Căng thẳng Malaysia- Triều Tiên lại tăng nhiệt
Malaysia dự kiến sẽ đóng cửa Đại sứ quán nước này tại Bình Nhưỡng sau khi đã ngừng toàn bộ hoạt động nhập khẩu hàng hóa Triều Tiên kể từ tháng 6 trong một nỗ lực nhằm chặn nguồn tiền phục vụ chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Những động thái này cho thấy quan hệ giữa hai nước, vốn là bạn bè thân thiết, đã trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây.
Cảnh sát Malaysia bảo vệ bên ngoài Đại sứ quán Triều Tiên tại Kuala Lumpur sau vụ công dân Triều Tiên Kim Chol bị sát hại hôm 23-2. Ảnh: Reuters |
Đóng cửa Đại sứ quán
Kyodo dẫn lời trợ lý giấu tên của Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman cho biết: "Bộ Ngoại giao Malaysia đề xuất Nội các quyết định". Vị này cũng xác nhận tuyên bố của ông Anifah với báo chí địa phương rằng, Bộ Ngoại giao sẽ gửi giấy giới thiệu Đại sứ quán Malaysia ở Bắc Kinh kiêm nhiệm vai trò ở Triều Tiên. Ông Anifah không nói rõ về việc có cắt đứt quan hệ ngoại giao với Triều Tiên hay không.
Quan hệ Kuala Lumpur - Bình Nhưỡng được chính thức thiết lập vào năm 1973 và Malaysia lần đầu mở Đại sứ quán tại Triều Tiên vào năm 2004. Tới năm 2006, Malaysia đã chuyển trụ sở của Đại sứ quán từ văn phòng tạm thời tại khách sạn Koryo sang một tòa nhà thường trực tại khu ngoại giao Munsudong của Bình Nhưỡng.
Hai quốc gia có mối quan hệ song phương thân thiết và nồng ấm. Thậm chí 2 bên còn miễn thị thực du lịch cho công dân hai nước cho đến khi xảy ra sự việc ám sát một công dân Triều Tiên tại sân bay Kuala Lumpur hồi tháng 2. Malaysia cho biết, người bị sát hại là ông Kim Jong-Nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un. Trong khi đó, Bình Nhưỡng cho biết công dân Triều Tiên bị sát hại là Kim Chol và bác bỏ các cáo buộc liên quan vụ án này.
Căng thẳng lên tới đỉnh điểm khi Malaysia đã trục xuất Đại sứ Triều Tiên và Bình Nhưỡng đã trả đũa bằng việc cấm các nhà ngoại giao Malaysia về nước. Triều Tiên đã ra điều kiện buộc Kuala Lumpur phải gửi trả thi thể công dân Kim Chol và cho 3 người Triều Tiên nghi có liên quan tới vụ việc hồi hương. Tháng trước, Malaysia cấm công dân tới Triều Tiên. Lệnh cấm được ban bố khoảng 2 tuần sau khi Thủ tướng Malaysia Najib Razak hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng.
Ngừng nhập khẩu hàng hóa
Theo số liệu từ Cục Thống kê Malaysia cho biết, Malaysia không nhập khẩu bất cứ hàng hóa nào từ Triều Tiên trong tháng 6, tháng 7 năm nay, sau khi nhập khẩu gần 5 triệu USD trong 5 tháng đầu năm.
Việc Malaysia ngừng nhập khẩu hàng hóa của Triều Tiên là nhắm đáp ứng lệnh trừng phạt mạnh mẽ của LHQ ban hành hồi tháng trước, trong đó tăng cường lệnh cấm xuất khẩu và phạt các Cty và cá nhân kinh doanh với Triều Tiên. LHQ hôm 11-9 cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng dệt may cũng như tất cả các liên doanh với các cá nhân hoặc tổ chức của Bình Nhưỡng. Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó còn đưa ra tuyên bố cho biết, bất kỳ Cty hoặc cá nhân nào bắt tay kinh doanh với Triều Tiên sẽ bị cấm tiếp cận hệ thống tài chính của Mỹ, bị đóng băng tài sản hoặc cả hai. Một quan chức Nhà Trắng cho biết, Malaysia cam kết với Mỹ là không làm ăn với Triều Tiên. Bộ Thương mại Malaysia hiện chưa bình luận về thông tin này.
Malaysia nhập khẩu từ Triều Tiên từ các mặt hàng lớn như than đá, thiết bị y tế và điốt phát sáng cho đến cua, mì, móc treo bằng vải và bình chữa cháy. Malaysia là một trong số ít nước gia tăng hàng nhập khẩu từ Triều Tiên trong những năm gần đây - chỉ từ 1.183 ringgit (311 USD) trong năm 2012 lên 8,2 triệu ringgit trong năm 2016. Vụ mua bán lớn nhất trong năm nay là than đá. Malaysia đã mua 3,4 triệu USD than đá và 16,6 triệu USD các sản phẩm từ than đá của Triều Tiên hồi tháng 3. Đây là lần đầu tiên Malaysia mua than từ Triều Tiên kể từ năm 2012 đến nay.
Dù ngừng nhập khẩu hàng hóa từ Triều Tiên, Malaysia vẫn tiếp tục xuất khẩu sang Bình Nhưỡng các sản phẩm dầu cọ, thực phẩm và vật tư y tế trị giá 4,4 triệu ringgit trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến 7-2017.
AN BÌNH