Cảnh giác, đấu tranh trước những thông tin sai sự thật
Có thể nói, kể từ sau đại dịch HIV/AIDS chưa bao giờ dịch bệnh khác lại tác động trên quy mô toàn cầu như Covid-19 hiện nay. Cho dù số người chết và nhiễm bệnh không bằng một số dịch bệnh khác ở Châu Phi, nhưng sự lây lan của Covid-19 đã lên đến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phương án cách ly và tổ chức đưa các du khách Hàn Quốc về nước đã được chính quyền Đà Nẵng thảo luận, thống nhất với Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc (Trong ảnh: kiểm tra thân nhiệt, giám sát dịch tễ du khách nhập cảnh tại sân bay Đà Nẵng). |
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, cộng đồng dân cư, các phương tiện truyền thông và mạng xã hội… nhằm thông tin cho mọi người biết về Covid-19 để cùng tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh, thì một “cơn dịch” thông tin một cách mơ hồ, sai sự thật về Covid-19 của một số cá nhân trên các trang mạng xã hội, một số trang điện tử, kể cả kênh truyền hình… do cố tình hoặc vô ý thức cũng diễn ra không kém phần nguy hiểm cho mọi người.
Ngay trên địa bàn Đà Nẵng, trong những ngày qua cũng xảy ra những vụ việc đáng tiếc xung quanh Covid-19, mà chủ yếu liên quan đến du khách Hàn Quốc. Việc thứ nhất là ngày 24-2 có chuyến bay từ Deagu (Hàn Quốc) chở 80 khách nhập cảnh Đà Nẵng, trong đó 22 du khách Hàn Quốc và Thái Lan. Nhằm bảo vệ an toàn du khách và cộng đồng theo quy định của Ủy ban phòng dịch Covid-19 Việt Nam, chính quyền TP Đà Nẵng đã đưa ngay số khách là người Việt Nam về một khu cách ly do thành phố lập ra tại Trung tâm huấn luyện dự bị động viên Đồng Xanh- Đồng Nghệ. Còn riêng số du khách quốc tế là người Hàn Quốc đã được đưa về khu vực cách ly bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Với trách nhiệm của mình, chính quyền TP Đà Nẵng đã làm hết sức mình cả về vấn đề cách ly, thảo luận, trao đổi với du khách và đại diện Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán của Hàn Quốc để tìm ra phương án tốt nhất mà hai bên có thể chấp nhận được, đồng thời, cũng đảm bảo chế độ ăn uống, sinh hoạt cho du khách trong thời điểm cách ly. Thậm chí Chủ tịch TP Đà Nẵng đã có thư gửi cho đoàn du khách Hàn Quốc để bày tỏ tình cảm và chia sẻ về vụ việc không mong muốn do mối đe dọa của Covid-19 gây nên, và hy vọng sẽ sớm đón du khách trở lại. Bởi cho đến thời điểm hiện tại TP Đà Nẵng vẫn là điểm đến an toàn cho du khách trong và ngoài nước.
Thế nhưng, 20 du khách không chấp nhận phương án cách ly (có 2 người đồng ý ở lại cách ly tại Đà Nẵng), sau khi trở lại Hàn Quốc trong chuyến bay đặc biệt một ngày sau đó do TP Đà Nẵng thu xếp mà không đòi hỏi bất cứ chi phí nào, thì một số người trong đoàn du khách đã nói sai sự thật về quá trình xử lý vụ việc của chính quyền Đà Nẵng với phóng viên đài truyền hình YTN News (Hàn Quốc).
Thế nhưng, một điều rất đáng tiếc là thông tin không được kiểm chứng và chỉ nghe một chiều, bản tin của đài truyền hình YTN News ngày 25-2 đã chuyển tải đến công chúng với các nội dung chủ yếu: chê bai rằng cơ sở vật chất trong khu cách ly nghèo nàn, rằng họ chỉ được ăn “vài mẩu bánh mì” và bị “giam cầm” nghiêm ngặt ?!
Ngay lập tức nó đã gây sự phản ứng gay gắt của các phương tiện truyền thông và cộng đồng mạng nhất là người dân Đà Nẵng và Việt Nam về thông tin sai sự thật của du khách cũng như việc làm thiếu chuyên nghiệp của phóng viên đài truyền hình YTN News.
Vụ thứ hai là trước đó mấy ngày, trang thông tin điện tử Afamily.vn, với bài “Đi du lịch Đà Nẵng, người đàn ông Hàn Quốc vừa về nước đã tử vong bất thường, nghi nhiễm virus Covid-19 khiến 12 người bị cách ly theo”.
Nhưng thực tế cho thấy, người đàn ông này sau khi đi du lịch ở Việt Nam, mà cụ thể là Đà Nẵng trở về Hàn Quốc thì phải đến cấp cứu tại Trung tâm y tế Busan, quận Yeonju, TP Busan do bị đau ngực và tử vong vào ngày 17-2. Trung tâm y tế Busan sau đó đã tiến hành xét nghiệm nạn nhân có nhiễm virus Covid-19 hay không và cách ly 12 người khác liên quan… Kết luận y tế cho kết quả âm tính với Covid-19 đối với du khách này. Nên 23 giờ cùng ngày, trên trang afamily.vn đã xóa bài viết.
Nhưng một điều đáng nói ở đây là thông tin nói trên không chỉ xuất hiện ở trang Afamily.vn mà nhiều trang điện tử khác của Việt Nam lẫn Hàn Quốc, Nhật Bản… chia sẻ, đăng lại thông tin với các tiêu đề không rõ ràng, mơ hồ để người đọc có thể nhầm tưởng rằng Đà Nẵng đang có Covid-19 trong cộng đồng, đã lây sang cho du khách nước ngoài. Trong khi đó, Đà Nẵng chưa phát hiện có người bị nhiễm Covid-19 mà chỉ trong quá trình phòng, chống và cách ly người đến từ vùng dịch, hoặc những người nghi nhiễm.
Những việc làm nói trên của một số người, một số trang thông tin điện tử, kể cả truyền hình là hết sức đáng lo ngại, không những gây khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền, trong chiến dịch phòng, chống Covid-19 của lực lượng chuyên trách, cũng như sự bình an của người dân trước mối đe dọa mang tính toàn cầu hiện nay.
Điều đó cho thấy, mọi người chúng ta hãy hết sức nêu cao tinh thần cảnh giác, cập nhật vào các kênh thông tin chính thống về Covid-19 nói riêng, các vấn đề khác nói chung, tuyệt đối không chia sẻ, tán phát, hoặc bình luận thông tin giả mạo, sai sự thật, chưa được kiểm chứng. Bởi những thông tin sai trái nó không những gây phương hại nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, tác động xấu đến cộng đồng dân cư, mà bản thân cũng sẽ bị xử lý do những hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tuyết Minh