Kịch bản "Brexit" gần như không tồn tại trong khối ASEAN?

Thứ năm, 07/07/2016 09:33

(Cadn.com.vn) - Việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) (Brexit) không chỉ ảnh hưởng tương lai của 28 nước thành viên mà còn tác động đối với các liên minh khác trên thế giới. Vấn đề người ta đặt ra là liệu một kịch bản tương tự Brexit có xảy ra với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)?

Tất cả các nước thành viên ASEAN cho đến nay vẫn nhận thấy giá trị của việc hình thành và tồn tại của tổ chức này là duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực, cũng như ngăn chặn việc các cường quốc phân chia khu vực Đông Nam Á.

Với tư cách là thành viên ASEAN, những quốc gia nhỏ đều nhận được sự bình đẳng trong khu vực cũng như nhận được sự công nhận và hỗ trợ quốc tế. Trong khi đó, các thành viên lớn hơn có thể tận dụng các cơ hội từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) để thúc đẩy tăng trưởng. Trước kết quả Brexit, nhiều người lo ngại một kịch bản tương tự sẽ xảy ra ở ASEAN. Tuy nhiên, có nhiều lý do để đi đến khẳng định, viễn cảnh một X-exit (X là tên một nước ASEAN nào đó) sẽ không xảy ra.

Brexit có thể sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế ở các nước ASEAN nhưng khó có thể tạo hiệu ứng domino ở khu vực này.

Chính trị

Từ trước đến nay, các nhà lãnh đạo của bất kỳ quốc gia thành viên nào trong ASEAN cũng đều nhận thức rằng, việc kêu gọi trưng cầu dân ý rời khỏi hiệp hội sẽ chẳng đem lại bất kỳ lợi ích chính trị nào cho họ. Bởi vì chưa từng có một mối liên hệ nào giữa việc ủng hộ hay phản đối ASEAN với tâm lý của người dân tại các nước thành viên. Điển hình như Thái Lan sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp vào ngày 7-8 tới, và sau đó tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2017. Tuy nhiên, không hề có dấu hiệu nào cho thấy, ASEAN là chủ đề được nói đến trong chiến dịch tranh cử tại Thái Lan.

Đời sống

Không giống như EU, thỏa thuận ký kết giữa các nước ASEAN gần như không ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống thường nhật của người dân. Không có khái niệm "công dân ASEAN". Người dân các nước ASEAN không có quyền tự do đi lại, tự do cư trú, và tự do làm việc tại các nước ASEAN khác, ngoại trừ Philippines và Campuchia tham gia Công ước tị nạn 1951 của LHQ. Do đó, các nước thành viên ASEAN nhìn chung không phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến nhập cư như Anh và một vài nước EU khác đang phải trải qua.

Tinh thần hợp tác

Không giống như EU khi phần lớn các hoạt động của liên minh này được quy định từ Brussels, Jakarta - nơi đặt trụ sở Ban Thư ký ASEAN với khoảng 300 nhân sự - không có quyền ban hành và áp đặt các ràng buộc pháp lý lên các thành viên khác. Việc tuân thủ và áp đặt các thỏa thuận ASEAN chỉ dựa trên nỗ lực của từng thành viên, trên tinh thần thông cảm cho bối cảnh riêng của mỗi nước. Thêm vào đó, các thành viên ASEAN đóng góp một phần bằng nhau vào ngân sách hoạt động của Ban Thư ký chứ không như tại EU, các nước giàu đóng góp nhiều hơn các nước nghèo.

Điều 50

Đối với EU, điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon cho phép một thành viên có 2 năm để hoàn tất các thủ tục rút lui. Nhưng Hiến chương ASEAN không hề có điều khoản tương tự. Các quyết định chính sách của ASEAN được đưa ra trên nguyên tắc đồng thuận, do đó, về mặt lý thuyết, nếu các thành viên còn lại không đồng thuận, không nước nào được "rời đi". Tất nhiên, quốc gia đó vẫn có thể không đến dự các cuộc họp, không đóng góp tài chính cho ASEAN nữa. Nhìn chung, nguy cơ kịch bản "X-exit" trong khối ASEAN gần như không tồn tại. Tuy nhiên, giới phân tích khẳng định, ASEAN cũng cần phải rút ra nhiều bài học từ sự kiện Brexit.

Tuệ Khanh
(Theo Diplomat)