Các chuyến bay thảm họa của NASA

Thứ sáu, 01/02/2013 00:00

(Cadn.com.vn) - Ngày 1-2, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ tổ chức kỷ niệm 3 thảm họa tàu vũ trụ, nhắc mọi người nhớ về những phi hành gia hy sinh cuộc sống cho sự nghiệp khám phá không gian. Trong đó, NASA sẽ tôn vinh 3 phi hành gia qua đời khi tàu Apollo bốc cháy vào tháng 1-1967, 7 người chết trong thảm họa tàu con thoi Challenger năm 1986, và 7 phi hành gia khác thiệt mạng khi tàu con thoi Columbia bị vỡ tung trên đường quay lại Trái đất vào ngày 12-2-2003.

3 vụ tai nạn

Ngày 27-1-1967, 3 phi hành gia tàu Apollo I Gus Grissom, Ed White và Roger Chaffee thiệt mạng khi đám cháy bùng nổ trong khoang phi hành đoàn trong bài kiểm tra mặt đất, một tháng trước khi con tàu được phóng. Đó là chuyến đi có người đầu tiên của chương trình đổ bộ Mặt Trăng của tàu vũ trụ Apollo.

Bi kịch dẫn đến một cuộc điều tra về sự an toàn của tàu vũ trụ Apollo sau đó. 2 năm sau, vào tháng 7-1969, tàu Apollo 11 đưa phi hành gia đầu tiên lên mặt trăng. Ngày 28-1-1986, 19 năm và một ngày sau vụ cháy tàu Apollo I, tàu con thoi Challenger của NASA nổ tung chỉ 73 giây sau khi cất cánh. Nguyên nhân do tàu tách khỏi tên lửa và bình chứa nhiên liệu, vỡ đôi ở độ cao gần 14km rồi vỡ vụn và lao xuống Đại Tây Dương. Toàn bộ phi hành đoàn gồm 7 người đều tử nạn. Nguyên nhân do các vòng đệm bằng cao su trong một tên lửa đẩy bị hỏng do nhiệt độ xuống thấp vào ban đêm. Chính sự cố này gián tiếp khiến bình nhiên liệu gắn ngoài của tàu bị rò rỉ, khiến toàn bộ số hydro cũng như oxi lỏng thoát ra ngoài, kết hợp tạo thành một vụ nổ lớn.

Thiệt mạng trong vụ nổ là phi hành gia Francis Scobee, Ronald McNair, Mike Smith, Ellison Onizuka, Judy Resnik, Greg Jarvis và một giáo viên tên Christa McAuliffe. McAuliffe dự kiến sẽ trở thành giáo viên đầu tiên trong không gian trong chuyến công tác, thúc đẩy sự quan tâm của quốc gia về các chuyến bay vũ trụ. Sau tai nạn này, NASA phải mất 3 năm nữa mới tiếp tục các chuyến bay bằng tàu con thoi. Thảm họa tàu con thoi cuối cùng của NASA xảy ra 17 năm sau vụ tai nạn tàu Challenger. Tàu Columbia nổ tung khi tái nhập vào khí quyển, khiến toàn bộ phi hành đoàn STS-107 – dưới sự chỉ huy của phi hành gia Rick Husband và phi công Willie McCool, các chuyên gia Kalpana Chawla, Laurel Clark, David Brown, Michael Anderson và Ilan Ramon (phi hành gia đầu tiên của Israel) –đều thiệt mạng.

 7 phi hành gia của tàu vũ trụ Challenger. Ảnh: Space.com

Không giống như tàu Challenger, bị phá hủy trong khi phóng, thảm họa tàu con thoi Columbia xảy ra khi tàu vũ trụ trở về nhà sau một chuyến bay khoa học kéo dài 16 ngày. Columbia nổ tung do lá chắn nhiệt trên cạnh trên cánh trái của tàu bị phá hủy. Áp suất trên tàu giảm rất nhanh có thể khiến các phi hành gia bị ngất. Trong khi đó một luồng khí cực nóng tràn vào tàu. Module chứa phi hành đoàn tách khỏi tàu và xoay tròn rất nhanh. Nếu các nhà du hành không mất mạng vì những luồng khí nóng, họ cũng không thể sống sót sau khi cơ thể bị xoay tròn như chong chóng cùng với module.

Thảm họa Columbia là nguyên nhân khiến đội tàu con thoi NASA phải nghỉ hưu. NASA sau đó thay thế các tàu vũ trụ dựa trên thiết kế của tàu con thoi cho việc khám phá sâu vũ trụ. Sứ mệnh không gian cuối cùng của các tàu này là vào năm 2011. Các tàu còn lại - Discovery, Atlantis và Endeavour – được đưa đến bảo tàng năm 2012 để trưng bày. NASA hiện đang nhờ tàu vũ trụ Soyuz của Nga chuyên chở người Mỹ đến và đi vào quỹ đạo Trái đất. Cơ quan này cũng có kế hoạch thuê các tàu vũ trụ tư nhân để chuyên chở các phi hành gia đến và đi khỏi Trạm vũ trụ quốc tế.

Tưởng niệm các phi hành gia

Lễ tưởng niệm năm nay là sự kiện đặc biệt sâu sắc - đánh dấu 10 năm thảm họa Columbia kết thúc chương trình tàu con thoi của Mỹ.

“Ngày Tưởng nhớ năm nay sẽ vinh danh các thành viên của gia đình NASA hy sinh cuộc sống của họ trong việc thúc đẩy kỷ nguyên thăm dò và khám phá vũ trụ”, quan chức NASA đã viết trong một thông báo. NASA sẽ tổ chức một buổi lễ truyền hình vào ngày 1-2 tại Trung tâm Không gian Kennedy, một đài tưởng niệm cho các phi hành gia xấu số. Buổi lễ sẽ được truyền hình trực tiếp qua NASA TV; SPACE.com. Một số trung tâm không gian của NASA cũng sẽ tổ chức lễ tưởng niệm trong tuần này theo những cách khác nhau.

An Bình (Theo Space.com)