Cảm hóa người lầm lỗi

Thứ tư, 03/09/2014 08:43

(Cadn.com.vn) - Hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng trong tôi về quản giáo Bùi Thanh Đông, Đội trưởng đội quản giáo Trại tạm giam công an tỉnh Quảng Nam là khuôn mặt đầy phúc hậu. Tôi hỏi vui khuôn mặt anh hiền thế này sao phạm nhân “sợ” mà cải tạo được, anh Đông cười: “Mình giáo dục người phạm tội bằng cái tâm, cảm hóa họ bằng tình cảm chứ không phải bằng sự đe dọa, ràng buộc”.

Chân dung người quản giáo

Sinh năm 1975, anh Đông đã có 17 năm làm công tác quản giáo. Quãng thời gian ấy đủ để anh nếm trải mọi buồn vui trong nghề và cũng để anh có cho mình sự cảm thông thấu hiểu nhưng cũng vô cùng cương nghị, cứng rắn trong công tác cải tạo phạm nhân.

Anh Đông cho biết: “Làm quản giáo là công tác vô cùng khó khăn, nguy hiểm bởi là người trực tiếp tiếp xúc với phạm nhân. Phạm nhân ở đây hầu hết đều đang đợi ngày ra tòa xét xử hoặc đợi chuyển sang trại giam nên tâm lý không ổn định. Nhất là những đối tượng vốn là đàn anh đàn chị. Nguy hiểm nhất vẫn là những phạm nhân bị nhiễm HIV hoặc bị kết án chung thân. Bởi khi ấy họ nghĩ mình chẳng còn gì để mất nên dễ làm liều”.

Trong 17 năm công tác tại trại, anh Đông nhớ nhất câu chuyện về tử tù Nguyễn Cường. Đó là năm 2000, khi tình hình khai thác vàng tại H. Phước Sơn diễn ra rất phức tạp. Nguyễn Cường khi ấy vốn là tay có máu mặt tại các bãi vàng, trong một lần đụng độ với các phu vàng khác hắn đã ra tay giết người cướp của nên bị kết án tử hình. Anh Đông khi ấy chỉ là một quản giáo trẻ tuổi nên vô cùng khó khăn trước sự quấy phá, yêu sách của Nguyễn Cường.

Những ngày đầu vào trại hắn liên tục đập phá, la hét, thậm chí còn dọa đánh cán bộ. Anh Đông nhớ lại: “Dù lưu manh côn đồ là vậy nhưng thời gian nhiều ngày quan sát tôi phát hiện Cường rất thương mẹ, mỗi khi có mẹ vào thăm hắn đều khóc. Biết được điều đó tôi và các cán bộ khác đã thông qua mẹ của Cường để cảm hóa y”.

Từ những câu chuyện, những lời động viên chân tình của cán bộ, Nguyễn Cường dần hiểu ra và thôi không còn chống đối. “Sau 2 năm ở tại trại, trước ngày xử tử, Nguyễn Cường đã gửi lời cảm ơn tôi. Khi ấy Cường khóc, tôi biết đó là những giọt nước mắt của tình người”, anh Đông tâm sự.

Có không ít lần anh Đông và những anh em quản giáo khác bị phạm nhân ném chất thải vào người. “Có những ngày tôi không còn bộ quần áo nào để thay vì bị phạm nhân làm bẩn hết. Với những kẻ ngoan cố như thế thì không thể nhân nhượng mà phải trị bằng biện pháp cứng rắn. Có những phạm nhân còn giả bệnh để tìm cách trốn ra ngoài.

Chính vì môi trường công việc phức tạp như vậy nên chúng tôi luôn luôn cảnh giác cao độ, luôn quan sát theo dõi nhất là với kẻ vào tù ra tội nhiều lần. Vừa quản lý nhưng cũng phải vừa giáo dục họ”, anh Đông chia sẻ.

Anh Đông trò chuyện với phạm nhân.

Quả ngọt cho đời

Vì đặc thù công việc nên anh Đông và các quản giáo khác có rất ít thời gian dành cho gia đình. Thấu hiểu được hoàn cảnh khác nhau của mỗi phạm nhân mà các anh có những lời lẽ khuyên nhủ để họ nhận ra sai trái, sớm hoàn lương. Anh ví von: “Làm quản giáo cũng như nhà giáo, cũng phải dạy dỗ hướng đến cái thiện. Chỉ có điều với quản giáo thì đây là những học sinh... cá biệt. Có những đêm tôi nằm ngủ mơ thấy phạm nhân trốn, bị phạm nhân lấy dao đâm mình. Áp lực công việc nặng nề nhưng đã là quản giáo ai cũng mong muốn phạm nhân của mình sớm hoàn lương”.

Niềm vui, hạnh phúc và cũng là động lực khiến anh Đông vượt qua hơn 17 năm thử thách trong nghề là được thấy phạm nhân của mình đã trở về với vòng tay của gia đình và xã hội. Mỗi khi ra đường nghe tiếng gọi “thưa quản giáo”, lòng anh lại dâng lên niềm tự hào.

Có những phạm nhân đã ra tù 10 năm anh Đông quên mặt nhưng gặp lại họ vẫn nhắc những kỷ niệm sự quan tâm chân tình mà anh đã dành cho họ. Sự tâm huyết nỗ lực trong nghề nên giờ đây anh Đông đã trở thành Đội trưởng tiếp tục động viên các anh em quản giáo trẻ đi tiếp con đường gieo mầm thiện.

Bằng cái tâm của mình, anh Đông và các cán bộ quản giáo khác đã khiến những kẻ bướng bỉnh nhận ra sai lầm của mình để khi trở về với xã hội họ không tái phạm. Chính tình yêu thương, sự bao dung của cán bộ quản giáo là con đường khiến những kẻ tội lỗi quay về với cái thiện. “Với những phạm nhân nhỏ tuổi tôi xem như người em, người con. Con người không ai không mắc sai lầm. Nếu chúng ta cho họ một cơ hội để làm lại cuộc đời, bao bọc họ bằng tình yêu thương, tôi tin cái thiện sẽ chiến thắng cái ác”, anh Đông nói.

Hà Dung