Cai nghiện tại gia đình-cộng đồng gặp khó

Thứ năm, 24/12/2015 11:09

(Cadn.com.vn) - Báo cáo mới nhất của UBND thành phố Đà Nẵng cho thấy, số người nghiện ma túy có trong danh sách quản lý toàn thành phố là hơn 1.800 người. Đáng chú ý, chỉ trong 7 tháng, từ ngày 20-8-2014 đến ngày 20-3-2015, lực lượng chức năng phát hiện, lập hồ sơ xử lý đến 1.299 trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy. So thời gian cùng kỳ, phát hiện, xử lý người nghiện tăng đến 91%. Trong đó, có 83 trường hợp bị xử lý hình sự về tội phạm ma túy. Trong khi đó, theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH  thành phố Đà Nẵng, tính đến ngày 15-9, toàn thành phố có 940 người tham gia cai nghiện, trong đó có 488 người cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề 05-06, 106 người cai nghiện tại gia đình-cộng đồng và 346 người tham gia điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Trong 106 người cai nghiện tại cộng đồng hầu hết là lao động phổ thông, có việc làm nhưng không ổn định hoặc chưa có việc làm.

Ông Võ Công Hùng, cán bộ phụ trách công tác phòng chống tệ nạn xã hội P. Nam Dương (Q. Hải Châu), cho biết: "Việc vận động người dân rất khó khăn, chưa có ai chủ động liên hệ với phường để khai báo tình trạng nghiện và đăng ký tham gia cai nghiện tại gia đình- cộng đồng. Do đó, tổ công tác cai nghiện phường phải bám sát hồ sơ quản lý người sử dụng ma túy, thường xuyên ghé nhà họ để tuyên truyền, vận động". Từ đầu năm đến nay, tổ công tác cai nghiện P. Nam Dương phối hợp với CAP lập hồ sơ cai nghiện tại gia đình-cộng đồng cho 7 trường hợp. Tuy nhiên, hiện tại, chỉ còn 1 trường hợp đang tham gia hình thức cai nghiện không cách ly này. "Có 5 trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cai nghiện tại gia đình-cộng đồng. Còn 1 trường hợp đang cai nghiện thì có tình trạng tái sử dụng nên chúng tôi đã lập hồ sơ áp dụng Nghị định 221 đưa vào Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 05-06", ông Hùng cho hay.

Người nghiện đang được châm cứu điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng.

Chia sẻ về công tác tổ chức cai nghiện tại gia đình-cộng đồng trong thời gian qua, ông Hùng lo lắng: "Hiện nay, trên địa bàn phường, số lao động, học sinh, sinh viên và một số thành phần không rõ lai lịch thuê nhà nghỉ, nhà trọ, cư trú làm ăn và học tập với số lượng tương đối lớn. Do vậy, việc kiểm soát chặt chẽ tình hình sử dụng ma túy cũng như ngăn chặn việc tái sử dụng của các trường hợp tham gia cai nghiện tại gia đình-cộng đồng là rất khó". Trong khi đó, P. Thanh Bình (Q. Hải Châu) hiện có 1 trường hợp gia đình tự nguyện đưa con em đến phường nhờ hỗ trợ cai nghiện. Con số tự nguyện nhỏ lẻ này lại được xem là hiếm hoi và là niềm mơ ước của nhiều địa phương khác. Anh Võ Như Chương, cán bộ phòng chống tệ nạn xã hội P. Thanh Bình cho biết, khó khăn lớn nhất trong quá trình tổ chức cai nghiện tại gia đình-cộng đồng là việc tiếp cận với người nghiện. "Tâm lý mặc cảm, tự ti nên người nghiện không thích tiếp xúc với mình. Tìm đến nhà nhiều lần chưa chắc đã gặp được họ nên chúng tôi thường chủ động gặp gỡ khi đối tượng tham gia kiểm tra test hoặc bị xử phạt hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Lần gặp ban đầu rất quan trọng, là cơ sở để xây dựng niềm tin, nắm bắt tình hình tâm sinh lý đối tượng nên chúng tôi luôn cố gắng tạo ấn tượng tốt nhất. Điều này đòi hỏi người làm công tác này phải vô cùng kiên nhẫn, chịu khó, mềm mỏng", anh Chương tâm sự.

Một trong số những trở ngại khi tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng là điều kiện vật chất và con người tại các trung tâm y tế. Chẳng hạn như Bệnh viện Q. Hải Châu bắt đầu tham gia cắt cơn, giải độc cho người nghiện tại gia đình cộng đồng từ năm 2014, đến nay đã có 17 trường hợp được đưa lên đây. Bác sỹ Phạm Thị Thu Hòa, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Q. Hải Châu thở dài: "Lẽ ra là lên cơn thì chúng tôi mới nhận vào đây cắt cơn nhưng gia đình và địa phương năn nỉ quá nên phải nhận theo dõi khoảng 2-3 ngày rồi... cho về". Bác sỹ và bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện thì phải nhiều phen... thót tim vì bạn bè của người nghiện. Một bác sỹ ở đây cho biết, bạn bè của người nghiện đi thăm bạn hầu hết đều xăm mình, mặt mũi bặm trợn, hút thuốc liên tục. Thậm chí có người còn mang theo cả hung khí bên người. Khi bị bảo vệ nhắc nhở thì có anh còn gây sự với bảo vệ, tỏ thái độ không hợp tác. Đó là bởi phòng cắt cơn cách không xa nơi khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân khác nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chung.

Theo ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH thành phố) thì một trong những vấn đề khó khăn khi cai nghiện tại cộng đồng là do người nghiện không có việc làm nên dễ dẫn đến tái nghiện ngay sau khi cắt cơn. "Cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy đồng thời có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở dân lập điều trị nghiện tự nguyện" - ông Hùng cho biết. Theo ông Hùng, để công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng đạt được hiệu quả như mong đợi, cần phải có sự nỗ lực, vào cuộc hơn nữa của chính bản thân người nghiện cũng như sự phối hợp đồng bộ, sự quan tâm của các cơ sở điều trị, nhất là sự chia sẻ về các chi phí thuốc men trong quá trình cắt cơn, giải độc cho người nghiện, bởi hầu hết các gia đình có người nghiện đều hết sức khó khăn.  Bên cạnh đó, gia đình, cộng đồng và xã hội cần có cách nhìn cởi mở hơn đối với người nghiện. Bởi chính sự kỳ thị, vô tình đã  đẩy người nghiện đi xa hơn vào tình trạng nghiện ngập, thậm chí phạm tội, gây khó khăn cho công tác cai nghiện...

Mộc Miên