Cảnh báo tình trạng ma túy xâm nhập giới trẻ! (Kỳ cuối: Cần giải pháp đồng bộ giữa tuyên truyền và đấu tranh, ngăn chặn)

Thứ bảy, 20/11/2021 07:24

Thời gian qua, ngoài việc tăng cường công tác đấu tranh, xử lý đối với tội phạm liên quan đến ma túy, thì các cấp, các ngành tại Đà Nẵng cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên thực tế cho thấy, tình trạng thanh thiếu niên sử dụng ma túy tập thể trong các quán karaoke, cơ sở lưu trú đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, khiến dư luận lo ngại về lối sống sa ngã của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Đà Nẵng tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy trong học đường (ảnh tư liệu).

Theo Trung tá Đỗ Tiến Dũng- Đội trưởng Đội phòng ngừa, đấu tranh chống tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy (Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy- Công an TP Đà Nẵng), qua một số vụ án, vụ việc được phát hiện và xử lý cho thấy, những nhóm thanh thiếu niên bị phát hiện, bắt giữ về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong các quán karaoke thì hầu hết mục đích không phải là hát, mà sau khi thuê phòng hát là bật nhạc hết công suất và tổ chức sử dụng các chất ma túy, chủ yếu là ma túy tổng hợp hoặc thuốc lắc.

Nguyên nhân của tình trạng trên thì có nhiều, nhưng nổi lên là do một số thanh thiếu niên tuổi đời còn rất trẻ (có đối tượng chỉ từ 14 tuổi) thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình nên bị lôi kéo, dễ tìm đến ma túy tổng hợp nhằm giải tỏa buồn chán, tìm cảm giác mạnh.Bên cạnh đó, vẫn có tình trạng một bộ phận thanh thiếu niên, học sinh còn tiêm nhiễm lối sống đua đòi, hưởng thụ, lấy sử dụng ma túy làm thước đo “thời thượng” của sự ăn chơi, thể hiện với bạn bè.

Ngoài ra có một nguyên nhân quan trọng dẫn đến thực trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp là do nhận thức sai lệch về tác hại của ma túy tổng hợp. Không ít thanh thiếu niên đến nay vẫn cho rằng các loại ma túy tổng hợp không phải ma túy hoặc cùng lắm nó chỉ kích thích thoáng qua cho những cuộc vui liên hoan, sinh nhật. Hơn thế, nhiều người còn cho rằng, ma túy tổng hợp giúp giảm cân, tỉnh táo, giảm mệt mỏi do làm việc nhiều, nhất là khi ôn thi căng thẳng, lại không lên cơn nghiện, không vật vã như thuốc phiện, heroin… Rất nhiều thanh thiếu niên trở thành người nghiện bắt đầu từ những lần đầu tiên sử dụng ma túy theo lối suy nghĩ sai lệch này.
Về mặt chủ quan là vậy, còn về khách quan, theo Trung tá Dũng, giới trẻ cũng thường mất cảnh giác trước những thủ đoạn tinh vi của bọn tội phạm như lợi dụng sự phát triển mạng Internet để quảng cáo, môi giới, tổ chức thành sử dụng ma túy. Tội phạm ma túy cũng rất giỏi nắm bắt tâm lý giới trẻ khi cho ma túy vào trà sữa, nước xoài; chế ra bùa lưỡi tem giấy, nước vui với hình thức “bắt mắt, hấp dẫn”. Biết tính tò mò, hiếu kỳ của thanh thiếu niên, chúng cho dùng thử, khuyến mãi, lần đầu không lấy tiền hoặc gán nợ bằng tài sản…

Tội phạm ma túy còn tìm cách tiếp cận các học sinh chơi bời, sống buông thả, gia đình khá giả hoặc có vấn đề trục trặc, thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý… để lôi kéo, dụ dỗ các em sử dụng ma túy. Sau đó thông qua các học sinh đã nghiện, dụ dỗ, lôi kéo bạn bè khác đến với ma túy, càng nhiều ngườicàng được thưởng nhiều ma túy theo kiểu “bán hàng đa cấp”…

Ông Lương Vĩnh Thái- Chi cục trưởng Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH) thành phố Đà Nẵng cho biết, khi không có kỹ năng nhận biết, phân biệt các loại ma túy, cơ chế gây nghiện và tác hại của chúng, nhận biết hành vi, thủ đoạn của bọn người xấu, đặc biệt là không được phổ biến, giáo dục một cách bài bản, căn cơ các kỹ năng sống và kỹ năng phòng ngừa ma túy tích cực thì thanh thiếu niên sẽ lúng túng trước các thử thách, thiếu bản lĩnh để vượt qua, chiến thắng bản thân khi đối diện với ma túy.

Để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi gia đình, đặc biệt là bản thân các em học sinh, sinh viên đối với ma túy và tác hại của ma túy, hằng năm, Chi cục thường xuyên phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức các buổi tuyên truyền, các chương trình ngoại khóa về phòng chống ma túy thông qua các cuộc mít-tinh, nói chuyện chuyên đề, phổ biến kiến thức, sinh hoạt tập thể… 

Theo ông Thái, vai trò của gia đình rất quan trọng, thậm chí mang tính quyết định trong công tác phòng, chống ma túy. Vì vậy, mỗi gia đình cần tích cực giáo dục thành viên trong gia đình, thân nhân về tác hại của ma túy và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn thành viên trong gia đình tham gia tệ nạn ma túy. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn với các hành vi trái phép về ma túy của thân nhân và của người khác. 

Bên cạnh việc trang bị kiến thức phòng tránh cho giới trẻ, các lực lượng chức năng cần ngăn chặn, xử lý kịp thời các cơ sở lưu trú, nhà hàng hoạt động có giấy phép nhưng tìm đủ chiêu trò để qua mặt cơ quan chức năng chèo kéo khách sử dụng chất gây nghiện. Lực lượng công an cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa xã hội, tổ chức phát động rộng rãi phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm, tệ nạn ma túy nói riêng.

D.N.H