Bí ẩn vụ Mỹ ném bom Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade (Kỳ 1: Đêm kinh hoàng)

Thứ tư, 15/05/2019 08:42

Đêm 7-5-1999, Mỹ dội 5 quả bom xuống Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, thủ đô Cộng hòa Liên bang Nam Tư lúc đó (Serbia hiện nay), sự kiện chấn động đã trở thành ngày đen tối nhất của ngành ngoại giao Trung Quốc.

Nhân viên Đại sứ quán thoát ra ngoài qua các cửa sổ sau vụ ném bom khiến tòa nhà đại sứ bị tàn phá nặng nề (ảnh nhỏ). Ảnh: BBC

Lúc đó đã gần nửa đêm và ông Vlada, một kỹ sư người Serbia, nhanh chân trở về căn hộ của mình ở Belgrade. Ông đã đưa con trai 20 tuổi ra ngoài tối hôm đó thì bom bắt đầu trút xuống thành phố. Mạng lưới điện bị cắt nên ông phải trở về nhà. NATO, liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới, đã không kích Nam Tư kể từ cuối tháng 3, cố gắng ngăn chặn sự tàn bạo của lực lượng Tổng thống Slobodan Milosevic chống lại người Albani ở Kosovo. Lúc đó là ngày 7-5-1999 và chiến dịch trên không do Mỹ dẫn đầu ngày càng dữ dội hơn.

Nơi an toàn nhất lại là nơi nguy hiểm nhất

Những đêm đó, gia đình ông Vlada cũng như nhiều người dân khác phải đến trú ẩn trong tầng hầm của tòa nhà chung cư khi còi báo động các cuộc không kích nổ ra bên ngoài. Họ cầu nguyện tên lửa sẽ không tấn công nhà của họ. Một số người nghĩ rằng, họ đã may mắn khi sống ngay cạnh Đại sứ quán Trung Quốc - một phái bộ ngoại giao quan trọng. Ở đó, họ chắc chắn sẽ được bảo vệ. Nhưng khi ông Vlada và con trai đến gần cửa tòa nhà của họ, máy bay chiến đấu tàng hình B-2 của Mỹ đang ở trên bầu trời Belgrade. Họ nằm trong tọa độ mục tiêu chính xác đã được Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) chọn và tiêu diệt. Tất cả những gì ông Vlada nghe thấy lúc đầu là tiếng rít của một tên lửa đang lao tới. Không có thời gian để di chuyển, ông Vlada và con trai bị mảnh kính của những cánh cửa vỡ đâm vào. “Lực của quả bom đầu tiên nhấc chúng tôi lên khỏi mặt đất và chúng tôi rơi xuống. Sau đó, một quả bom khác rơi xuống. Tất cả các cửa sổ trên tòa nhà bị xé toạc bởi vụ nổ”, ông Vlada kể.

Tất cả 5 quả bom đã rơi vào Đại sứ quán Trung Quốc, cách đó 100m. Mỹ và NATO lúc đó đang phải đối mặt với sự giám sát về việc gây thương vong dân sự trong chiến dịch ném bom được thực hiện mà không có sự cho phép của LHQ và bị Trung Quốc và Nga phản đối quyết liệt. Lần này, họ đã tấn công một biểu tượng của chủ quyền của Trung Quốc ở trung tâm của Balkan.

Shen Hong, một doanh nhân Trung Quốc có mối quan hệ tốt với Đại sứ quán, nhận được tin Đại sứ quán bị tấn công. Ông không tin vào điều đó. Chỉ vài ngày trước đó, cha ông đã gọi điện từ Thượng Hải và nói đùa rằng, ông nên đem chiếc Mercedes mới mua đến đậu tại khu phức hợp ngoại giao để giữ an toàn. “Tôi đã gọi điện cho một cảnh sát mà tôi biết và anh ta xác nhận vụ tấn công. Anh ta nói hãy đến ngay, vì vậy sau đó tôi mới dám nghĩ đó là sự thật”, ông Shen kể.

Sự man rợ của NATO

Khi ông đến, Đại sứ quán đang cháy, những nhân viên đầy máu và bụi đang trèo ra khỏi cửa sổ để trốn thoát.

Các chính trị gia thân cận với Tổng thống Milosevic - người bị tòa án quốc tế buộc tội cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người 2 tuần trước đó - đã tố cáo vụ đánh bom là ví dụ mới nhất về sự man rợ của NATO. “Chúng tôi không thể vào bên trong. Có rất nhiều khói, không có điện và chúng tôi không thể nhìn thấy gì. Thật kinh khủng”, ông Shen kể. Ông Shen nhìn thấy một tùy viên văn hóa, người mà ông quen biết, đã lấy rèm cửa thắt nút để trèo ra cửa sổ xuống đất. “Chúng tôi không thấy ông ấy bị thương và ông ấy cũng không nhận ra điều đó. Chỉ đến khi tôi bắt tay ông ấy tôi mới nhận ra tay mình dính đầy máu”, khi nhìn thấy máu, ông ấy bất tỉnh”, ông kể thêm. Ngày hôm sau, ông Shen biết rằng 2 người bạn thân - nhà báo Xu Xinghu, 31 tuổi và Zhu Ying, 27 tuổi - đã thiệt mạng bởi một quả bom rơi vào khu nhà ngủ của Đại sứ quán. Thi thể của họ được tìm thấy bên dưới một bức tường sụp đổ.

Zhu, một sinh viên tốt nghiệp ngành ngôn ngữ nói tiếng Serbia trôi chảy, đã ghi lại cuộc sống ở Belgrade trong các vụ đánh bom của NATO trong một loạt các bài báo đặc biệt có tên “Sống dưới tiếng súng”. Mẹ cô sụp đổ vì đau buồn và được đưa đến bệnh viện khi biết tin về cái chết của con gái mình nên cha của Zhu đã một mình đến Belgrade để nhận thi thể. Nhà báo thứ ba, Shao Yunhuan, 48 tuổi, thuộc hãng thông tấn Tân Hoa Xã, cũng thiệt mạng trong vụ nổ. Chồng cô, Cao Rongfei, bị hỏng 2 mắt sau vụ tấn công. Tùy viên quân sự của Đại sứ quán đã được đem về Trung Quốc trong tình trạng hôn mê. Tổng cộng, 3 người đã thiệt mạng và ít nhất 20 người bị thương.

Đối với Shen, đây là một hành động chiến tranh. Ngày hôm sau, ông dẫn đầu cuộc biểu tình qua các đường phố ở Belgrade, mang theo áp phích ghi “NATO: Tổ chức khủng bố của phát-xít Mỹ”.

(còn nữa)

AN BÌNH