Bùng nổ “cuộc chiến” giữa Mỹ và ICC
Tổng thống Mỹ Donald Trump 11-6 cho phép thực hiện các biện pháp trừng phạt và hạn chế thị thực bổ sung đối với nhân viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC)- nỗ lực mới nhất của chính quyền nhằm ngăn cản cơ quan quốc tế này điều tra về tội ác chiến tranh của các quan chức quân đội và tình báo Mỹ tại Afghanistan.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói chuyện với binh sĩ trong chuyến thăm bất ngờ tới căn cứ Bagram ở Afghanistan vào tháng 11-2019. Ảnh: AFP |
Theo Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump, bất kỳ cá nhân nào "trực tiếp thực hiện bất kỳ nỗ lực nào của ICC nhằm điều tra, bắt giữ, giam giữ hoặc truy tố bất kỳ nhân viên Mỹ nào mà không có sự đồng ý của Mỹ" hoặc đã cố gắng chống lại đồng minh mà không có sự đồng ý của quốc gia đó, có thể bị xử phạt. Các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng những tài sản hoặc bất động sản trên đất Mỹ của mọi cá nhân ICC. Những người này cũng như người thân trong gia đình sẽ bị cấm tới Mỹ. Washington cho rằng, ICC đe dọa vi phạm chủ quyền của Mỹ.
Động thái mới nhất của Mỹ được đưa ra vài tháng sau khi ICC hồi tháng 3 cho phép tiến hành cuộc điều tra về các tội ác chiến tranh được thực hiện ở Afghanistan bởi các lực lượng Mỹ và Afghanistan cũng như các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người do Taliban gây ra. ICC cũng ủng hộ quyết định của Công tố viên Fatou Bensouda của tòa án điều tra những tội ác tiềm tàng mà Israel đã gây ra đối với người Palestine - một động thái mà Ngoại trưởng Mike Pompeo cảm thấy “quan ngại sâu sắc”.
“Sử dụng mọi biện pháp cần thiết”
Chính quyền Tổng thống Donald Trump lâu nay luôn phản ứng gay gắt với khả năng điều tra quốc tế về cuộc chiến tranh mà Mỹ tham chiến lâu nhất trong lịch sử.
Washington không phải là thành viên của ICC và các quan chức của chính quyền Tổng thống Trump từ lâu từ chối thẩm quyền của tòa án này. Washington đã thực hiện các bước nhằm ngăn chặn cuộc điều tra, chẳng hạn như thu hồi visa nhập cảnh của Công tố viên Bensouda vào năm ngoái. "Hành động của Tòa án Hình sự Quốc tế là một cuộc tấn công vào quyền của người dân Mỹ và đe dọa xâm phạm chủ quyền quốc gia của chúng tôi", Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany cho biết trong một tuyên bố. "Như Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống đã nói rõ, Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ công dân và đồng minh khỏi bị truy tố bởi Tòa án Hình sự Quốc tế", bà McEnany cho biết.
Phát biểu tại Bộ Ngoại giao hôm 11-6, ông Pompeo cho biết: “Chúng tôi không thể và chúng tôi sẽ không đứng ngoài cuộc vì người dân của chúng tôi đang bị đe dọa bởi một tòa án chuột túi”. Ông Pompeo cho biết, các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ được xác định theo từng trường hợp cụ thể. Ông cũng cho biết các hạn chế về thị thực sẽ bao gồm các thành viên gia đình của các quan chức ICC.
“Gây căng thẳng và là nỗ lực không thể chấp nhận”
ICC phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump, gọi hành động này là "vụ mới nhất trong một loạt các đòn tấn công chưa từng có nhằm vào ICC", “gây căng thẳng và là nỗ lực không thể chấp nhận nhằm can thiệp vào luật pháp và thủ tục tố tụng của Tòa án". Tòa án có trụ sở tại Hà Lan cũng cho rằng các lệnh trừng phạt "chưa từng có tiền lệ" làm suy yếu những nỗ lực đấu tranh đảm bảo những bên gây tội ác chiến tranh đều phải chịu trách nhiệm. "Tấn công ICC cũng thể hiện việc chống lại lợi ích của các nạn nhân của tội ác tàn bạo, đối với nhiều người mà Tòa án đại diện cho hy vọng về công lý", tuyên bố của ICC cho biết.
Trong một tuyên bố riêng, ông O-Gon Kwon, Chủ tịch Hội đồng toàn thể các quốc gia thành viên - cơ quan quản lý và lập pháp của ICC - đã tố cáo các động thái của chính quyền Mỹ, nói rằng họ "phá hoại nỗ lực chung của chúng tôi trong việc tìm kiếm trách nhiệm của sự tàn bạo". "Tôi sẽ triệu tập một cuộc họp bất thường của Hội đồng vào tuần tới để thể hiện cam kết không lay chuyển của chúng tôi với Tòa án", ông Kwon cho biết.
Tháng 11-2017, Công tố viên Bensouda của ICC đã xin phép mở một cuộc điều tra về các tội ác liên quan đến cuộc xung đột ở Afghanistan. Theo các tài liệu vào thời đó điểm, văn phòng của ông Bensouda xác định rằng "có cơ sở hợp lý để tin" rằng các thành viên của Lực lượng An ninh Quốc gia Afghanistan, lực lượng vũ trang Mỹ và CIA đã phạm "tội ác chiến tranh", bao gồm tra tấn và hãm hiếp. Mặc dù yêu cầu mở cuộc điều tra của ông Bensouda đã bị từ chối vào tháng 4-2019, hồi tháng 3 vừa qua, Phòng Kháng cáo ICC đã cho phép điều tra.
"Quan ngại sâu sắc"
Việc Mỹ “bật đèn xanh” xử phạt các quan chức ICC đã thu hút sự quan tâm từ các quan chức quốc tế và các tổ chức nhân quyền.
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh Châu Âu (EU) Josep Borrell bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước quyết định của Tổng thống Trump. Phát biểu trước báo giới, ông Borrell cho rằng ICC đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo luật pháp và quá trình thực thi luật pháp quốc tế. Vì thế, các quốc gia cần tôn trọng và ủng hộ ICC. Ông này cũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu quyết định của Tổng thống Trump và thảo luận với Ngoại trưởng các nước thành viên EU trong cuộc họp trực tuyến vào đầu tuần tới về vấn đề này.
Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok cho biết, ông "rất băn khoăn" trước các biện pháp của Mỹ đối với ICC. "Chúng tôi kêu gọi Mỹ không xử phạt nhân viên ICC. Hà Lan hoàn toàn ủng hộ ICC và sẽ tiếp tục làm như vậy. ICC rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại sự trừng phạt và giữ vững luật pháp quốc tế", ông Blok viết trên Twitter. Giám đốc Tổ chức Theo dõi nhân quyền có trụ sở tại Washington, ông Andrea Prasow, đã lên án hành động này của Mỹ, cho rằng nó "thể hiện sự khinh miệt đối với nhà nước pháp quyền toàn cầu”. “Các quốc gia ủng hộ công lý quốc tế nên công khai phản đối nỗ lực cản trở trắng trợn này", ông Prasow cho biết trong một tuyên bố.
AN BÌNH