TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Cần làm gì khi đối tác vi phạm nghĩa vụ thanh toán?

Thứ hai, 10/07/2023 15:34
*Bạn đọc hỏi: chị Thanh Sang, trú TP Đà Nẵng, hỏi: Tôi là đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Thiên Kim Sang. Trong 2 năm 2018-2019, Công ty tôi có ký với Công ty CP Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô (có trụ sở tại Hà Nội) 3 hợp đồng cung cấp màn rèm, vỏ gối cho Dự án Khu Nghỉ dưỡng và Nhà ở Cao cấp the Empire (Cocobay) do Công ty Thành Đô làm chủ đầu tư. Công ty tôi đã hoàn thành các hạng mục trong các hợp đồng này và đã được đại diện Công ty Thành Đô xác nhận vào các bảng tổng hợp giá trị hoàn thành của hợp đồng. Tuy nhiên, Công ty Thành Đô đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán, chỉ tiến hành thanh toán nhỏ giọt mặc dù chúng tôi đã nhiều lần đề nghị thanh toán, đề xuất làm việc để có kế hoạch trả nợ rõ ràng. Đến thời điểm hiện tại, Công ty Thành Đô vẫn còn nợ Công ty tôi khoản nợ gốc của 3 hợp đồng hơn 1,8 tỷ đồng và hoàn toàn không có phản hồi nào đối với yêu cầu trao đổi về kế hoạch trả nợ cho Công ty tôi. Tôi muốn hỏi, ngoài khoản nợ gốc mà Công ty Thành Đô đang nợ, Công ty tôi có thể yêu cầu Công ty Thành Đô thanh toán những khoản nào nữa không? Công ty tôi có thể thu hồi công nợ nói trên bằng cách nào, có quyền yêu cầu tuyên bố phá sản đối với Công ty Thành Đô không?
Luật sư Phan Thụy Khanh
Luật sư Phan Thụy Khanh

*Luật sư Phan Thụy Khanh, Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners - Trưởng chi nhánh Sơn Trà, trả lời:

Ngoài khoản nợ gốc, Công ty Thiên Kim Sang có thể yêu cầu Công ty Thành Đô thanh toán những khoản nào nữa không?

Ngoài khoản nợ gốc mà Công ty Thành Đô có nghĩa vụ phải thanh toán, với việc vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thanh toán, căn cứ Điều 306 Luật Thương mại 2005, Công ty Thiên Kim Sang có quyền yêu cầu Công ty Thành Đô thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán.

“Điều 306. Quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán

Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Theo đó, Công ty Thiên Kim Sang có quyền yêu cầu Công ty Thành Đô thanh toán tiền lãi chậm thanh toán theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với từng mốc thời điểm chậm trả. Thông thường 3 ngân hàng dùng để xem xét mức lãi suất là Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam. Như chị Sang trình bày, Công ty Thành Đô đã thanh toán nhỏ giọt từng mốc thời gian, lúc này Công ty Thiên Kim Sang có quyền yêu cầu tiền lãi theo từng đợt phát sinh chậm thanh toán mà không chỉ tính từ đợt đối chiếu công nợ cuối cùng.

Công ty Thiên Kim Sang cần làm gì để thu hồi công nợ?

Trong tất cả những phương thức, thương lượng luôn là phương thức nên được ưu tiên lựa chọn bởi sẽ giúp các bên tiết kiệm chi phí, thời gian. Tuy nhiên,qua nội dung trình bày của chị Sang, hiện nay, Công ty Thành Đô không hợp tác, chây ỳ, hai bên không còn tìm được tiếng nói chung. Với thực tế đó, Công ty Thiên Kim Sang có thể áp dụng một trong những phương thức dưới đây để thu hồi khoản công nợ, tiền lãi chậm trả và phạt vi phạm (nếu có).

* Khởi kiện ra tòa án hoặc trung tâm trọng tài.

Theo chị Sang trình bày, đã có đủ cơ sở để cho rằng hành vi của Công ty Thành Đô là hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng mà hai bên đã thoả thuận. Công ty Thiên Kim Sang có quyền thực hiện các biện pháp tố tụng sau đây để thu hồi khoản công nợ trên.

* Khởi kiện ra toà án hoặc trung tâm trọng tài (nếu hai bên có thoả thuận trọng tài).

Đối với phương thức này, sau khi tòa án hoặc trung tâm trọng tài thụ lý vụ án, Công ty Thiên Kim Sang có thể yêu cầu áp dụng những biện pháp pháp lý khẩn cấp tạm thời, ngăn chặn Công ty Thành Đô trốn tránh thực hiện nghĩa vụ như niêm phong hay không cho chuyển dịch tài sản, phong toả tài khoản ngân hàng hay cấm một số người trong Ban quản trị của Công ty Thành Đô xuất cảnh.

* Yêu cầu tuyên bố phá sản đối với Công ty Thành Đô.

Khoản 1 Điều 5 Luật Phá sản 2014 quy định về người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản như sau:

“Điều 5. Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

1. Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.”

Theo quy định trên, Công ty Thiên Kim Sang sẽ được xem là chủ nợ không có bảo đảm của Công ty Thành Đô và sẽ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản do khoản nợ đến nay đã hơn 3 tháng nhưng Công ty Thành Đô vẫn không thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho Công ty Thiên Kim Sang. Với phương thức này, Công ty Thiên Kim Sang sẽ nộp đơn đề nghị mở thủ tục phá sản tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội vì theo tìm hiểu, Công ty Thành Đô có trụ sở chính tại Hà Nội. Với phương thức này, Công ty Thiên Kim Sang có thể thu hồi phần số nợ khó đòi thông qua việc tiến hành thủ tục phát mại tài sản còn lại của Công ty Thành Đô theo thủ tục phá sản.

* Lưu ý, các hậu quả pháp lý mà Công ty Thành Đô có thể đối diện nếu Công ty Thiên Kim Sang yêu cầu mở thủ tục phá sản:

Quyết định mở thủ tục phá sản sẽ được công bố nhiều kỳ trên phương tiện thông tin

đại chúng; được gửi đến Sở kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thuế, ngân hàng và các cơ quan liên quan;

Các hoạt động, giao dịch của doanh nghiệp phải chịu sự giám sát của quản tài viên, tòa án;

Các ngân hàng nhiều khả năng sẽ ngừng cấp tín dụng hoặc yêu cầu thanh toán nợ trước hạn nếu nhận được thông tin doanh nghệp bị mở thủ tục phá sản;

Các hợp đồng (đặc biệt hợp đồng xây dựng) có nguy cơ bị chấm dứt vì một bên bị mất khả năng thanh toán, nguy cơ phá sản; đối tác lo ngại trong vấn đề hợp tác;

Doanh nghiệp bị buộc thanh lý tài sản để trả tất cả các khoản nợ đối với các chủ nợ khác kể cả chưa đến hạn thanh toán;

Doanh nghiệp bị xoá tên khi có quyết định tuyên bố phá sản;

Đại diện pháp luật của doanh nghiệp có thể bị cấm thành lập doanh nghiệp cũng như không được làm người quản lý trong vòng 3 năm kể từ ngày tòa án có quyết định tuyên bố phá sản.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425