Các thành phố Trung Quốc với "cuộc đua" đạt miễn dịch cộng đồng

Thứ năm, 08/07/2021 09:44

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) mới đây có bài viết cho biết, một số thành phố tại Trung Quốc đang cạnh tranh đẩy mạnh chương trình tiêm vaccine với mong muốn trở thành thành phố đầu tiên ở Trung Quốc đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.

Người dân tiêm vaccine COVID-19 ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc hồi tháng 6. Ảnh: Tân Hoa xã

Tại thủ đô Bắc Kinh, tính đến ngày 16-6, gần 16 triệu người dân, tương đương hơn 80% dân số đủ điều kiện tiêm đã tiêm đủ 2 liều vaccine. Trong tổng số trên 22 triệu dân của thành phố, số người tiêm đầy đủ cũng đã đạt hơn 70%. Tỷ lệ tiêm chủng tại Bắc Kinh tương đương với tỷ lệ tiêm chủng tại San Francisco khi nơi này đang trên đường trở thành thành phố đầu tiên tại Mỹ đạt miễn dịch cộng đồng sau khi 74% dân số trên 12 tuổi được tiêm vaccine.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các thành phố của Trung Quốc dễ bị ảnh hưởng từ nguy cơ các ca mắc nhập khẩu cao hơn, đặc biệt là những thành phố ở biên giới và các thành phố lớn. Và đây được coi là những điểm ưu tiên trong chiến dịch tiêm chủng của chính phủ. Trong đó, đảo Hải Nam đã sớm bắt đầu chương trình tiêm chủng đại trà từ tháng 3 để "nhanh chóng xây dựng hàng rào miễn dịch" trước hai sự kiện lớn: Diễn đàn Bác Ngao Châu Á tổ chức vào tháng 4 và Hội chợ triển lãm sản phẩm tiêu dùng quốc tế Trung Quốc vào tháng 5. Tại thành phố Tam Á với dân số 1,03 triệu người, hơn 755.000 người (73% tổng dân số) - cũng được tiêm đủ hai mũi vaccine tính đến ngày 25-6.

Tại Thượng Hải, hơn 16,8 triệu người - tương đương 67% - trong tổng số 25 triệu dân của thành phố đã hoàn thành tiêm chủng ngừa COVID-19 trước khi bước sang tháng 7. Hai thành phố lớn tiếp theo đang trên đà vượt mốc 70% miễn dịch là Hải Khẩu và Thâm Quyến. Điểm chung ở các thành phố này là mặc dù có tỷ lệ tiêm chủng cao song giới chức địa phương vẫn duy trì áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và đăng ký mã y tế cá nhân.

Các chuyên gia y tế cộng đồng đã nhiều lần khuyến cáo Trung Quốc cần phải duy trì các biện pháp hạn chế, chẳng hạn như kiểm soát chặt chẽ biên giới quốc gia và giãn cách xã hội để ngăn chặn các đợt bùng phát lớn trước khi nước này đạt được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý cần phải có các cuộc kiểm tra và thử nghiệm để xác nhận xem Trung Quốc đã đạt được mức độ miễn dịch hay chưa. Trước đây, giới chuyên gia y tế đều nhất trí rằng một quốc gia đạt được miễn dịch cộng đồng khi ít nhất 70% dân số được miễn dịch, thông qua tiêm chủng hoặc hồi phục sau khi mắc bệnh. Do phần lớn các thành phố Trung Quốc không có ổ dịch lớn, nên chủ yếu họ dựa vào chương trình tiêm chủng để đạt mục tiêu đề ra.

Trong bối cảnh mức độ biến chủng Delta lây lan nhanh và nguy hiểm cùng với những cảnh báo về sự xuất hiện các biến chủng mới và mức độ bảo vệ chưa được kiểm nghiệm của vaccine trước mầm bệnh, các chuyên gia y tế khuyến cáo Trung Quốc cần phải tiêm chủng cho ít nhất 80-85% dân số thì mới đạt được miễn dịch cộng đồng.

Theo các chuyên gia, biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn nhiều so với các biến chủng trước đó - nhiều hơn khoảng 50% so với biến chủng Alpha xuất hiện lần đầu ở Anh dù chính Alpha cũng đã có khả năng lây cao hơn tới 50% so với loại virus lần đầu tiên lây lan trên toàn thế giới vào mùa xuân năm 2020.

Và khi virus càng dễ lây nhiễm, các nơi sẽ càng khó đạt miễn dịch cộng đồng và các thành phố, các nước cần tiếp tục tăng tốc tiêm vaccine.

KHẢ ANH