Bầu cử Quốc hội Pháp vòng hai: Quyết định quyền lực của Tổng thống Macron

Thứ hai, 20/06/2022 14:22
Ngày 19-6, các điểm bỏ phiếu trong lục địa đã mở cửa để các cử tri Pháp đi bỏ phiếu trong vòng 2 cuộc bầu cử quốc hội nước này. Kết quả bầu cử lần này có ý nghĩa quan trọng đối với quyền lực của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong những năm tới.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bỏ phiếu bầu cử Quốc hội Khóa XVI tại Le Touquet, hôm 12-6.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bỏ phiếu bầu cử Quốc hội Khóa XVI tại Le Touquet, hôm 12-6.

Cuộc đua vòng hai tiếp tục chứng kiến sự có mặt 15 bộ trưởng của chính phủ mới và Thủ tướng Elisabeth Borne. Đa số các ứng cử viên này đều đạt được số phiếu khá cao trong vòng một nhưng vẫn chưa đủ điều kiện để tránh được vòng hai.

Liên minh "Cùng nhau!" (gồm các đảng Cộng hòa tiến bước, Phong trào Dân chủ và Những chân trời) của Tổng thống Emmanuel Macron có nguy cơ mất đa số tuyệt đối ở Hạ viện trước sự cạnh tranh quyết liệt của liên minh cánh tả NUPES (gồm các đảng Nước Pháp bất khuất, đảng Xã hội, đảng Châu Âu sinh thái - Xanh và đảng Cộng sản Pháp) của ông Jean-Luc Melenchon. Kết quả thăm dò mới nhất do Viện Ipsos-Sopra Steria thực hiện cho thấy chỉ có khoảng 53% số người được hỏi tỏ ý muốn phe ủng hộ Tổng thống Macron chiếm đa số trong Quốc hội để tạo điều kiện cho ông tiến hành các chương trình cải cách trong nhiệm kỳ hai. Ngược lại, 46% muốn phe cánh tả giành được đa số ghế mở đường cho thủ lĩnh Jean-Luc Melenchon trở thành Thủ tướng và áp dụng chương trình hành động của ông.

Cũng theo kết quả thăm dò, khả năng liên minh "Cùng nhau!" giành được đa số, tức là từ 289 ghế trở lên trong Quốc hội gồm 577 ghế như mong muốn của ông Macron là không chắc chắn. Kết quả thăm dò mới nhất do Viện Ipsos-Sopra Steria thực hiện cho vòng hai cho thấy các ứng cử viên của liên minh "Cùng nhau!" sẽ giành được từ 265-305 ghế. Đối thủ chính của "Cùng nhau!" là minh đảng cánh tả NUPES hy vọng giành được từ 140-180 ghế. Đứng thứ ba là Liên đảng cánh hữu Những người Cộng hòa, Liên minh các đảng viên Dân chủ và Độc lập nhận được từ 60-80 ghế. Về vị trí thứ 4 là đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia có thể giành được từ 20-50 ghế. Số ghế còn lại được giành cho những đảng phái khác, bao gồm các vùng lãnh thổ hải ngoại.

Các kịch bản có thể xảy ra

Nước Pháp bước vào vòng hai cuộc bầu cử Quốc hội khóa XVI trong bầu không khí nóng bỏng hiếm có, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Về nghĩa đen, nước Pháp đang phải trải qua một đợt nắng nóng nghiêm trọng. Điều này sẽ phần nào ảnh hưởng đến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu, qua đó tác động đến kết quả bầu cử. Về nghĩa bóng, cuộc bầu cử lần này sẽ là sự cạnh tranh hết sức cam go giữa đảng Liên minh trung dung của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các đảng khác trong Quốc hội. Bởi kết quả bầu cử sẽ chi phối quyền lực của Tổng thống Pháp Macron trong những năm tới.

Nếu liên minh "Cùng nhau!" của Tổng thống Macron giành đa số tuyệt đối thì đây là kịch bản hoàn hảo nhất đối với liên minh của Tổng thống. Tuy nhiên, Nếu sau vòng bỏ phiếu này, "Cùng nhau!" không đạt được ngưỡng 289 cho đa số tuyệt đối, ông Macron sẽ trở thành đương kim Tổng thống Pháp đầu tiên không giành được đa số tại Quốc hội kể từ cuộc cải cách bầu cử năm 2000. Điều này có nghĩa là liên minh "Cùng nhau!" không giành được quyền chi phối dù là đảng lớn nhất trong Quốc hội. Nếu kịch bản này xảy ra có nghĩa là ông Macron sẽ phải tìm kiếm liên minh với các đảng giành chiến thắng, thậm chí chia sẻ quyền lực trong chính phủ hiện thời. Trong một Quốc hội chia rẽ, tốc độ cải cách trong chính quyền dĩ nhiên sẽ bị chậm lại và dẫn đến bế tắc chính trị.

Trong trường hợp xấu nhất, các đảng đối lập trong đó có khối cánh tả của ông Jean-Luc Melenchon - người đang nuôi tham vọng trở thành Thủ tướng của nước Pháp- giành đa số ghế trong Quốc hội, thì Tổng thống Macron sẽ buộc phải chỉ định Thủ tướng mới. Nếu kịch bản này xảy ra, liên minh của ông Macron sẽ phải "sống chung" với các đảng khác. Điều này sẽ khiến quyền lực của Tổng thống bị thu hẹp lại. Tổng thống sẽ chỉ có vai trò dẫn dắt trong các chính sách đối ngoại, các chính sách đối nội sẽ rơi vào tay Chính phủ. Kịch bản này được cho là hiếm song cũng đã từng xảy ra tại Pháp thời hậu chiến. Điều này cũng đồng nghĩa với đối đầu căng thẳng giữa Tổng thống và Thủ tướng sẽ thường xuyên xảy ra trong chính trường Pháp thời gian tới.

AN BÌNH