Brazil chao đảo trước giờ tổng thống bị luận tội

Thứ năm, 18/08/2016 11:41

(Cadn.com.vn) - Tổng thống Brazil thừa nhận đã phạm sai lầm nhưng khẳng định không hề làm gì sai đến mức phải đối mặt với phiên tòa luận tội. Trong tuyên bố gửi đến toàn thể nhân dân Brazil, chỉ một tuần trước khi bị đưa ra xét xử tại Thượng viện, Tổng thống Rousseff nói: “Tôi vô tội”.

Tổng thống bị phế truất Brazil Dilma Rousseff đối mặt phiên luận tội
tại Thượng viện vào ngày 25-8 tới. Ảnh: AFP

Chính trường Brazil lại rơi vào tình trạng căng thẳng sau một thời gian tạm yên ắng khi một thẩm phán Tòa án Tối cao nước này cho phép mở cuộc điều tra nhằm vào Tổng thống bị phế truất Dilma Rousseff và cựu Tổng thống Lula da Silva, liên quan đến cáo buộc cản trở quá trình điều tra tham nhũng trên diện rộng. Động thái này diễn ra chỉ một tuần trước khi Tổng thống Rousseff bị đưa ra xét xử tại Thượng viện. Theo đó, Tổng công tố Rodrigo Janot yêu cầu tòa án tối cao cho phép mở cuộc điều tra bà Rousseff và ông Lula.

Hồi tháng 5, Tổng thống Rousseff bị đình chỉ chức vụ để chờ bị luận tội tại Thượng viện. Phó Tổng thống Michel Temer đã lên nắm quyền thay thế với cam kết sẽ đưa Brazil trở lại thời kỳ huy hoàng. Nhưng nhiệm vụ này quá khó khăn. Nền kinh tế lớn nhất châu Mỹ Latinh tiếp tục rơi vào suy thoái sâu nhất kể từ năm 1930. Vào ngày 25-8 tới, 4 ngày sau khi Olympic 2016 đang được tổ chức tại Rio de Janeiro, kết thúc, bà Rousseff sẽ phải đối mặt với phiên tòa luận tội tại Thượng viện Brazil vì cáo buộc che giấu các tài khoản chi công. Khi thời gian đang đến gần, Tổng thống Rousseff thúc đẩy những nỗ lực cuối cùng nhằm tránh bị luận tội.

Ngày 17-8, bà Rousseff  lên án việc luận tội bà là âm mưu đảo chính. Vị nữ chính trị gia này thừa nhận đã phạm sai lầm nhưng khẳng định không hề làm gì sai đến mức phải đối mặt với phiên tòa luận tội. Bà Rousseff cũng kêu gọi bầu cử sớm và khẳng định sẽ để cử tri quyết định liệu họ có muốn tổ chức bầu cử sớm như vậy khi bà được khôi phục chức vụ hay không. Trong thư đề nghị gửi đến “Thượng viện liên bang và người dân Brazil”, bà Rousseff cho rằng, việc khôi phục dân chủ đòi hỏi “cử tri sẽ là người quyết định tốt nhất”. Và theo bà, “đó là cách duy nhất ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay”.

Theo đề xuất, bà Rousseff sẽ trở lại nắm quyền nếu trong cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc, cử tri Brazil ủng hộ một cuộc bầu cử sớm và một cuộc cải cách chính trị và kinh tế sâu rộng. Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho biết, 62% người dân Brazil ủng hộ một cuộc bầu cử mới như một cách ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đang làm suy nhược đất nước. Nhưng các cuộc thăm dò tương tự cho thấy, nhiều người Brazil không muốn bà Rousseff trở lại nắm quyền.

Ngoài ra, việc tổ chức một cuộc bầu cử sớm sẽ yêu cầu sửa đổi hiến pháp – động thái chắc chắn sẽ bị phe đối lập bác bỏ tại Quốc hội. Nhiều người trong đảng Lao Động của bà, vốn trung thành với cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva cũng ngần ngại trước ý tưởng này.

Tuy nhiên, bà Rousseff đã quyết định công khai cân nhắc đến việc kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý khi Thượng viện dường như chắc chắn sẽ nhất trí luận tội vị nữ lãnh đạo này. Theo luật, chỉ cần 41 trong 81 thượng nghị sĩ thông qua thủ tục phế truất, Tổng thống Rousseff sẽ bị buộc rời nhiệm sở trong vòng 180 ngày và Phó Tổng thống Michel Temer sẽ lên nắm quyền. Động thái này cũng sẽ đánh dấu chấm dứt 13 năm cầm quyền của đảng Lao động ở Brazil.

Khả Anh