"Bóng ma" chiến tranh ám ảnh Châu Âu?

Thứ sáu, 11/01/2019 16:00

Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen ngày 10-1 cảnh báo, một cuộc xung đột ở Châu Âu không còn nằm ngoài khả năng, cáo buộc Nga phải nhận phần lớn trách nhiệm, động thái chắc chắn sẽ vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ Moscow.

Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen gây bất ngờ khi cảnh báo về "bóng ma" chiến tranh ở Châu Âu. Ảnh: Sputnik

Cáo buộc nhằm vào Nga, Trung Quốc

"Nhìn chung, sự phát triển trong môi trường xung quanh nhắc chở chúng ta rằng khả năng xung đột vũ trang giữa các quốc gia ở Châu Âu không còn là điều không tưởng", ông Bakke-Jensen phát biểu tại phiên họp của Hiệp hội Quân sự Na Uy. "Chúng tôi thấy lo ngại nghiêm trọng liên quan đến người hàng xóm ở phương Đông", Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy nhấn mạnh khi nói đến Nga.

Cáo buộc Nga "cố tình" tìm cách "làm suy giảm và suy yếu sự thống nhất và hợp tác quốc tế của phương Tây", ông Bakke-Jensen nói rằng, Moscow có thái độ đối đầu với phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014 và sáp nhập Crimea. "Những thay đổi trong hành vi này ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của Na Uy và đồng minh", ông tuyên bố. Sau khi nhắc đến Nga hơn 20 lần trong bài phát biểu của mình, ông Bakke-Jensen cũng quay sang Trung Quốc, cáo buộc siêu cường Châu Á "thách thức vị thế lãnh đạo của Mỹ trên toàn cầu" và cảnh báo rằng, tại một số khu vực, Trung Quốc và Nga có thể nhanh chóng thiết lập ưu thế quân sự vượt cả liên minh phương Tây.

Không rõ có phải là về những dự cảm không lành này hay không mà ngân sách quốc phòng của Na Uy trong 5 năm qua đã tăng khoảng 30% và theo nhà lãnh đạo Quân đội Na Uy, xu hướng tăng trưởng ngân sách quốc phòng có thể sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.

Mỹ tăng cường hiện diện

Mỹ mở rộng đáng kể dấu chân quân sự ở Đông và Bắc Âu kể từ cuộc đảo chính được phương Tây ủng hộ ở Kiev năm 2014, khiến Crimea phải tách khỏi Ukraine và tái gia nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý trên toàn bán đảo, trong đó hơn 96% của cử tri bỏ phiếu muốn ly khai khỏi Kiev.

Mỹ triển khai hơn 300 lính thủy đánh bộ đến Vaernes, miền trung Na Uy vào năm 2017, sau đó bổ sung thêm 400 binh sĩ tại Setermoen, miền bắc Na Uy, cách biên giới Nga chưa đầy 100km vào cuối năm ngoái. Mùa xuân năm 2018, Hải quân Mỹ đã chuyển sang tái lập Hạm đội 2, một lực lượng thời Chiến tranh Lạnh được triển khai tại Bắc Đại Tây Dương và Bắc Cực. Tháng 11-2018, Mỹ và các đồng minh NATO triển khai hàng chục nghìn binh sĩ, hàng chục tàu và hàng ngàn thiết bị quân sự cho cuộc tập trận Trident Joped-18 tại Na Uy, cuộc tập trận quân sự lớn nhất của liên minh NATO trong nhiều thập kỷ. Cuộc tập trận có sự tham gia 31 quốc gia, đóng góp khoảng 50.000 quân, 10.000 xe quân sự và hàng chục tàu chiến và máy bay chiến đấu, bao gồm cả một nhóm tàu sân bay Mỹ. 7 thủy thủ Na Uy bị thương sau khi tàu khu trục của họ va chạm với tàu chở dầu và mắc cạn trong cuộc tập trận. NATO nhận được hàng trăm khiếu nại của người dân địa phương về cuộc tập trận gây thiệt hại cho đất canh tác và binh sĩ đã sử dụng các khu vực xây dựng để làm nhà vệ sinh ngoài trời.

Phát biểu tại một cuộc họp của Bộ Quốc phòng với các đồng minh Belarus trong thời gian diễn ra các cuộc tập trận này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cảnh báo, "Hoạt động quân sự của NATO gần biên giới của chúng tôi đã đạt đến mức độ chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Lạnh", và cáo buộc liên minh sử dụng cái gọi là "mối đe dọa Nga" để biện minh cho sự tích tụ liên tục của nó.

Chiến dịch truyền thông lớn

Bình luận về tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen rằng khả năng bắt đầu một cuộc chiến ở Châu Âu "không còn là điều không tưởng", nhà phân tích chính trị Alexander Asafov nhận định, điều này nên được coi là một chiến dịch truyền thông lớn để biện minh cho sự cần thiết phải củng cố NATO.

Ông Alexander Asafov nói: "Tôi nghĩ rằng tuyên bố này có thể liên quan đến các cuộc tập trận diễn ra và sẽ tổ chức trong tương lai. Bằng cách này hay cách khác, có những thông điệp đánh dấu các sự kiện tập trận liên quan đến nguy cơ đe dọa Nga, kể cả tập trận diễn ra ở Na Uy. Rõ ràng, tất cả những điều này là một phần của chiến dịch truyền thông-quân sự. Trong trường hợp này, Na Uy không tự khởi xướng những tuyên bố như vậy, đó là một phần của bức tranh hệ toàn cảnh từ phía London và Washington".

Tuy nhiên, ông Asafov lưu ý rằng chiến tranh ở Châu Âu thực sự có thể xảy ra nhưng điều đó có thể không xảy ra trên các mặt trận mà các nhà tuyên truyền của NATO nhìn nhận. Nguy cơ chiến tranh là có thật với sự leo thang hơn nữa xung quanh tình hình Serbia và Kosovo, cùng với tình hình Donbass ở Ukraine. Sự hiềm khích sẽ tiếp tục gia tăng, và tất cả điều này nên được coi là một chiến dịch truyền thông lớn để biện minh cho sự cần thiết phải củng cố NATO.

AN BÌNH