Biến chủng Delta đe dọa nhiều nước chống dịch tốt

Thứ sáu, 25/06/2021 09:47

Biến chủng Delta của virus gây COVID-19 đang đe dọa nhiều nước từng có nỗ lực chống dịch tốt như Israel, Australia, Bồ Đào Nha..

Các nước đang nỗ lực đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine nhằm hạn chế lây lan mạnh của biến chủng Delta.  Ảnh: Reuters

Không được chủ quan với Delta

Tại Israel, một quốc gia được xem là “hình mẫu” chống dịch khi có đến 55% người dân được tiêm chủng hai mũi vaccine COVID-19, Thủ tướng Naftali Bennett đã cảnh báo “một đợt lây nhiễm mới”. Hiện số ca bị nhiễm biến chủng Delta tăng vọt do bị lây từ hành khách nhập cảnh. 

Ở Australlia, hầu hết 5 triệu cư dân Sydney bị cấm rời khỏi thành phố kể từ ngày 23-6, sau khi phát hiện một ổ dịch với biến chủng Delta. Bộ trưởng Y Tế bang New South Wales yêu cầu người dân không chủ quan trước “biến chủng nguy hiểm nhất” này. Tại Mỹ, Cố vấn y tế của Nhà Trắng Anthony Fauci nhấn mạnh biến chủng Delta là mối đe dọa lớn nhất cho nỗ lực chấm dứt COVID-19 của Mỹ. Nhà Trắng cũng thừa nhận không đạt được mục tiêu tiêm chủng 70% người trưởng thành ở Mỹ trước ngày Quốc khánh (4-7).

Tại Châu Âu, Bồ Đào Nha một lần nữa lại ở tuyến đầu, đối mặt với nguy cơ bùng phát một đợt dịch thứ 4. Biến chủng Delta hiện chiếm đến 60% các trường hợp dương tính. Số ca nhiễm mới hàng ngày vượt quá 1.100, trong khi cách đây hơn 1 tháng là khoảng 300 ca. Tại Anh, chính phủ trong tuần này đã tiếp tục áp dụng lệnh phong tỏa thêm 4 tuần dù đã lên kế hoạch mở cửa vào ngày 21-6 do lo ngại nguy cơ lây nhiễm của biến chủng Delta. 

Báo Nikkei dẫn dữ liệu của Cơ quan Y tế Công cộng Anh cho biết, việc chỉ tiêm 1 mũi vaccine COVID-19 kém hiệu quả hơn đối với biến chủng Delta so với các chủng trước đó. Trong khi ở Anh khoảng 46% dân số đã được tiêm đầy đủ, tỷ lệ này ở hầu hết các quốc gia châu Âu khác chỉ dao động ở mức 20-30%.

Biến chủng mới Delta Plus có đáng lo ngại?

Trong khi biến chủng Delta vẫn đang hoành hành khắp các nước, lại xuất hiện thêm biến chủng mới Delta Plus. Ấn Độ mới đây đã xếp loại biến chủng mới lần đầu tiên được xác định ở Châu Âu này là “biến thể đáng lo ngại”.

Một biến chủng virus được nâng từ “biến chủng cần quan tâm” thành “biến thể đáng lo ngại” (VOC) khi nó cho thấy có những dấu hiệu như dễ lây truyền, bệnh nặng hơn, giảm khả năng trung hòa bởi kháng thể hoặc giảm hiệu quả của điều trị và vaccine. Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, các nghiên cứu cho thấy, cái gọi là biến thể Delta Plus - còn được gọi là AY.1 - lây lan dễ dàng hơn, liên kết dễ dàng hơn với các tế bào phổi và có khả năng chống lại liệu pháp kháng thể đơn dòng, một liệu pháp truyền kháng thể mạnh qua đường tĩnh mạch để vô hiệu hóa virus.

Biến chủng này có liên quan đến Delta, biến chủng “đáng lo ngại” đang lưu hành, được xác định lần đầu tiên ở Ấn Độ vào năm ngoái và được cho là đã làm bùng lên làn sóng lây nhiễm thứ hai kinh hoàng vừa qua. Delta Plus đã được tìm thấy ở 9 quốc gia - Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Ba Lan, Nepal, Nga và Trung Quốc - so với chủng Delta rất dễ lây lan ban đầu, hiện đã lây sang 80 quốc gia.

Tuy nhiên, hiện nay các nhà virus học hàng đầu đã đặt câu hỏi về việc có xếp Delta Plus vào danh sách biến chủng đáng lo ngại hay không. Họ nói rằng chưa có dữ liệu nào chứng minh biến chủng này có khả năng lây nhiễm cao hơn hoặc khiến bệnh tình nặng hơn so với các biến chủng khác. Bác sĩ Gagandeep Kang, một nhà virus học và là người phụ nữ Ấn Độ đầu tiên được bầu làm Ủy viên của Hiệp hội Hoàng gia London, Anh nói: “Không có dữ liệu nào giúp khẳng định rằng đây là các biến chủng đáng lo ngại dựa trên 22 trình tự biến đổi gen”. 

Điều này có nghĩa là Ấn Độ cần thêm dữ liệu để xác định xem liệu biến chủng này có bị vô hiệu hóa bởi các kháng thể được tạo ra bởi các loại vaccine có sẵn hay bị lây nhiễm bởi một biến chủng khác của virus SARS –CoV-2 hay không. Ngoài ra, cần có thêm nhiều dữ liệu về sự gia tăng khả năng lây truyền, các thất bại trong chẩn đoán - các xét nghiệm thông thường không phát hiện được biến chủng - và liệu nó có khiến bệnh nặng hơn hay không.

KHẢ ANH