Bê bối lạm dụng và tra tấn trong quân đội Argentine

Thứ sáu, 25/09/2015 10:29

(Cadn.com.vn) - Năm 1982, khoảng 10.000 binh sĩ Argentine được điều đến Quần đảo Falklands (Argentine gọi là Malvinas) để giành quyền kiểm soát lãnh thổ từ tay Anh, vốn đã cai trị các đảo trong 150 năm. Cuộc chiến tranh kéo dài trong 10 tuần cướp đi sinh mạng của hơn 900 binh sĩ, chủ yếu là người Argentine. Nhưng đối với nhiều binh sĩ trẻ Argentine, kẻ thù của họ không phải là quân đội Anh, mà chính là cấp trên của họ.

Khoảng 700 tài liệu bí mật vừa được Các lực lượng vũ trang Argentine công bố cho thấy, các binh sĩ nước này đã bị cấp trên lạm dụng và tra tấn trong cuộc xung đột 10 tuần ở Nam Đại Tây Dương.

Đây là những tài liệu chính thức đầu tiên về cuộc chiến được công bố, kèm theo lời khai của những binh sĩ, những người cho biết mình không được trang bị gì cũng không được chuẩn bị tâm lý cho cuộc chiến. Trong nhiều năm qua, một nhóm các binh sĩ nỗ lực đưa những người có trách nhiệm ra trước công lý, nhưng Tòa án Tối cao Argentine hồi tháng 2 phán quyết rằng, thời hạn điều tra vụ việc đã hết. Nhóm này hiện đang nộp đơn lên Tòa án Nhân quyền Châu Mỹ.

Những binh sĩ Argentine tham gia chiến đấu tại Falklands. Ảnh: BBC

“Không phải cuộc chiến của tôi”

Ông Silvio Katz, 53 tuổi, một trong những người lính bị tra tấn kể lại những ký ức không bao giờ quên.

Ông nhớ lại những hình phạt khắc nghiệt mà lính nghĩa vụ phải chịu và việc ông bị lạm dụng và bị cho là người Do Thái. “Tôi chỉ là một cậu bé 19 tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Cũng giống như 10.000 lính nghĩa vụ khác, tôi không biết những gì sẽ xảy đến. Tôi đến Malvinas vào ngày 11-4-1982. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ đi và chiếm lại một nơi mà không có gì sẽ xảy ra. Chiến lược của Argentine là rất tệ và chúng tôi có rất ít thông tin về quân Anh. Chúng tôi nghĩ rằng Anh sẽ không có tàu hoặc máy bay. Nhưng cảm giác của sự không chắc chắn sớm biến thành kinh dị”, ông kể lại.

Tuy nhiên, theo ông, điều tồi tệ nhất là sự tra tấn về tâm lý. “Tôi bị gọi là “kẻ Do Thái hèn nhát, kẻ Do Thái phản bội”, ông nói. Cấp trên của tôi trồng 4 cọc xuống đất và trói tay chân của chúng tôi như một hình thức trừng phạt. Theo ông Katz, đó là cách mà cấp trên của ông thể hiện quyền lực của họ.

Giải thoát

Theo vị cựu binh này, khoảng thời gian trên đảo là tồi tệ nhất đối với hàng chục ngàn binh sĩ Argentine thời đó. “Đó là cuộc chiến của riêng tôi chống lại quân đội Argentine. Do đó, khi bị người Anh bắt, tôi lại cảm thấy nhẹ nhõm, giải thoát. Họ cho tôi ăn và tôi cảm thấy mình sống lại”, ông Katz kể.

Theo ông, rất nhiều cựu binh không muốn bị coi là nạn nhân của chế độ độc tài Argentine - cai trị đất nước giai đoạn 1976-1983 và khiến 30.000 người biến mất. “Họ sợ sẽ không được coi là anh hùng. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi là nạn nhân và cũng là anh hùng. Bởi vì tôi cảm thấy tự hào khi chiến đấu cho đất nước, và cảm thấy rằng những người tra tấn tôi là một phần của hệ thống khiến 30.000 người mất tích”, ông nói.

An Bình

(Theo BBC)