Bước đầu thực hiện Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT

Thứ bảy, 08/11/2014 16:43

(Cadn.com.vn) - Việc triển khai Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT tại Đà Nẵng được thực hiện nghiêm túc, bước đầu đã được sự đồng thuận giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh. Phần lớn các ý kiến cho rằng cách đánh giá học sinh bằng nhận xét thay  những điểm số khô cứng như trước đây, Thông tư 30 mang tính nhân văn sâu sắc, giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh... Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã phỏng vấn một số giáo viên, phụ huynh, học sinh một số trường tiểu học trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Cô giáo Trương Thị Nhã Trúc -  Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Đổng:

“Thông tư mang tính nhân văn sâu sắc”

 

Sau khi được phòng giáo dục quận tập huấn, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Phù Đổng đã có kế hoạch triển khai cụ thể, từng giáo viên (GV) được phổ biến, nghiên cứu Thông tư 30 và nêu ra những thắc mắc của mình. Sau đó, Hội đồng Sư phạm, các tổ chuyên môn của nhà trường họp, giải đáp các thắc mắc của GV; căn cứ vào thông tư, xây dựng các phương pháp, nội dung, nguyên tắc, yêu cầu cụ thể về nhận xét học sinh (HS) cho các giáo viên hiểu và áp dụng. GV đánh giá HS thường xuyên qua từng bài học, tiết học, mỗi hoạt động...; nhận xét định kỳ vào cuối học kỳ và cuối năm học, sẽ có bài kiểm tra định kỳ, GV sẽ đưa ra lời nhận xét mang tính tổng hợp cả học kỳ hoặc cả năm.

Lời nhận xét thường xuyên, GV ghi vào vở; đặc biệt quan tâm nhận xét các HS chưa đạt và trong lời nhận xét ấy, GV phải ghi rõ những cái được, chưa được của HS, đưa ra lời tư vấn, giải pháp để HS khắc phục hạn chế đó; các HS tiến bộ, có lời khen, động viên kịp thời... GV cũng có thể nhận xét HS bằng lời nói, ngay tại các bài học, tiết học. Các em HS cũng nhận xét lẫn nhau, như sau khi cô sửa bài tập, các em trao đổi vở cho nhau và chấm bài chéo nhau để phát hiện ra cái sai của bạn, như vậy giúp các em mau hiểu bài, nhớ bài lâu hơn. Để tạo sự sinh động, tinh thần hăng say học tập và tự nhận xét giữa các HS, các em còn dùng những bông hoa đúng- sai.

Thực ra, trước khi có Thông tư 30, GV nhà trường đã  nhận xét HS kèm theo những điểm số trong các bài tập của các em... Qua triển khai thực hiện Thông tư 30, nhà trường chưa nhận được ý kiến phản ứng nào của phụ huynh (PH), còn đa số các em HS đều thích việc không chấm điểm, vì như vậy, các em không sợ bị điểm thấp cha mẹ mắng hoặc bạn bè chê bai. Vì vậy, Thông tư 30 mang tính nhân văn sâu sắc, giảm áp lực cho HS và PH, tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện.

Hiện nay, 100% các lớp của Trường Tiểu học Phù Đổng học 2 buổi trên ngày, nên GV không giao bài tập về nhà cho các em, sách vở các em để tại lớp, bớt được “gánh nặng” cho HS. Tuy nhiên, cũng còn một vài PH vẫn đề nghị cho con, em họ đem sách vở về nhà để kiểm tra, dạy con học thêm ở nhà; HS lớp tiếng Pháp do phải học thêm 8 tiết tiếng Pháp, nên đôi khi GV cũng phải cho bài về nhà mới kịp bài tập như các em lớp tiếng Anh. Nhà trường cho GV cam kết không dạy thêm và thường xuyên lập đoàn kiểm tra, nếu phát hiện GV dạy thêm, sẽ xử lý nghiêm khắc.

Cô giáo Thanh Hằng, giáo viên Trường Tiểu học Trần Văn Ơn:

“Học sinh có điều kiện phát triển toàn diện, nhưng trước mắt, giáo viên phải chịu áp lực về hồ sơ, sổ sách”

Thông tư 30 là chủ trương tốt, tạo sự công bằng, để HS có điều kiện phát huy năng lực và GV thích nghi với việc đổi mới giáo dục. Đánh giá HS là khâu quan trọng, nhưng thời gian qua, hầu như GV chỉ đánh giá HS qua điểm số, thậm chí ít có lời phê nhắc nhở. Theo Thông tư 30, việc đánh giá sẽ giúp cho HS biết cách học tốt hơn. Trong đánh giá thường xuyên, GV ghi những nhận xét cần chú ý vào sổ theo dõi, những kết quả HS đạt hoặc chưa đạt; biện pháp để giúp HS vươn lên học tốt. Việc đánh giá không dùng điểm số là sự đổi mới nhằm khắc phục thói quen dẫn đến lệch lạc về động cơ, phương pháp dạy học, chấm dứt việc so sánh giữa HS này với HS khác, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý HS.

Hiệu trưởng sẽ chỉ đạo việc đánh giá định kỳ kết quả học tập, mức đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng theo chương trình vào cuối học kỳ và cuối năm học đối với các môn: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học. GV chủ nhiệm họp với các GV cùng lớp nhận xét quá trình và kết quả học tập, hoạt động giáo dục để tổng hợp đánh giá mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của HS về quá trình học tập từng môn, HS được xếp theo 2 mức: hoàn thành- chưa hoàn thành; mức độ phát triển năng lực xếp ở 2 mức đạt hoặc chưa đạt.

Hằng tháng, GV vào sổ theo dõi nhận xét từng HS, ngoài nhận xét hằng ngày, hằng tuần. Sổ đánh giá bằng nhận xét là sổ theo dõi chất lượng giáo dục (thay sổ điểm trước đây). Để hoàn thành sổ theo dõi tháng, mỗi ngày GV phải thực hiện 35- 40 lời nhận xét. Bên cạnh đó, vẫn phải nhận xét HS hằng tuần theo giờ lên lớp.  GV bộ môn tiếp xúc với HS một tuần/tiết, mỗi tiết 35- 40 phút, dạy hàng ngàn HS nên rất khó khăn cho việc nhận xét.  Thông tư 30 nhằm giảm áp lực đánh giá bằng điểm số, nâng cao năng lực để tiếp cận xu thế mới, nhưng trước mắt GV vẫn chịu áp lực về năng lực hồ sơ, sổ sách.

Bà Nguyễn Thị Thu Thảo, PHHS Trường Tiểu học Phù Đổng:

“Tâm lý thoải mái sẽ nâng cao chất lượng học tập”

Con tôi rất phấn khởi, về nhà khoe hoài về việc học ở trường không chấm điểm nữa. Cháu kể, trước đây mỗi khi cô phát bài kiểm tra, các HS thường chỉ chú ý vào điểm, em nào điểm cao thì vui vẻ, em nào bị điểm thấp thì lo lắng bị cha mẹ đánh, mắng và bị bạn bè chê học dốt, chứ các em thường không để ý đến việc vì sao bài kiểm tra ấy bị điểm thấp. Nhưng, cách nhận xét hiện nay, GV ghi rõ cái được và chưa được của bài tập, đưa ra biện pháp khắc phục cái chưa được, sẽ giúp các cháu biết vì sao mình bị điểm thấp, để sửa chữa và PH cũng biết con mình mạnh - yếu ở điểm nào, để có biện pháp phối hợp nhà trường dạy dỗ các cháu. Cách đánh giá mới này tạo tâm lý học thoải mái, sẽ nâng cao chất lượng học tập, giúp các cháu phát triển toàn diện.

Các em HS Trường Tiểu học Phù Đổng đưa ra nhận xét của mình bằng bông hoa đúng - sai
trong giờ học. Ảnh: H.Nhật

Ông Hoàng Gia Hội - PHHS Trường Tiểu học Trần Văn Ơn:

“Phụ huynh cần những lời nhận xét, tư vấn của giáo viên hơn điểm số”

Việc chấm điểm trước đây cứng nhắc, không có lời động viên, nay nhận xét của GV hay hơn chấm điểm và linh hoạt trong ứng xử, giúp PH hiểu hơn về những ưu, nhược điểm của con mình để dạy con. Tuy nhiên, với lớp đông HS thì việc nhận xét kỹ là khó, cần có hướng dẫn cụ thể để vừa có hiệu quả, vừa hạn chế những ảnh hưởng về thời gian và công sức của GV. Đây là hướng đổi mới rất tốt, nhưng đòi hỏi GV phải có nghiệp vụ, chịu khó, cha mẹ phải quan tâm, có sự gắn kết cùng nhà trường, thầy cô để giúp đỡ con, được như vậy mới có chuyển biến thực sự.

Ông Phạm Cai, PHHS Trường Tiểu học Trần Văn Ơn:

“Cần tránh kiểu nhận xét chung chung”

PH chúng tôi cần GV nhận xét cụ thể, nhưng có thể GV ngại nói thẳng, nếu chê HS nặng nề sẽ làm PH hoang mang. Từ đó, dễ dẫn đến lời nhận xét thường chung chung, không thấy được ưu, khuyết điểm của HS, những gì cần cố gắng để học tốt. Hơn nữa, cách đánh giá HS bằng nhận xét chưa thật sự ổn vì khi lên các lớp trên, chương trình học nặng hơn, môn học nhiều sẽ nảy sinh phức tạp, vì vậy, cần có cách nhận xét cụ thể để PH hiểu học lực của con mình đang ở mức nào so với các HS khác, từ đó mới có động lực phấn đấu học tốt hơn.

Hồng Nhật - Hiền Minh
(thực hiện)