Bầu cử Tổng thống Mỹ: Chặng đua nước rút ở Iowa
(Cadn.com.vn) - “Cuộc chiến” chính thức giành đường đến Nhà Trằng đã bắt đầu khi các ứng viên đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa nỗ lực giành chiến thắng tại cuộc bỏ phiếu sơ bộ đầu tiên ở bang Iowa.
Ứng viên đảng Dân chủ H.Clinton trong chiến dịch tranh cử nước rút ở Des Moines, Iowa. |
Sau nhiều tháng vận động tranh cử với hơn 150 triệu USD chi cho quảng cáo, cuộc đua giành “quyền tối cao” tại bang Iowa sẽ bắt đầu vào tối 1-2 (sáng 2-2, giờ Việt Nam).
Trước đó, cho đến giờ chót, các ứng viên của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn nỗ lực chạy đua nước rút để lôi kéo cử tri ở bang tiền tuyến này. Trong số các ứng viên Cộng hòa, cái tên Donald Trump vẫn là ứng viên số 1 và xếp theo sau là Ted Cruz, thượng nghị sĩ đầy mạnh mẽ đến từ Texas. Trong khi đó, hai tên tuổi sáng giá của đảng Dân chủ là Hillary Clinton và Bernie Sanders. Theo thăm dò dư luận mới nhất của Bloomberg Politics/Des Moines, ông Trump nhận được 28% số phiếu ủng hộ, tiếp đó là Thượng nghị sĩ Ted Cruz với 23%. Trong khi đó, tại đảng Dân chủ, bà H.Clinton vẫn là ứng viên sáng giá nhất với tỷ lệ ủng hộ 45% so với 42% dành cho ông Sanders.
Theo AP, lần bỏ phiếu này đánh dấu giai đoạn mới trong cuộc bầu cử khá hỗn loạn, trong đó phơi bày sự thất vọng sâu sắc của người Mỹ đối với hiện trạng chính trị trong nước và mong muốn một sự thay đổi. Điều này làm gia tăng những thách thức mà các ứng viên phải đối mặt khi lần đầu tiên bước vào cuộc đua chính thức. Vì vậy, dù đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, giới phân tích cho rằng, điều đó chưa đủ để làm nên chiến thắng cho cả ông Trump và bà H.Clinton tại Iowa lần này. “Ở Iowa, tâm lý chống chính quyền trung ương đang gia tăng mạnh mẽ” - New York Times dẫn lời Thống đốc Terry Branstad nhận định đồng thời cho rằng, nếu các ứng viên không mấy nổi bật giành chiến thắng ở bang này thì cũng không có gì bất ngờ.
Thực tế cho thấy, đối với bà H.Clinton, đó là mối lo ngại lặp lại kịch bản năm 2008 – thời điểm bà bị thua tại Iowa trong cuộc đua với ứng viên số 1 của đảng Dân chủ lúc đó là ông Barack Obama. “Hãy gắn bó với tôi”, bà H.Clinton nhấn mạnh trước những người ủng hộ khi vận động tranh cử ở Council Bluffs. “Gắn bó với một kế hoạch. Gắn bó với nhiều kinh nghiệm”, bà nói thêm.
Đối thủ của vị nữ chính trị gia này, Thượng nghị sĩ Sanders – người vốn thu hút các cử tri trẻ bằng những kêu gọi cách mạng chính trị - bày tỏ mong muốn cử tri giúp ông “làm nên lịch sử” với chiến thắng ở Iowa. Trong động thái chứng tỏ sức mạnh tài chính, phe tranh cử của ông Sanders tuyên bố đã gây quỹ được 20 triệu USD chỉ trong 1 tháng (tháng 1-2016) - con số gần gấp đôi tốc độ gây quỹ trước đây.
Đối với đảng Cộng hòa, “cuộc chiến” ở Iowa sẽ cung cấp những bằng chứng đầu tiên về việc liệu tỷ phú bất động sản Trump có thể làm nên chuyện hay không, bất chấp việc ông bị gắn mác là “kẻ phá bĩnh” của phe Cộng hòa. Mới đây, ông Trump lại “gây hấn” khi tuyên bố tẩy chay cuộc tranh luận cuối cùng giữa các ứng viên của đảng Cộng hòa tổ chức tại De Moines, thủ phủ bang Iowa vào tối 28-1. Dù các đối thủ trong đảng không bỏ lỡ cơ hội để công kích ứng viên nặng ký nhất nhưng giới quan sát lại cho rằng, đây chính là chiến lược khá khôn ngoan của ông Trump. Chuyên gia Julian Zelizer cho rằng, “có thể lại là điều tốt khi là người không có mặt ở đó”. Trên thực tế, cuộc tranh luận vào tối 28-1 được cho là quá tẻ nhạt và không gây ấn tượng gì khi thiếu đi nhân vật gây tranh cãi nhất.
Dù không phải là bang lớn và đông dân nhưng Iowa là cái tên rất quan trọng cho các ứng viên bởi họ xem đây là bệ phóng để tiến tới cuộc bỏ phiếu khác, qua đó giành tấm vé duy nhất của đảng để tiếp tục đi đến Nhà Trắng.
Khả Anh