Sơn trà căng mình chống bão
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
(Cadn.com.vn) - Được xác định là vùng trọng điểm mà cơn bão số 14 (siêu bão Hayan) sẽ quét qua nên ngay từ chiều ngày 8-11, lãnh đạo Q. Sơn Trà đã có cuộc họp khẩn cấp với cán bộ chủ chốt các ngành của quận và 7 phường để nghe báo cáo về công tác chuẩn bị chống bão. Chủ tịch UBND P. Mân Thái cho biết: đến chiều ngày 8-11, còn 10 phương tiện nghề cá của phường chưa lên bờ, trong đó 5 phương tiện đang thu gom rớ, 5 phương tiện cách mép nước khoảng 100 mét và đang chạy vào bờ, đến tối cùng ngày, toàn bộ các phương tiện này sẽ về bờ.
Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà nghe các địa phương báo cáo và chỉ đạo việc chống bão. |
Hiện toàn phường có 175 hộ/815 nhân khẩu cần sơ tán, UBND phường đã vận động người dân di dời đến ở các nhà kiên cố hoặc nhà người thân đảm bảo an toàn; nghiêm cấm các hàng quán sơ sài, tạm bợ dọc đường Hoàng Sa không được cho người ở lại quán. Phường đã chuẩn bị 2 điểm để sơ tán dân là Trường tiểu học Quang Trung và Trường THCS Nguyễn Chí Thanh. Cũng là phường nằm sát biển, Chủ tịch UBND P. Phước Mỹ cho biết có khoảng 200 hộ/650 nhân khẩu cần di dời, trong đó phường sẽ vẫn động khoảng 100 hộ di dời tại chỗ đến các nhà kiên cố, số còn lại sẽ di dời tập trung đến 3 điểm là: Trường Chính trị thành phố, Trường cao đẳng nghề và Trường tiểu học Ngô Mây. Địa phương cũng đã hỗ trợ dây thép, bao cát giúp dân chằng chống nhà cửa.
Đại diện Đồn Biên phòng Sơn Trà cho biết đã thông báo cho 15 tàu/145 lao động trong đó 6 tàu ở vùng biển Hải Phòng, 9 tàu đánh bắt ven bờ tìm nơi trú tránh an toàn; đã phối hợp với ngư dân kéo 12 thúng đưa vào bờ. Đại diện BCHQS quận cho biết: từ sang ngày 9-11 đơn vị đã tổ chức trực 100% quân số và chuẩn bị 120 quân sẵn sàng phục vụ việc bảo vệ hồ Đồng Nghệ theo yêu cầu của quân khu. Chỉ đạo công tác phòng chống bão, đồng chí Ngô Quang Phúc, Bí thư quận ủy đề nghị lãnh đạo các ngành và địa phương phải cương quyết trong việc di dời dân và đưa tàu thuyền neo đậu đúng nơi quy định và yêu cầu mỗi phường phải chuẩn bị ít nhất 1 xe con, 1 xe bán tải, 1 máy nổ để trực, sẵn sàng làm nhiệm vụ cấp cứu khi xảy ra tình huống.
Đồng chí Bí thư quận ủy cũng yêu cầu tất cả Bí thư, phó Bí thư đảng ủy các phường phải ở lại trực chống bão tại cơ quan; các đồng chí Thường vụ Quận ủy phải bám sát các phường được phân công, cùng ăn, cùng ở để chỉ đạo chống bão. Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà Nguyễn Thái Phiên yêu cầu các phường phải liên tục thông báo trên đài về tình hình, diễn biến của bão; động viên người dân chủ động, tự giác chằng chống nhà, tàu thuyền, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại. Đối với các hộ neo đơn, gia đình chính sách, Chủ tịch UBND quận đề nghị các phường phải cử lực lượng hỗ trợ đề gia cố nhà cửa và di dời khi cần thiết. Đồng chí Chủ tịch quận yêu cầu phải đưa tất cả ngư dân lên bờ, không ai được ở lại tàu để đảm bảo tính mạng.
Người dân hối hả chống bão
Không như những cơn bão trước, lần này trước thông tin về cơn bão đặc biệt nguy hiểm, cũng như nhiều địa phương khác ở TP. Đà Nẵng, người dân Sơn Trà rất chủ động trong việc phòng chống bão. Từ chiều ngày 8 và sáng ngày 9-11, đi đến đâu cũng gặp cảnh người dân đi lấy cát, mua dây thép để chằng, chống nhà cửa. Nguồn cát xây dựng của các cửa hàng vật liệu xây dựng không đủ đáp ứng nên người dân phải tìm đến các bãi đất trống hoặc bãi biển để lấy cát, thậm chí giá hạ, đá, sạn, dùng can nhựa đựng nước… cũng được huy động để làm vật liệu chặn trên mái nhà, đề phòng bão thổi. Những công việc nặng nhọc như: kéo cát lên mái nhà, chằng buộc, bắn ốc, vít mái tôn là của cánh đàn ông, còn phụ nữ cũng chống bão theo cách của mình, đó là chuẩn bị đồ ăn, thức uống cho gia đình trong thời điểm bão.
Các cửa hàng xăng dầu và vật liệu rất đông khách. |
Theo ghi nhận của phóng viên, từ sáng sớm ngày 9-11, các chợ đã đông nghịt người. Các loại hàng như: Thịt heo, thịt bò, rau củ quả đã được các bà nội chợ chọn lựa làm thực phẩm dự phòng chống bão nên đã nhanh chóng được mua hết, mới khoảng 9 giờ sang mà chợ An Hải Đông các bàn bán thịt đã trống trơn, cá thì còn lại những loại không ngon nên những người chậm chân đành về tay không. Các mặt hàng nhu yếu phẩm khác sức mua cũng tăng gấp nhiều lần so với ngày thường như: gạo, mắm, muối, mì tôm, nến, nước lọc… tuy nhiên, giá không tăng hoặc tăng ít, do vậy nhiều mặt hàng “cháy hàng”.
Các bà nội trợ lo chuẩn bị thực phẩm cho những ngày có bão. |
Các cửa hàng bán vật liệu xây dựng cũng đông khách trong 2 ngày qua, bán chạy là bao đựng cát, dây thép, đinh ốc vít, tôn, dây buộc… phục vụ cho việc chằng chống nhà cửa của người dân. Cũng như tâm trạng lo lắng của nhiều người dân khác, ông Nguyễn Văn Dũng (P. An Hải Đông) cho biết đã đưa được hàng chục bao cát lên chặn trên mái tôn và buộc giằng các cửa sổ, cửa ra vào. Ông nói: “ Thôi thì cứ làm hết sức mình chứ nghe nói siêu bão này ghê quá, chỉ mong đỡ thiệt hại…”.
Người dân dùng cát chặn mái nhà chống bão. |
Khoảng gần 10 giờ sáng ngày 9-11, tại bờ đông sông Hàn (đoạn gần cầu Rồng) vẫn còn 2 tàu cá của ngư dân đang neo đậu. Thượng úy Nguyễn Bá Dũng và thiếu úy Trịnh Thành Long (Trạm KSBP Sông Hàn) đang làm nhiệm vụ tại đây cho biết đang liên hệ với các chủ tàu để phổ biến quy định phải di chuyển khỏi khu vực này và hướng dẫn họ đưa tàu về neo trú tại âu thuyền hoặc khu vực Hòa Xuân. Theo các cán bộ biên phòng này thì trong chiều ngày 8-11 và sáng ngày 9-11, biên phòng và các lực lượng quận Sơn Trà đã vận động hơn 100 tàu neo dọc bờ đông Sông Hàn về neo tránh tại các điểm theo quy định của thành phố để tránh thiệt hạn do bão.
Nhân viên Công ty cây xanh gia cố bảo vệ các cây cảnh dọc tuyến đường Hoàng Sa. |
BĐBP TP. Đà Nẵng hướng dẫn các tàu di chuyển khỏi sông Hàn vào nơi trú tránh an toàn. |
K.Thanh