Cách thu tác quyền âm nhạc... chẳng giống ai

Thứ sáu, 26/05/2017 12:24

(Cadn.com.vn) - Nhiều  khách sạn (KS) ở Đà Nẵng vừa nhận được công văn của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) chi nhánh phía Nam về việc thực hiện quyền tác giả âm nhạc. Theo đó, mỗi phòng ngủ, phòng khách có tivi  trong KS phải trả  25 ngàn đồng/năm. Nhiều chủ KS tỏ ra bức xúc vì cách thu “chẳng giống ai” này. 

Trong công văn gửi các KS ở Đà Nẵng do ông Đinh Trung Cẩn- Giám đốc VCPMC phía Nam ký, đề nghị chủ các DN cơ sở kinh doanh có sử dụng âm nhạc khẩn trương liên hệ với Văn phòng đại diện của Trung tâm tại Đà Nẵng để thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm âm nhạc trong hoạt động kinh doanh, thời gian chậm nhất là 25-5-2017. Sau thời gian này, nếu chủ DN không phản hồi, không thực hiện, Trung tâm sẽ báo cáo các đơn vị chức năng đề nghị kiểm tra, xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả. Bên cạnh đó, các chủ KS cũng nhận được bảng báo mức nhuận bút sử dụng tác phẩm âm nhạc với nhiều mục, trong đó đầu tiên phải kể đến mỗi tivi trong phòng ngủ, phòng khách của KS phải nộp 25 ngàn đồng/phòng/năm.

Chủ KS Orange bức xúc về cách thu tác quyền âm nhạc của VCPMC. 

Ông Lưu Văn Cam- Chủ KS Orange tại 29-Hoàng Diệu, Q. Hải Châu (TP Đà Nẵng) bức xúc nói: Tôi ủng hộ việc thu tác quyền âm nhạc, bởi anh dùng quyền tác giả để kinh doanh, thu lời thì phải trả tiền cho người sáng tác, họ nghèo lắm. Nhưng vấn đề là cách thu thế nào để không gây phẫn nộ cho người nộp. Chủ DN họ có danh dự, lòng tự trọng của mình. Anh năm này tháng nọ gửi thông báo, gọi điện yêu cầu nộp mà không biết họ có sử dụng âm nhạc của anh không. Anh không thể coi họ là con nợ được. Thậm chí có lần gọi điện nói rất thiếu văn hóa, trong khi anh là tổ chức hoạt động về văn hóa. Cũng theo ông Cam, trong KS của mình nhiều phòng có tivi, việc thu tác quyền âm nhạc phải định lượng thế nào, thời gian sử dụng bao lâu để thu phí, chứ không thể thu khoán cứ 1 tivi/phòng thì mỗi năm phải nộp 25 ngàn đồng. Giả sử trong 1 năm họ mở tivi để xem các chương trình truyền hình khác, không xem chương trình ca nhạc lần nào, họ vẫn phải nộp tiền, điều đó rất vô lý. “Tác giả sáng tác, họ chỉ vui vẻ nhận tiền khi tác phẩm của mình được phổ biến, có người nghe, chứ họ chẳng muốn nhận tiền rất ảo, rất vô lý từ những chiếc tivi không mở nhạc, vẫn bị thu tiền”- ông Cam chia sẻ.

Không chỉ ông Cam, nhiều chủ KS khác cũng rất bức xúc với cách thu phí tác quyền âm nhạc thông qua số lượng tivi có trong KS. Bởi lẽ, khách tới nghỉ giờ đều có điện thoại, iPad, cần nghe nhạc thì họ mở theo “gu” của mình từng bài hát, từng ca sĩ chứ ít khi mở tivi để “cho gì nghe nấy”. Phía VCPMC giải thích rằng, các khoản phí mà KS trả cho truyền hình cáp chỉ là khoản tiền để được nhận tín hiệu hoặc đường truyền từ nhà cung cấp, không bao gồm tiền nhuận bút trả cho việc sử dụng tác phẩm âm nhạc. Nhưng, một số chủ KS cho rằng, VCPMC cần thu tác quyền âm nhạc từ các nhà đài vì các chương trình của nhà đài khi phát đã sử dụng quyền tác giả. Còn tivi chỉ là đồ dùng trong nhà, một công cụ thường dùng trong đời sống, nếu khách lưu trú có nghe nhạc từ tivi cũng là thụ động, phía chủ KS cũng không yêu cầu nhà đài phải phát ca nhạc gì cho khách chủ động hưởng thụ, nên việc thu tác quyền âm nhạc bằng cách đếm đầu tivi trong khách sạn là rất vô lý.

Nhiều chủ KS cho rằng mức thu 25 ngàn đồng/tivi/năm là vô lý.

Trao đổi với P.V, một chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực Bản quyền tác giả tại Đà Nẵng chia sẻ, mức giá 25 ngàn đồng/tivi/năm trong KS mà VCPMC áp dụng không theo nghị định 121. Mức thu phải dựa trên yếu tố kinh doanh, mang tính chất thỏa thuận, thế nên các chủ KS phải được thỏa thuận chứ không phải chịu áp mức thu này. Cũng theo chuyên gia này, chương trình ca nhạc trong tivi mà khách lưu trú xem của nhiều tác giả, trong đó có những tác giả đã ủy quyền cho VCPMC, song cũng có tác giả không ủy quyền. Nếu họ không ủy quyền, VCPMC dựa vào đâu để thu? Làm sao thống kê khách lưu trú xem bài hát của tác giả nào, vậy tiền thu được sẽ chia thế nào cho các tác giả? Không lẽ người được nghe nhiều cũng được “đếm đầu chia xôi” như người mà tivi có phát bài hát, nhưng khách không nghe, xem? Chưa kể, trong một video ca nhạc phát trên tivi gồm 3 quyền là quyền tác giả, quyền người hát, quyền người tạo ra bản ghi âm ghi hình. VCPMC chỉ đại diện ủy quyền của tác giả (2 quyền kia có các Tổ chức đại diện riêng), như vậy phương thức thu thế nào cho đúng và hợp lý không hề đơn giản. 

Hải Quỳnh