Bí mật về những thủy thủ Trung Quốc ở Anh

Thứ tư, 26/08/2015 09:04

(Cadn.com.vn) - Sau khi Thế chiến II kết thúc, chính phủ Anh cho hồi hương hàng trăm thủy thủ người Trung Quốc đã được tuyển dụng làm việc cho Hải quân nước này. Sự ra đi đột ngột của họ tác động rất lớn đối với xã hội Anh khi họ phải bỏ gia đình ở lại.

Kết hôn với phụ nữ Anh

"Con rất giống cha. Thích cãi nhau và luôn muốn thay đổi thế giới", mẹ của Yvonne kêu lên khi cô bé vừa tròn 9 tuổi. Lúc đó, Yvonne không hiểu gì, nhưng câu nói của mẹ cũng khiến cô bé băn khoăn.

2 năm sau, năm 1957, mẹ của Yvonne, bà Grace, muốn nói với cô bé nhiều hơn về vấn đề này. Người đàn ông mà Yvonne vẫn gọi là "cha" không phải là cha ruột của cô. Cha của cô là Nan Young, kỹ sư tàu biển người Trung Quốc mà mẹ cô đã gặp tại Liverpool vào năm 1943. Nan chỉ là một trong hàng ngàn thủy thủ Trung Quốc mà các Cty tuyển chọn cho Hải quân Anh trong Thế chiến II. Nhiều người trong số các thủy thủ Trung Quốc quen biết và kết hôn với phụ nữ Anh. Nhưng mối quan hệ này thường không được tán thành. 

Bất chấp sự phản đối của gia đình và kỳ thị của xã hội, Grace chuyển ra ngoài sống với Nan (Vào thời kỳ đó, nhiều phụ nữ do dự khi lấy chồng nước ngoài vì họ có thể bị mất quyền công dân Anh, quyền bầu cử, cũng như việc tiếp cận các dịch vụ nhà nước). Grace mang thai vào tháng 5-1945. Nhưng chỉ vài tháng trước khi Yvonne được sinh ra, Nan biến mất. Bà không biết rằng, đó là khoảng thời gian, những người đàn ông đã xây dựng cuộc sống mới tại Liverpool và các nơi khác ở Anh bị buộc phải hồi hương.

Các thủy thủ Trung Quốc được tuyển dụng làm việc cho Hải quân Anh. Ảnh: BBC

Bị loại bỏ

Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, London muốn loại bỏ hàng ngàn thủy thủ Trung Quốc, trong đó có Nan Young. Nhiều người phải bỏ vợ và con ở lại. Họ không phải là công dân của Vương quốc Anh và đang đóng quân ở Liverpool. Cách duy nhất chính phủ làm để loại bỏ họ là thay đổi nơi làm việc của họ. Họ bị đưa đến làm việc tại Thượng Hải với mức lương thấp hơn. Tháng 7-1946, cảnh sát lùng sục khắp đất nước tìm kiếm các thủy thủ Trung Quốc và đưa họ lên tàu. Những người không tự nguyện rời khỏi sẽ bị trục xuất và dùng vũ lực.

Tháng 7-1946, gần 5.000 thủy thủ Trung Quốc được đưa trở lại vùng Viễn Đông. Tại sao chính phủ Anh quyết định loại bỏ họ? Cuộc chiến đã qua, nền kinh tế và cơ sở hạ tầng Anh chỉ còn là đống đổ nát. "Họ lo lắng về việc xây dựng lại đất nước, và do đó, họ ưu tiên cho người dân vào thời điểm đó, đồng nghĩa với việc phải thoát khỏi những người đã giúp đỡ họ trong chiến tranh - một sự vô ơn khủng khiếp", Giáo sư John Belchem, tác giả của cuốn "Mối quan hệ sắc tộc ở Liverpool trong thế kỷ XX", cho biết.

Đau đáu tìm cha

Dù rất tò mò về người cha Thượng Hải, tình yêu và sự tôn trọng đối với người cha Edward khiến Yvonne không muốn tìm người cha đẻ.

Yvonne chỉ quyết định đến Thượng Hải vào năm 1982 khi chồng bà, Charles, đến Hồng Kông để giảng dạy quản lý kinh doanh tại Đại học Bách khoa. Tại đây, bà học được rất nhiều về văn hóa và lịch sử Trung Quốc. Nhưng tại thời điểm này, Yvonne vẫn không biết nhiều về cha mình. Bước ngoặt đến với bà vào năm 2005 khi xem phim tài liệu về các thủy thủ Thượng Hải trên kênh BBC Radio 4.

Bà lắng nghe câu chuyện của Keith Cocklin, người cha bị buộc phải rời khỏi Liverpool sau Thế chiến II. Yvonne muốn biết chính xác những gì xảy ra với cha mình. Bà gọi cho BBC, và cố gắng liên lạc với Keith Cocklin. Bà cố gắng thu thập thông tin về những người cha biến mất, lắng nghe câu chuyện của họ vào những năm 1940. Hơn 10 năm qua, bà vẽ ra bức tranh rõ ràng hơn về những gì đã xảy ra.

Trong tháng này, Yvonne và Charles tìm kiếm hồ sơ tại Bảo tàng Chiến tranh Hoàng gia. Và công việc của họ vẫn tiếp tục.

An Bình
(Theo BBC)