“Canh bạc” mới

Thứ bảy, 30/06/2018 13:05

Sau những chuỗi ngày đầy căng thẳng với Mỹ quanh thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được năm 2015 giữa Iran và các nước P5+1, Tehran cuối cùng đã quyết định khởi động lại một nhà máy hạt nhân vốn dừng hoạt động trong 9 năm qua, nhưng vẫn cam kết tuân theo các điều khoản của thỏa thuận.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Tehran chuẩn bị tăng cường năng lực làm giàu uranium sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran với các cường quốc P5+1 khiến thỏa thuận này có nguy cơ sụp đổ. Và quyết định rõ ràng là “canh bạc mới” của quốc gia Hồi giáo trong cuộc chiến với Washington.

Thứ nhất, nhà máy Isfahan, nơi sản xuất vật liệu cần thiết để làm giàu uranium, được tái hoạt động nhằm mục đích gây áp lực cho Châu Âu và những nước khác trước việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Tất nhiên, theo dự đoán, sau quyết định này của Iran, các nước phải làm gì đó để buộc Mỹ phải suy nghĩ lại. Thứ hai, đây là cách Iran vượt qua các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ. Nhiều tổ chức quốc tế đang rút khỏi các thỏa thuận hàng tỷ USD đã hứa hẹn với Tehran trong khi đồng nội tiền của quốc gia Hồi giáo đã rơi vào tình trạng rơi tự do so với đồng USD. Điều tiếp theo có thể sẽ giống như phản ứng của Iran trước cuộc đối đầu trước với phương Tây về chương trình nguyên tử gây tranh cãi của họ.

Kể từ sau quyết định gây bão của Tổng thống Trump, kéo Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran đã tìm cách gây áp lực cho các quốc gia khác để cứu thỏa thuận này. Các quan chức Iran –  từ lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei đến các bộ trưởng - đã cảnh báo về việc sẽ tăng cường khả năng làm giàu uranium. Những động thái mà quốc gia Hồi giáo này vạch ra hiện tại rõ ràng là không vi phạm thỏa thuận. Tuy nhiên, mối lo đặt ra là chính nó sẽ cho phép Iran nhanh chóng thúc đẩy chương trình hạt nhân nếu thỏa thuận lịch sử bị hủy bỏ.

Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Quan điểm cứng rắn của ông Trump, cũng như việc Mỹ yêu cầu các đồng minh ngừng mua dầu thô Iran, chỉ càng đẩy thỏa thuận hạt nhân được kỳ vọng này đến bờ vực thẳm. Lo ngại hơn nữa là những phản ứng đáp trả của Tehran. Hiện tại, Tổng thống Hassan Rouhani, một người tương đối ôn hòa, vẫn đang nắm quyền ở Iran. Chính ông cũng là người đặt bút ký thỏa thuận quan trọng trên và coi nó là di sản cầm quyền của mình. Vì vậy, khả năng ông Rouhani tự tay “kết liễu” nó là rất hiếm.

Tuy nhiên, ông Rouhani đang đối mặt với những lời chỉ trích ngày càng gay gắt từ những nhân vật bảo thủ, một số người trong số họ đã công khai kêu gọi quân đội lên nắm quyền. Mọi việc có thể sẽ bị đẩy đi xa hơn nữa, đáng lo ngại hơn nữa nếu ông Rouhani không còn nắm quyền ở Iran.

THANH VĂN