Cần kiểm soát lượng khách “du lịch giá rẻ” tại Cù Lao Chàm

Thứ bảy, 13/10/2018 12:48

Du lịch tại Cù Lao Chàm lâu nay vẫn được định hướng phát triển theo mô hình du lịch sinh thái biển đảo. Tuy nhiên, sự bùng nổ về lượng du khách đến Hội An hiện nay đã khiến tình hình du khách đến Cù Lao Chàm vượt tầm kiểm soát gây tác động nghiêm trọng lên hệ sinh thái.

Các chuyên gia trao đổi về hướng phát triển du lịch tại Cù Lao Chàm.

Trong số các tham luận trình bày tại Hội thảo phát triển du lịch bền vững Cù Lao Chàm thì các đại biểu đều nêu lên thực trạng về sự quá tải khi phát triển du lịch tại đây. Trong đó, nguyên nhân chính là sự phát triển ồ ạt của du lịch giá rẻ.

Hệ sinh thái Cù Lao Chàm sẽ bị đảo lộn hoàn toàn

Chuyên gia Trần Lê Trà đến từ Tổ chức hợp tác quốc tế Đức – Giz cho biết tốc độ tăng trưởng du lịch của Cù Lao Chàm tăng chóng mặt về lượt khách từ năm 2012 đến nay. Cù Lao Chàm trung bình đón 1 triệu lượt khách/năm tuy nhiên hơn một nửa trong số đó là khách Trung Quốc, tiếp theo là Hàn Quốc và các nước phương tây. “Khách Trung chiếm một nửa nhưng chỉ đến tham quan là chủ yếu, những khách tiêu tiền nhiều tại đây thì lại là Australia, Nga. Như vậy có thể thấy rằng lượt khách đến đông chưa hẳn đã có nguồn thu lại cho địa phương. Điều này dẫn đến thực tế chúng ta cần quyết định nên lựa chọn phục vụ nhiều lượt khách hay hạn chế lượng khách giá rẻ để tăng phục vụ những mảng du khách tiềm năng, có sự chọn lọc”, ông Trà đặt vấn đề.

“Việc số lượng khách đến đảo quá đông khiến địa phương phải tìm cách tăng cường phục vụ. Khi khách đông thì phải có thêm bến tàu, thêm tàu di chuyển trong khi chúng ta lại không thể thu quá nhiều từ lượng khách này. Ngoài ra khi du khách ra đến Cù Lao Chàm họ muốn được ăn hải sản đánh bắt tại đây khiến cạn kiệt nguồn tài nguyên lớn. Lượng san hô và cá biển ở Cù Lao Chàm đã suy kiệt quá nhiều. Theo một cảnh báo mới đây nhất thì chỉ cần 30% loài cá mất đi thì hệ sinh thái Cù Lao Chàm sẽ bị đảo lộn hoàn toàn”, ông Trà cho biết. Ông Trà cũng nêu ví dụ về mô hình du lịch sinh thái Tà Lài – Vườn Quốc gia Cát Tiên mô hình mà ông cho rằng gần với du lịch sinh thái nhất. “Mỗi du khách đến với Tà Lài một ngày đóng góp cho xã 190 ngàn đồng để tận tưởng bầu không khí sinh thái tại đây trong khi tại Cù Lao Chàm chúng ta thu không tới 80 ngàn đồng/ lượt khách. Như vậy là quá bất công với Cù Lao Chàm và giá trị sinh thái nơi đây. Tôi cho rằng cần phải thay đổi cách tư duy về làm du lịch ở đây. Chúng ta phải xem xét lại khách đến Cù Lao Chàm là du lịch đơn thuần hay là du lịch sinh thái từ đó mà có những điều chỉnh thích hợp”, ông Trà nêu.

Giáo sư Nguyễn Hoàng Trí – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam nhấn mạnh việc tại sao Cù Lao Chàm được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới trong khi tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới có cảnh quan đẹp hơn. Đó là vì Cù Lao Chàm không chỉ có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học mà còn có giá trị kết nối văn hóa, trong đó có phố cổ Hội An, văn hóa Chămpa, Sa Huỳnh. “Hiện nay rạn san hô tại Cù Lao Chàm và lượng sinh vật biển tại đây bị tổn hại nặng vì phát triển du lịch. Tôi đề xuất chúng ta không nên chỉ bàn những giải pháp chung chung nữa mà phải đưa ngay ra những phương án dự phòng cụ thể như nếu san hô mất đi thì phải khắc phục ra sao, làm sao để không để lượng khách tăng vượt mức”. Ông Trí cũng lưu ý việc bảo tồn sinh quyển Cù Lao Chàm không thể tách rời việc bảo tồn rừng dừa Bảy Mẫu tại Cẩm Thanh bởi khu vực này đóng vai trò quan trọng là vùng đệm chuyển tiếp dòng nước ra Cù Lao Chàm, chặt phá rừng dừa làm du lịch là góp phần hủy hoại đa dạng sinh học Cù Lao Chàm.

Phát triển du lịch sinh thái bền vững

Trước ý kiến của các chuyên gia, ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ kể về trường hợp cụ thể mà ông ghi nhận gần đây đó là rùa biển tại Cù Lao Chàm đẻ trứng dưới nước sâu đến hơn 10m. Ông Tích cho biết khi nghe trường hợp này cá nhân ông rất ngạc nhiên bởi đặc tính sinh đẻ của rùa biển là thường chọn bãi cát hoang sơ, không có dấu vết của con người để đẻ trứng và thường lên đẻ trứng vào ban đêm hoặc rạng sáng.

Lần phát hiện trứng rùa đẻ dưới nước này chứng tỏ rùa không có bãi đẻ trên cạn nên buộc phải đẻ trứng dưới nước. Bên cạnh đó, rùa có đặc tính là nở ở đâu thì sau khi sinh trưởng, rùa thường quay lại chính nơi đó để đẻ trứng. Tuy nhiên, nếu phát hiện có dấu vết của con người ở đó thì rùa không đẻ trứng nơi đó nữa. Câu chuyện này đã khẳng định rằng tác động của du lịch đến môi trường sinh thái nơi đây đã đến mức báo động. “Trong nhiều buổi hội nghị, hội thảo về du lịch sinh thái Sở đã đề xuất trường hợp du lịch tại Cù Lao Chàm, chúng ta nên giảm áp lực du khách còn một nửa đồng thời tăng giá. Tránh để tình trạng du lịch giá rẻ như hiện nay tác động lên môi trường sinh thái”, ông Tích cho biết.

Tổng hợp ý kiến, tham luận tại Hội thảo ông Lê Trí Thanh cho biết vấn đề bảo tồn bền vững Cù Lao Chàm là vấn đề quan trọng có ảnh hưởng đến không chỉ du lịch địa phương mà còn là nơi dự trữ sinh quyển thế giới. UBND tỉnh đã định hướng đến năm 2020 quần đảo Cù Lao Chàm trở thành trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với phát triển du lịch sinh thái bền vững. Từ những thực trạng được nêu lên tại Hội thảo sẽ là tiền đề cho việc đưa ra những cơ chế quản lý trong thời gian tới đối với Cù Lao Chàm.

HÀ DUNG

Sáng 12-10 tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) diễn ra Hội thảo Bảo tồn phát triển bền vững Cù Lao Chàm. Tham dự hội thảo có ông Lê Trí Thanh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cùng hơn 50 đại biểu là các chuyên gia về biển đảo và lãnh đạo các sở ban ngành. Hội thảo đã đưa ra các nhóm giải pháp bảo tồn Cù Lao Chàm gồm: Xây dựng bản quy hoạch tổng thể phát triển KT – XH, khoanh vùng không gian bảo tồn nghiêm ngặt từ Hòn Dài đến Tây Bắc Hòn Lao, đưa người dân tham gia vào chuỗi giá trị của du lịch Cù Lao Chàm.