Brexit “nhấn chìm” nội các Anh
Thủ tướng Anh Theresa May đang nỗ lực đấu tranh cho sự sống còn trong sự nghiệp chính trị của mình sau khi các bộ trưởng trong nội các của bà liên tiếp từ chức vì vấn đề Brexit (Anh rời khỏi EU).
Chính phủ Anh đang bị chia rẽ gay gắt về vấn đề Brexit. Ảnh: AP |
Sau tuyên bố từ chức bất ngờ của Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis, Thủ tướng Anh Theresa May ngày 10-7 lại chứng kiến sự ra đi của cánh tay phải, Ngoại trưởng Boris Johnson.
Đây là đón giáng mạnh vào vị thế của Thủ tướng May trong bối cảnh chính phủ của bà đã bị chia rẽ giữa những người ủng hộ Brexit và những người muốn tiếp tục quan hệ gần gũi với EU - đối tác thương mại lớn nhất của Anh.
Từ chức liên tiếp
Ông Johnson là nhân vật thứ hai vốn ủng hộ Brexit đã rời khỏi Nội các trong vòng 24 giờ sau khi ông Davis từ chức. 3 thành viên quan trọng khác trong chính phủ của bà cũng từ chức, đánh dấu một ngày hỗn loạn cho Thủ tướng May. Những tuyên bố từ chức liên tiếp như thế này rõ ràng là bằng chứng nữa cho thấy, cuộc khủng hoảng chính trị đang ngày càng nghiêm trọng ở Anh, vốn bắt nguồn từ sự việc nước này rút khỏi EU.
Những động thái này đẩy Thủ tướng May vào cuộc khủng hoảng nhân sự lớn nhất trong vai trò lãnh đạo suốt nhiều năm qua. Theo giới phân tích, bà May hiện đang phải nỗ lực đấu tranh cho sự sống còn cho sự nghiệp chính trị của mình. Trong tuyên bố đưa ra hôm 10-7, bà cho biết rất bất ngờ trước quyết định từ chức của ông Johnson. Bà chỉ trích cựu ngoại trưởng Johnson và yêu cầu sự trung thành từ phần còn lại của Nội các. Để khôi phục sự đoàn kết chính phủ sau khi 2 bộ trưởng hàng đầu nước này từ chức liên quan Brexit, trong ngày 10-7, Thủ tướng May đã tổ chức cuộc họp nội các.
Do thỏa thuận Brexit
Ngoại trưởng Johnson và Bộ trưởng Davis đã từ chức vì cho rằng kế hoạch của Thủ tướng May về các mối quan hệ tương lai với EU không theo ý tưởng của họ về Brexit. Phe ủng hộ Brexit cho rằng, kế hoạch của bà May về một khu vực thương mại tự do Anh-EU với “bộ quy tắc chung” cho các sản phẩm nông nghiệp và hàng hóa công nghiệp sẽ ngăn London tiến tới tiến trình kinh tế độc lập.
Thậm chí, ông Johnson còn cảnh báo, nước này sẽ trở thành thuộc địa của EU, khi chính quyền của Thủ tướng May vừa công bố kế hoạch thắt chặt quan hệ thương mại với EU sau Brexit.
Có thể thấy, sau những tuyên bố từ chức của các bộ trưởng, Thủ tướng May đều nhanh chóng bổ nhiệm người thay thế, tránh tạo ra một khoảng trống nhân sự cấp cao quá lớn. Hôm 9-7, Thủ tướng May nhanh chóng bổ nhiệm ông Dominic Raab làm Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit. Và sau đó, nhà lãnh đạo này bổ nhiệm ông Jeremy Hunt làm Ngoại trưởng thay thế cho ông Johnson.
Theo giới phân tích, những quyết định nhanh chóng này cho thấy, Thủ tướng May đã chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với mọi tình huống sau khi buộc phải thông qua một thỏa thuận khó khăn về vấn đề Brexit tại một cuộc họp Nội các đặc biệt hôm 6-7. Thỏa thuận đó, sẽ tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán với EU, dự tính một mối quan hệ tương lai gần gũi hơn với EU, động thái mà những nhân vật bảo thủ ủng hộ Brexit trong đảng Bảo thủ của bà luôn bác bỏ.
Nhưng tính toán của Thủ tướng May là “những kẻ phản đối” này không có đủ sự ủng hộ cần thiết để lật đổ bà. Việc bà đã chọn ông Hunt, trước đây là Bộ trưởng Y tế, người đã vận động cho Anh ở lại EU trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit năm 2016, thay thế ông Johnson, đều có nguyên nhân. Bởi lẽ, việc bổ nhiệm này cuối cùng đi đến một con đường mà bà May mong muốn: 4 vị trí cao cấp nhất trong chính phủ Anh đều do những người vốn vận động ở lại EU trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, nắm giữ.
Nhưng có nhiều lo ngại rằng, bà May cũng khó có thể giữ vững chiếc ghế Thủ tướng. Bởi thực tế hiện nay là Anh đang bị bế tắc ở kế hoạch A cho Brexit và không có kế hoạch B nào cả.
KHẢ ANH