Căng mình chống siêu bão Haiyan
(Cadn.com.vn) - Trước khi siêu bão Haiyan mạnh nhất trong lịch sử đổ bộ vào đất liền, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp tuyến bàn biện pháp ứng phó. Ở Miền Trung, Sở Chỉ huy tiền phương cũng đã được thành lập tại Đà Nẵng và cử 2 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống bão. Tựu chung, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc từ khi bão chưa đi vào biển đông. Tại các tỉnh miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng, nhóm phóng viên Báo CATP Đà Nẵng đã ghi nhận rõ sự chủ động của người dân trong việc ứng phó với bão Haiyan.
Khẩn trương di dời dân
Từ Thủ tướng Chính phủ đến các bộ ngành TƯ đều khẳng định rằng, Haiyan là cơn bão có cường độ mạnh nhất từ trước tới nay sẽ đổ bộ vào nước ta. Vì thế, các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi hộ gia đình phải chủ động vào cuộc chống bão, tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra. Từ sáng nay (9-11), các tỉnh từ Bắc miền Trung đến phía Nam, mọi cuộc họp dù quan trọng đến mấy cũng phải hoãn để dồn sức phòng chống, ứng phó với bão.
Theo Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên, đến đầu giờ chiều 9-11, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế đã bắt đầu tiến hành kế hoạch sơ tán dân từ các vùng ven biển, ven sông, thấp trũng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn. Trong đó, Đà Nẵng di dời, sơ tán hơn 20.000 hộ/73.384 khẩu tại 56 xã, phường; Quảng Ngãi gần 25.000 hộ/96.000 khẩu; Quảng Nam và Thừa Thiên Huế cũng đang tiến hành di dời trên 60.000 hộ với gần 200.000 nhân khẩu. Dự kiến, khoảng 20 giờ tối nay, công tác sơ tán dân sẽ hoàn tất. Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Nam, ngoài công tác sơ tán dân, tỉnh này còn triển khai việc đào hầm trú tránh bão. Ông Phan Văn Huyến, Chủ tịch UBND xã Điện Ngọc, Điện Bàn cho hay, do địa bàn xã nằm sát bờ biển nên bão số 11 vừa qua hầu hết nhà cửa của nhân dân bị sập, tốc mái nên để chủ động đối phó với siêu bão Haiyan, chính quyền xã đã quyết định huy động lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng và nhân dân đào nhiều đường hầm giúp dân trú ẩn khi bão vào.
Tại các địa bàn từ Thừa Thiên Huế đến Bình định, lực lượng vũ trang, CA cũng đã huy động gần 10.000 CBCS cùng gần 8.000 dân quân tự vệ giúp dân chằng chống nhà cửa và sẵn sàng trực chiến khi bão vào. Hàng trăm xe bọc thép, chuyên dụng cũng đã được sẵn sàng để phục vụ công tác phòng chống bão và khắc phục hậu quả khi bão đi qua. Tại các tỉnh phía Bắc Tây Nguyên, CBCS cũng được chuẩn bị theo chỉ đạo của Bộ tư lệnh quân khu 5 khi cần đến. Chiều 8 và sáng 9-11, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã chỉ đạo thành lập Sở Chỉ huy tại Đà Nẵng và hai Sở Chỉ huy cơ động tại Sư đoàn 315 (Núi Thành, Quảng Nam) và Bình Định để chỉ đạo công tác phòng chống bão. Trước đó, từ 12 giờ trưa 8-11, tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 5 đã cho dừng huấn luyện để chuẩn bị phương tiện xe máy, tàu thuyền, bệnh viện, trạm xá…. sẵn sàng chống bão.
Nhà nhà, ngành ngành tất bật lo siêu bão
Có thể nói rằng, điều mà các địa phương miền Trung lo ngại hiện nay là với sức tàn phá khủng khiếp như dự đoán, bão Haiyan khi đổ bộ vào đất liền sẽ đe dọa lớn đến tính mạng của người dân, nhất là những vùng sung yếu. Chính vì thế, công tác phòng chống bão đã được nhân dân miền Trung chủ động cao. Mỗi người dân đều ý thức được rằng, phòng cho chắc, chống cho kỹ.
Theo báo cáo, từ Thanh Hóa đến Bình Định, hiện có trên 100 hồ chứa nước cùng hàng chục hồ thủy điện có hiện trạng yếu, trong số đó nhiều hồ bị thấm, xuống cấp, mất an toàn. Đến sáng 9-11, đã có trên 10 hồ xả tràn và chính quyền các địa phương đã tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn. Trong khi đó nhiều đoạn đê tại sông Bồ, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế đã vỡ, đe dọa cuộc sống của nhân dân, khiến chính quyền đã phải huy động toàn dân tham gia phòng chống, khắc phục và đưa nhân dân lên vùng cao.
Nhân dân quận Liên Chiểu chủ động phòng chống bão. Ảnh-Phan Thủy |
Tại TP Đà Nẵng, công tác phòng chống bão đang được triển khai hết sức khẩn trương. Sau những thiệt hại của những cơn bão trước đó, mỗi người dân Đà Nẵng đều ý thức được rằng, công tác phòng ngừa là rất quan trọng. Theo ghi nhận của phóng viên Công Hạnh, đến sáng 9-11, Ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất đã thực hiện thông báo của UBNDTP Đà Nẵng cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn TP tạm dừng hoạt động sản xuất, cho công nhân tạm nghỉ làm việc để tránh bão. Từ giữa chiều 9-11, các chợ cũng sẽ dừng họp để đảm bảo tính mạng cho người dân và thương nhân.
Lực lượng Cty cây xanh tỉa cành cây trên đường Phan Châu Trinh phòng chống bão. ảnh: Công Hạnh |
Trong khi đó, khu âu thuyền Thọ Quang, gần 1.500 tàu thuyền cũng đã được người dân chằng chống tránh va đập làm hư hỏng khi bão vào. UBND quận Sơn Trà cũng đã tiến hành di dời hàng chục ngàn hộ dân vùng trũng thấp, ven biển đến nơi an toàn như trường học, nhà cộng đồng, khu chung cư cao tầng tránh bão. Tại các tuyến đường trung tâm TP, mỗi người dân đều ý thức lo bão cho riêng mình, từ chuẩn bị bao cát, dây thừng chằng chống nhà cửa đến chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho gia đình khi bão vào. Những cây xăng cũng đông nghịt người xếp hàng chờ đổ để tích trữ. Có thể nói rằng, đây là lần đầu tiên trong hàng chục năm qua, việc phòng chống bão ở Đà Nẵng không chỉ tập trung tại những khu vực ven biển như Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu, .. mà ngay cả tại những nhà kiên cố ở khu vực trung tâm cũng được người dân chủ động phòng ngừa bởi dự báo đây là cơn bão có sức tàn phát kinh hoàng.
Nhân dân quận Sơn Trà đưa bao cát lên mái tôn phòng chống bão. ảnh: Công Hạnh |
Trước đó, chiều 8-11, Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Phó Giám đốc CATP đã có cuộc họp với các phòng ban nghiệp vụ, CA các địa phương nhằm chỉ đạo công tác phòng chống bão Haiyan dự kiến sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền Trung trong một hai ngày tới. Đại tá Nguyễn Viết Lợi lưu ý, đây là cơn bão có cường độ mạnh nên lực lượng CATP sẽ dồn toàn quân tham gia công tác phòng chống bão nhằm giảm thiểu những thiệt hại, bởi khi bão vào đất liền sẽ kéo dài rất lâu, ảnh hưởng lớn về người và tài sản.
Ngay trong sáng 9-11, tất cả CBCS toàn CATP đã chủ động chằng chống xong nhà cửa, bảo vệ tài sản của đơn vị, gia đình mình để tập trung lực lượng cho công tác phòng chống bão theo chỉ đạo của Trung ương, lãnh đạo UBNDTP, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, nhất là các nhà mái tôn, nhà tạm. Với CA các quận huyện, phường xã, tập trung bảo vệ tốt tài sản, hồ sơ và tham mưu, hỗ trợ các địa phương trong công tác di dời dân. Lực lượng CSGT làm tốt khâu cắt đường, cấm đường QL khi có chỉ đạo. Trước mắt, tối 9-11 sẽ tập trung tuyên truyền để người dân ít ra đường, bên cạnh đó vận động các hãng taxi không vận chuyển khách.
Nhân dân xếp hàng đổ xăng đề phòng bão vào. ảnh: Công Hạnh |
Riêng CAQ Sơn Trà, Thanh Khê tổ chức vận động và cưỡng chế những ngư dân còn xuất hiện trên tàu thuyền đang neo đậu trên sông Hàn, âu thuyền, tuyến ven biển. Trại tạm giam phải chủ động phương án, tập trung lực lượng bảo vệ, tránh hư hại về tài sản, có tình huống xấu xảy ra liên quan đến phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù tại trại. Lãnh đạo CATP cũng chỉ đạo, trong những ngày này, CA các đơn vị địa phương không tổ chức hội họp, dành toàn bộ thời gian, lực lượng cũng với các lực lượng khác của TP tham gia phòng chống bão. Trong và sau bão, các đơn vị phải đề phòng bảo vệ tài sản cho dân và đề phòng người dân đi hôi của, ảnh hưởng đến tính mạng khi còn gió lớn.
Đại tá Lê Văn Tam, Phó giám đốc CATP cũng đề nghị CA các địa phương phải rà soát kỹ từng phần việc nhỏ, tuyệt đối không để khi bão vào bị thiệt hại nặng, nhất là tài liệu, giấy tờ liên quan đến hoạt động nghiệp vụ của ngành. Bên cạnh đó, tham gia đảm bảo tốt ANTT, TTATGT, giúp nhân dân ổn định cuộc sống. "Chống bão phải lấy phòng ngừa làm chính, nên tuyệt đối từng phòng ban, CA các địa phương phải chủ động ứng trực, nếu để xảy ra sự cố nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm trước Ban giám đốc và lãnh đạo TP".
Lãnh đạo CATP họp triển khai công tác phòng chống bão. ảnh: Công Hạnh |
Tại quận Liên Chiểu, theo ghi nhận của phóng viên Phan Thủy, từ sáng sớm 9-11, người dân ở Liên Chiểu đổ xô ra bãi biển thuộc tuyến đường Nguyễn Tất Thành để xúc cát vào bao, chở về chèn chống nhà cửa. Các cửa tiệm bán bao cát, dây thép, thùng nước đông nghịt người đến mua. Chợ Hòa Khánh nườm nượp lượng người vào ra mua thức ăn về dự trữ bão. Trên gương mặt ai nấy đều thể hiện sự khẩn trương, tất bật. Có thể nói, chưa bao giờ, ý thức phòng tránh bão lại được người dân chấp hành tốt như lúc này. Trước đó (chiều 8-11), sau khi lãnh đạo UBND Q.Liên Chiểu triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của lãnh đạo UBND TP về các biện pháp ứng phó với siêu bão Haiyan, lãnh đạo UBND 5 phường cùng lãnh đạo các phòng ban, đoàn thể, CA, Quân đội đã xây dựng, hoàn tất phương án, giải pháp ứng phó bão trong tối 8-11.
Nhân dân quận Ngũ Hành Sơn chủ động phòng chống bão. ảnh Lê Hùng |
Theo đó, từ 12 giờ đến 17 giờ hôm nay (9-11), gần 40.000 dân của 11.100 hộ cùng 46.000 công nhân và HS-SV đang sinh sống, học tập trên địa bàn Liên Chiểu đã được di dời đến 66 điểm trú bão an toàn. Ông Dương Thành Thị-Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu- cho biết, công tác di dời dân cũng như công tác giúp dân chèn chống nhà cửa sẽ được hoàn tất vào 17 giờ chiều cùng ngày. Sau 17 giờ, lực lượng CA, Quân đội và dân quân, dân phòng sẽ trực tiếp xuống các hộ dân trong diện phải di dời để kiểm tra; nếu phát hiện còn người ở lại sẽ tiến hành công tác cưỡng chế…Chính quyền địa phương cũng nhắc nhở, khuyến cáo và vận động các hộ có phụ nữ sắp đến kỳ sinh nở, người đang bị bệnh nên đến bệnh viện ngay trong ngày 9-11 để phòng khi bão đổ bộ vào không kịp trở tay…
Ngư dân tại Âu Thuyền Thọ Quang chằng chống tàu thuyền phòng chống bão. ảnh: Công Hạnh |
Tại địa bàn P.Hòa Khánh Bắc, ngoài việc vận động, di dời và giúp dân chèn chống nhà cửa, chính quyền còn hỗ trợ gần 100 khối cát đổ tại sân UBND P.để người dân đến chở cát mang về chèn chống nhà cửa. Ngoài ra, tại mỗi khu dân cư, UBND P.chỉ đạo chọn ra 7 thanh niên có sức khỏe tốt giúp các hộ dân có nhu cầu chèn chống nhà cửa…
Ở quận Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang, Cẩm Lệ, công tác di dời dân, giúp dân chằng chống nhà cửa cũng đã được chính quyền và nhân dân nổ lực thực hiện. Mỗi người dân đều theo dõi, cập nhận thông tin liên tục từ các phương tiện thông tin đại chúng cũng như qua hệ thống loa phát thanh để chủ động phòng chống bão...
Liên quan đến công tác phòng chống bão tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, Phóng viên Báo CATP Đà Nẵng sẽ tiếp tục cập nhật...
Công Hạnh-Phan Thủy-Lê Hùng