Các tuyến đường lậu vượt Sahara

Thứ hai, 19/05/2014 11:53

(Cadn.com.vn) - Sau vụ 92 người chết vì khát khi cố gắng vượt qua sa mạc Sahara vào tháng 9-2013, chính phủ Niger đóng cửa các tuyến đường di cư vốn tồn tại trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, những nhóm buôn người đã nhận tiền của người di cư và đưa họ đi trên những tuyến đường mới, bằng mọi giá để đến được Địa Trung Hải.

"Không thể thờ ơ khi đối mặt với thảm kịch này, chúng tôi phải có biện pháp để bi kịch không bao giờ xảy ra một lần nữa", đại tá Garba Maikido, thống đốc thành phố Agadez ở phía Bắc Niger, cho biết.

Cảnh sát đột kích hàng chục ngôi nhà quá cảnh, nơi những người di cư ở lại trên đường băng qua sa mạc để đến Bắc Phi và Châu Âu xa xôi, bắt giữ nhiều tay buôn người và các quan chức. Khoảng 50 cảnh sát ở khu vực xung quanh Agadez được thay thế. Chính phủ Niger cho biết, nạn buôn người di cư quy mô lớn tồn tại trong nhiều năm giờ đã chấm dứt. Tuy nhiên, thực tế không như vậy. Các chiến dịch của chính phủ chấm dứt các tuyến đường di cư lớn, nhưng những kẻ buôn lậu lại mở ra các tuyến đường mới, nguy hiểm hơn, và bắt đầu thu phí.

Những người Niger chuẩn bị lên xe tải ở Agadez hôm 17-3 để đến Libya. Ảnh: Reuters

Tuyến đường mới

Agadez là mê cung các đường phố đầy cát và những ngôi nhà gạch bùn thấp nằm trên rìa phía nam sa mạc Sahara. Nhiều năm qua, Agadez là trung tâm trong mạng lưới buôn lậu người, súng, ma túy và thực phẩm qua sa mạc.

Mặc dù có nền kinh tế phát triển nhanh nhất của châu lục, Tây Phi đang phải vật lộn để tạo việc làm cho dân số trẻ đang mọc lên như nấm. Kết quả là, những người di cư từ các quốc gia giàu dầu mỏ,  như Ghana đến Gambia vẫn tìm cách hướng về Bắc Phi để từ đó đến Châu Âu, thường là thông qua Agadez. Theo FRONTEX, cơ quan quản lý biên giới của Liên minh Châu Âu (EU), tuyến đường lớn nhất cho người di cư vào EU là đường hàng không. Tuy nhiên, hàng chục ngàn người đang trả tiền cho bọn buôn người để thực hiện cuộc hành trình nguy hiểm qua Trung Á và Trung Đông, từ vùng Sừng Châu Phi qua Sudan, hoặc từ Tây Phi qua sa mạc Sahara đến Địa Trung Hải.

Hoạt động này bắt đầu vào giữa những năm 1990, khi các nước như Tây Ban Nha và Italia áp đặt các yêu cầu chặt chẽ hơn về thị thực. Sau khi chính quyền Tây Ban Nha và Châu Phi chặn tuyến đường đến đảo Canary trong những năm gần đây, lượng người di cư qua sa mạc Sahara tăng lên, bởi mọi việc dễ dàng hơn sau bạo lực và hỗn loạn thời hậu Gaddafi ở Libya. Theo số liệu của cơ quan tị nạn LHQ (UNHCR), ít nhất 34.800 người thực hiện cuộc hành trình nguy hiểm từ Bắc Phi đến Châu Âu trong năm nay, so với 43.000 người vào năm 2013. Hàng trăm người trong số này có khả năng đi qua Agadez. Maikido, thống đốc Agadez ước tính, khoảng 3.000 người di cư/tuần đến Libya trước khi chính phủ thực hiện các chiến dịch truy quét, trong khi một nhà ngoại giao cho rằng, có đến 5.000 người. Hầu hết những người di cư từ Niger cho biết, họ dự định làm việc tại Libya.

Nhưng gần một nửa số người từ các nơi khác ở Tây Phi cho biết, quốc gia Bắc Phi này chỉ là bước đệm để đến Châu Âu. Hoạt động chuyển người di cư bất hợp pháp giúp các băng nhóm buôn người, bị chi phối bởi bộ lạc du mục Toubou ở Sahara, kiếm được hàng triệu USD mỗi năm.

Chẳng có gì thay đổi

Sau vụ 92 người, hầu hết phụ nữ và trẻ em chết do bị bỏ rơi trong sa mạc sau khi xe tải chở họ bị hỏng, các quan chức Niger mạnh tay hơn.

Tuy nhiên, ngăn chặn nạn di cư bất hợp pháp là rất khó. Các nhà ngoại giao và một báo cáo nội bộ chính phủ cho biết, thông thường, cảnh sát cũng tham gia và đường dây đưa người di cư, nhưng cho đến nay, không ai ở vị trí cấp cao bị buộc tội. "Chẳng có gì thay đổi", Bachir Amadou, người hướng dẫn cho những người Ghana muốn đến Libya, cho biết. Amadou thu hộ chiếu và tiền mặt từ 8 người cho chuyến đi tiếp theo. Ông thông báo với họ rằng, vé xe buýt có giá 17.000 CFA (36 USD), và họ sẽ phải trả 43.000 CFA tiền hối lộ để được qua các trạm kiểm soát của cảnh sát ở thủ đô và Agadez. Những ai không có giấy tờ thì chi phí tăng gấp đôi.

Khi dòng người di cư đến Châu Âu từ Tây Phi vẫn tiếp tục tăng lên, nhập cư lại một lần nữa trở thành chủ đề nóng ở Châu Âu khi nền kinh tế lục địa này đang gặp khó khăn. Biên giới được thắt chặt và số di dân được hạn chế nghiêm ngặt.

An Bình (Theo Reuters)