“Bóng hồng” mê đỏ đen
* Bài 1: Chị em làm... “bác thằng bần”
(Cadn.com.vn) - Người ta bảo “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nhưng thực tế tại Đà Nẵng, vì cơn khát được sát phạt, nhiều phụ nữ lao vào vòng xoáy đỏ đen như con thiêu thân. Tàn cuộc chơi, họ lâm cảnh nợ nần chồng chất, chồng con ly tán, tù tội.
Tan cửa nát nhà
Xin bắt đầu bằng câu chuyện buồn của gia đình anh N.V.B (trú P. An Khê, Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng). Có lẽ, giờ phút này anh B. cũng không nghĩ rằng gia đình mình tan nát nhanh đến vậy chỉ vì người vợ H.T.H.V “dính” vào cờ bạc. Anh B. là lái xe đường dài, thường xuyên theo những chuyến xe đêm ngày trên hành trình Bắc - Nam. Cái nghề vất vả, song nghĩ đến gia đình, con nhỏ lên anh B. luôn nỗ lực làm để vun đắp cho tổ ấm của mình. Nhưng cũng chính vì những ngày tháng triền miên trên các nẻo đường, anh B. không có điều kiện chăm sóc cậu con trai N.N.N (1996) mà giao hết cho chị V. Lúc đầu, chị V. cũng thay chồng quán xuyến việc nhà, chăm sóc con cái chu đáo. Thế rồi, vì ham cờ bạc nên những lúc chồng vắng nhà, chị V. thường tụ tập “chiến hữu” để “cải thiện kinh tế”. Nhưng ai ngờ càng đánh càng thua, càng dấn sâu, bao nhiêu tiền bạc chồng tích góp được đều “nướng” hết vào bài bạc. Thời gian, tâm trí chị V. “đầu tư” hết cho bài bạc, rồi bỏ bê chăm lo chồng, con. Khi mọi việc vỡ lở, chị V. đã hứa hẹn hết lời, vì thương con nên anh B. đành chấp nhận cho vợ cơ hội thay đổi.
Nhiều phụ nữ ven biển rảnh rỗi lao vào “sát phạt” tìm vận may (Ảnh minh họa). |
Thế nhưng, dường như cái máu đỏ đen đã “ngấm” quá sâu, chị V. càng lao vào bài bạc hăng hơn, bất chấp mọi lời cảnh báo, can ngăn của mọi người. Khi tổ ấm không còn là điểm tựa, học tới lớp 11 N. đành bỏ dở, nhà cửa chẳng còn, ba mẹ chia ly, N. phải về sống với ông bà nội. Hình ảnh mẹ trong N. chỉ là tối ngày cờ bạc, ký ức của gia đình là những lúc ba mẹ cãi nhau, đồ đạc đổ vỡ. Không được ba mẹ chăm sóc, N. giao du với bạn bè xấu, thường xuyên đi bụi. Tất nhiên, chẳng lâu sau đó, N. dính vào ma túy. Có thể cuộc đời N. sẽ rẽ sang hướng tích cực hơn nếu những tháng ngày lớn lên bên mẹ, N. cảm nhận được từ mẹ tấm gương trong sáng, đẹp đẽ, N. sẽ hiểu hơn nỗi cực nhọc của ba những đêm thức trắng ôm vô-lăng trên dặm dài Bắc - Nam.
Từng là một tiểu thương buôn vải có tiếng ở chợ Hàn, nhưng vì dính vào bài bạc mà chị N.T.Th (1972, trú Mỹ An, Sơn Trà, Đà Nẵng) đã phải bán 2 căn nhà, nợ nần chồng chất đến mức phải bỏ xứ mà đi. Anh M. chồng chị là người hiền lành, chăm chỉ làm ăn tuy nhiên do đặc thù của một nhân viên thị trường thường xuyên đi các tỉnh, việc lo gia đình, chăm sóc 2 con giao lại cho Th. Vắng chồng, lại sẵn có điều kiện tiền bạc, vậy là Th. dấn sâu vào bài bạc, lần lượt tài sản rồi ngay cả căn nhà nương náu của chồng con đội nón ra đi. Khi mọi chuyện vỡ lẽ, vì thương con anh M. bỏ qua, chấp nhận dắt con ra thuê nhà trọ. Anh động viên vợ từ bỏ cờ bạc, nhưng dường như đã ăn vào máu, thua quá cay đắng nên Th. đã vay mượn tiền của các đối tượng “xã hội đen” để đánh bạc. Nhưng càng gỡ càng thua, càng bị dấn sâu vào nợ nần cho tới lúc bị các chủ nợ truy đòi gắt gao, Th. đành bỏ xứ, dắt hai con trốn chạy khắp nơi.
Vì cờ bạc mà N.TTh. “bán nhà bán cửa xẩy chân vào tù”. |
Bỏ chồng, không bỏ bạc
Những đức ông chồng có vợ mê cờ bạc hoặc cắn răng chịu đựng vì thương con hoặc đành “bỏ của chạy lấy người”. Trong khi hầu hết kết cục của những chị em mê cờ bạc là hạnh phúc tan vỡ vì “chồng có thể bỏ chứ bạc không dễ”. Từng có một gia đình yên ấm với 4 mặt con, nhưng rồi say mê cờ bạc nên chị T.T.M.T (trú P. Chính Gián, Q. Thanh Khê) đã lục đục mâu thuẫn với chồng. Kết cục vợ chồng ly dị, chị T. một mình nuôi 4 con bằng công việc tạp vụ. Công việc thu nhập không cao, song phải nuôi 4 đứa con luôn quá sức chịu đựng với một người phụ nữ. Phải chăng không dính vào cờ bạc, phải chăng vẫn còn đôi vai chung sức gánh vác của chồng, chị nên trách ai bây giờ? Tương tự, chị Đ.T.T (trú P. An Khê, Q. Thanh Khê) hiện đang phải làm thợ may để nuôi 2 con nhỏ, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Như những gia đình khác, nếu chị tu chí làm ăn, không dính vào bài bạc thì gánh nặng mưu sinh của chị đã được vơi bớt phần nào, 2 đứa con còn có sự chăm sóc của cha.
Dường như cái hệ lụy buồn phải ly dị chồng đã được báo trước, nhưng trong cơn “say máu đỏ đen” nhiều chị em không có đủ tỉnh táo để nhận ra và dừng lại kịp thời. Tới khi đã bung bét, cửa nhà tan nát thì mọi chuyện đã muộn. Trường hợp chị L.T.T (trú P. Xuân Hà, Q. Thanh Khê) là một ví dụ khác. Chị T. làm nghề uốn tóc, thu nhập chẳng là bao, gia đình rất khó khăn, ấy vậy nhưng chị lại rất “máu mê” bài bạc. Chị T. từng có một gia đình, nhưng người chồng vì không chịu nên vợ mê bài bạc nên đành đường ai nấy đi.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Cảnh - Chủ tịch Hội Phụ nữ Q. Thanh Khê cho biết: không ít chị em cờ bạc nhiều lần, dù bị xử lý, khuyên giải nhưng vẫn tái diễn thường có kết cục buồn về gia đình. Những ông chồng dù có tình nghĩa, thương con đến đâu mà vợ suốt ngày bài bạc cũng sẽ có chung một sự lựa chọn là ly dị. Thực tế đã chứng minh, không có gia đình nào dính vào cờ bạc mà hạnh phúc cả. Kết cục chung là nợ nần chồng chất, con cái hư hỏng, vợ chồng chia ly thậm chí là tù tội.
Hải Quỳnh
(còn nữa)