EU tất bật giải quyết “bóng ma” Brexit
(Cadn.com.vn) - Các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Italia bắt đầu cuộc họp quan trọng trong ngày 22-8, đặt nền móng cho Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) sẽ diễn ra vào tháng 9 tới, trong đó bàn về tương lai EU trong sự trỗi dậy của bóng ma Brexit.
Từ trái qua - các nhà lãnh đạo Hollande, Merkel và Renzi có cuộc gặp ba bên lần thứ 2 |
Bóng ma Brexit, triển vọng kinh tế Châu Âu, các cuộc tấn công thánh chiến, khủng hoảng người tị nạn, cùng các mối quan hệ với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được đặt trên bàn hội nghị ba bên giữa Thủ tướng Italia Matteo Renzi, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel, diễn ra trên hòn đảo xinh đẹp Ventotene của Italia vào hôm 22-8.
Điều khiến cuộc họp lần này trở thành tâm điểm chú ý là diễn ra chỉ 3 tuần trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh EU được tổ chức tại thủ đô Bratislava của Slovakia với sự tham gia của 27 quốc gia - trừ Anh. Trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh sắp tới là tập trung vào cách làm thế nào để đảo ngược sự nổi lên của chủ nghĩa ly khai khỏi EU và tăng cường sức ảnh hưởng của liên minh này trên toàn thế giới.
Đây là cuộc họp ba bên lần thứ hai giữa Đức-Pháp-Italia. Cuộc họp đầu tiên diễn ra ngay sau khi Anh quyết định rời khỏi EU hồi tháng 6, trong đó các nhà lãnh đạo kêu gọi “một sự thúc đẩy mới” cho EU. Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích cho rằng, các nhà lãnh đạo cần hành động nhiều hơn để giải quyết các cuộc khủng hoảng trong bối cảnh một số quốc gia lo ngại có thể dẫn đến cuộc trưng cần dân ý tương tự như ở các nước khác, đặc biệt là Hà Lan.
Cuộc họp được chờ đợi này được đánh giá như “sự khởi đầu của một chuyến du lịch chuyên sâu” trong các cuộc đàm phán với Thủ tướng Đức khi "bà đầm thép" nỗ lực phối hợp giải quyết một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất của EU trong nhiều thập kỷ và chế ngự nỗi sợ hãi Berlin muốn độc chiếm các cuộc tranh luận. Trong động thái mang tính biểu tượng, các nhà lãnh đạo cùng ăn tối và tổ chức cuộc họp báo ngay trên tàu sân bay Garibaldi của Italia, vốn có sứ mệnh tham gia đội tàu chống buôn người của EU ở Địa Trung Hải. Thủ tướng Renzi trước đó cùng hai nhà lãnh đạo Hollande và Merkel đến thăm mộ Altiero Spinelli, một trong những cha đẻ của ý tưởng hội nhập Châu Âu.
Sau hàng loạt các cuộc tấn công chết người của các nhóm IS, 3 nhà lãnh đạo sốt sắng bàn về việc hợp tác chặt chẽ hơn trong cuộc chiến chống khủng bố và đề ra chính sách an ninh phối hợp giữa các nước Châu Âu - mục tiêu ấp ủ lâu dài nhưng đang bị hoài nghi do vấn đề Brexit. Các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Italia đã đề xuất tạo ra “một thỏa thuận quốc phòng Schengen để đối phó với chủ nghĩa khủng bố”, với một “lực lượng đa quốc gia” để thực thi một lệnh duy nhất cho các nhiệm vụ cụ thể. Đó là ý tưởng Pháp quan tâm, nhưng Đức dường như không mấy mặn mà. Điều Berlin chú trọng hơn là vấn đề tài trợ trái phiếu Châu Âu vì mối lo phải gánh nặng nợ nần cho các nước khu vực đồng EUR (Eurozone).
Về vấn đề kinh tế, Tổng thống Hollande muốn “Kế hoạch Juncker” - quỹ đầu tư của EU dành cho cơ sở hạ tầng, giáo dục, nghiên cứu và đổi mới - sẽ được tăng gấp đôi. Trong khi đó, Thủ tướng Renzi nghiêng về đề nghị sử dụng một phần các quỹ để phục hồi di tích văn hóa Châu Âu. Nhưng trong khi cả hai ông Hollande và Renzi muốn giải quyết cuộc khủng hoảng của Châu Âu thông qua đầu tư, bà Merkel dường như không muốn như vậy khi đề nghị phải “thắt lưng buộc bụng”.
Khả Anh