nhiệt đối với các loài động vật đi qua. Cuối cùng, tối ngày 7-9-2013, bẫy ảnh đã chụp được hình ảnh một cá thể sao la đang di chuyển dọc con suối ở một cánh rừng hẻo lánh.

Hình ảnh cá thể sao la đang di chuyển dọc con suối ở một thung lũng hẻo lánh được ghi lại vào ngày 7-9-2013.

Nhận định về vấn đề trên, TS Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt Nam chia sẻ: “Lần đầu tiên nhìn vào các bức ảnh, tôi đã không thể tin vào mắt mình. Sau 15 năm biến mất và cũng chừng đó thời gian những người làm công tác như tôi chờ đợi đã được thỏa nguyện. Sao la được những nhà bảo tồn Đông Nam Á coi là một “báu vật” nên chúng tôi vô cùng háo hức. Đây là một khám phá nghẹt thở, ghi nhận này làm sống lại hy vọng về sự sống sót của loài này”.

Còn ông Đặng Đình Nguyên- Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, kiêm Giám đốc Khu bảo tồn sao la Quảng Nam phấn khởi cho biết: “Việc chụp được ảnh sao la khiến chúng tôi quá bất ngờ và vui không tả được. Đây là một thời khắc quan trọng đối với những nỗ lực của Việt Nam để bảo vệ sự đa dạng sinh học đặc biệt của quốc gia. Đồng thời, là một bằng chứng mạnh mẽ về hiệu quả của những nỗ lực bảo tồn sinh cảnh, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn loài Sao la của Việt Nam. Có được thành công như trên là công sức và sự lao khổ của các cán bộ và các nhà khoa học Việt Nam trong vòng 2 năm qua”.

Ông Đặng Đình Nguyên giới thiệu hành trình bảo vệ sao la trên địa bàn Quảng Nam.

Nỗ lực bảo tồn

Khi chúng tôi hỏi việc công bố phát hiện trên có ảnh hưởng đến công tác bảo tồn loài động vật quý hiếm này không, ông Đặng Đình Nguyên chia sẻ: Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam và WWF Việt Nam rất trăn trở khi cho công bố bức ảnh chụp được sao la. Vì chúng tôi cũng nhận thức được mối lo ngại của các đối tượng săn bắn đối với sự an toàn của các cá thể sao la khi công bố. Tuy nhiên, việc công bố thông tin là cần thiết. Vì qua đó chứng minh sự tồn tại của loài thú quý hiếm cũng như chứng tỏ sự nỗ lực của cả tập thể, tổ chức trong nhiều năm qua. Theo đó Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp với WWF để đưa ra các giải pháp nhằm bảo vệ sao la cũng như có phương án phát triển trong thời gian tới.

Với việc phát hiện quý giá trên, đầu tháng 1-2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Kế hoạch quản lý Khu bảo tồn sao la giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020, với tổng kinh phí thực hiện hơn 25 tỷ đồng. Theo đó Khu bảo tồn loài và sinh cảnh sao la nằm phía tây bắc của tỉnh Quảng Nam, bao gồm phạm vi rừng và đất rừng của xã Bhalêê, A Vương (H. Tây Giang) và xã Sông Kôn, Tàlu (H. Đông Giang). Tổng diện tích tự nhiên khu bảo tồn hơn 15.400ha, gồm 22 tiểu khu. Đây được xem là kế hoạch mang tính chiến lược dài hạn để thực hiện mục tiêu quản lý Khu bảo tồn nhằm bảo vệ, bảo tồn và phát triển loài sao la cùng với các hệ sinh thái và sinh cảnh vùng cư trú thích hợp của loài này, đồng thời bảo vệ các nguồn gen quý còn tồn tại trong Khu bảo tồn. Trước đó, tháng 7-2012, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định phê duyệt dự án thành lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh sao la tại khu vực trên.

Ông Nguyên cũng cho biết thêm, để bảo vệ loài thú quý hiếm trên, lực lượng tuần tra bảo vệ chuyên trách Khu bảo tồn sao la Quảng Nam gồm 20 cán bộ ngày đêm âm thầm tuần tra giữa rừng sâu bảo vệ môi trường sống cho những cá thể sao la. Theo đó lực lượng này có nhiệm vụ ngăn chặn các mối đe dọa môi trường sống của loài sao la như, phá rừng khai thác lâm sản trái phép, đốt nương làm rẫy, săn bắn thú rừng. Có 4 tổ thay phiên nhau tuần tra trong khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt, mỗi chuyến tuần tra kéo dài 6-8 ngày liên tục.

Nguyên tắc tuần tra bắt buộc sử dụng GPS (máy định vị) ghi lại tuyến và các dấu hiệu vi phạm. Tất cả các dữ liệu sẽ được nhập vào hệ thống quản lý thông tin trực tiếp tại văn phòng Khu bảo tồn sao la Quảng Nam. Đặc biệt, để đảm bảo tính hiệu quả trong công tác tuần tra, bí mật của chuyến đi được giữ kín, các địa điểm thực hiện không được biết trước, giữa các tổ cũng không biết địa điểm tuần tra của nhau...

Như vậy với sự đầu tư kinh phí và những nỗ lực của các cấp, ngành trong và ngoài nước, hy vọng loài sao la sẽ được bảo tồn và phát triển trong tương lai.

Bão Bình