Cảnh giác với chiêu trò giả danh Cục Cảnh sát điều tra chiếm đoạt tài sản

Thứ ba, 09/07/2019 12:39

Gọi điện đến xưng danh là Cục Cảnh sát điều tra, cho rằng chủ nhân có liên quan đến một nhóm tội phạm rửa tiền, trong đó có cả nhân viên ngân hàng và cán bộ Công an đã bị bắt và yêu cầu chủ nhân phải đưa toàn bộ số tiền trong tài khoản hay sổ tiết kiện để chúng giải quyết, không thì sẽ bị bắt…  Bằng thủ đoạn này, chỉ trong thời gian ngắn, nhóm lừa đảo đã thực hiện một số vụ tại TP  Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) nhưng không thành, đề nghị nhân dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác.

Anh Lê Minh Thể (áo trắng), người bị nhóm giả danh Công an đe dọa để lừa đảo nhưng không thành.

Ngày 2-7-2019, một nhóm đối tượng tự xưng là nhân viên bưu điện và cán bộ Cục Cảnh sát điều tra, trụ sở tại Hà Nội, gọi điện cho anh Lê Minh Thể (1963, trú tổ 17, P. Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi) cho rằng anh đã tham gia và bán một tài khoản Vietcombank với giá 100 triệu đồng cho nhóm tội phạm rửa tiền; đề nghị anh Thể phải rút toàn bộ số tiền cho chúng, không anh sẽ bị bắt…

Anh Thể chia sẻ: "Ban đầu, có một số điện thoại bàn gọi tới tôi, với số 0255.823336, giọng nữ, giới thiệu là nhân viên bưu điện, bảo rằng tôi có bưu phẩm là phiếu nợ hơn 12 triệu đồng từ một thẻ tín dụng ở Hà Nội. Mặc dù tôi khẳng định là không có thẻ tín dụng nào ở Hà Nội, tuy nhiên, nhân viên này tiếp tục chuyển máy cho một người đàn ông, giới thiệu là thiếu úy Trần Mạnh Quân ở Cục Cảnh sát điều tra ở Hà Nội, đề nghị tôi cung cấp toàn bộ thông tin số tài khoản và thẻ tín dụng để họ giúp đỡ vì cho rằng tôi là nạn nhân. Nhưng sau khi cung cấp, vị này cũng cho biết thêm là tôi đã tham gia và bán một tài khoản Vietcombank với giá 100 triệu đồng cho nhóm tội phạm rửa tiền vào ngày 26-4-2019, có đến 526 đối tượng, hiện Công an đã bắt 26 đối tượng trong đó có cả nhân viên ngân hàng và người của Công an. Đây là vụ án có liên quan đến Công an nên đề nghị tôi phải giữ bí mật và đưa ra 2 điều kiện. Một là rút toàn bộ số tiền trong tài khoản và sổ tiết kiệm tại các ngân hàng để cho người của chúng đến niêm phong. Hai là tôi sẽ bị bắt tạm giam trong vòng 3 tháng để tiếp tục điều tra. Nếu tôi không chấp hành, sẽ gọi 113 đến bắt ngay. Đáng nói, đối tượng đã giả số máy 113 để đe dọa và một trang thông tin trên mạng gồm số điện thoại và trụ sở của Công an TP Hà Nội để tạo sự tin cậy cho nạn nhân".

Quá trình thực hiện hành vi lừa đảo, nhóm đối tượng còn đóng vai cả trung tá Cục Cảnh sát Hình sự và Cảnh sát 113 Quảng Ngãi, nhưng với tinh thần cảnh giác cao, anh Thể đã không chấp nhận các điều kiện của chúng. Tuy nhiên, qua vụ việc, anh Thể chia sẻ thêm: "Nhóm đối tượng này rất táo tợn, chúng dùng đủ mọi cách để đe dọa, trấn áp tinh thần, nếu người dân nào nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác sẽ bị mất tiền ngay..."

Trước đó, 2 người dân ở P. Chánh Lộ (TP Quảng Ngãi) cũng bị một nhóm đối tượng xưng danh là Cảnh sát Kinh tế và Cảnh sát Hình sự của Công an TPHCM  đe dọa, cho rằng họ liên quan đến một vụ án kinh tế nghiêm trọng, yêu cầu người dân phải chuyển 500 triệu đồng qua 1 tài khoản ở tỉnh Đồng Nai để giải quyết, nếu không chuyển sẽ bị bắt. Vụ việc đã được CAP Chánh Lộ ngăn chặn. Trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 6 vụ việc lừa đảo với thủ đoạn giả danh Công an tương tự.

Đây là hình thức lừa đảo cũ nhưng nạn nhân mới, nên đề nghị nhân dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng như: cung cấp số tài khoản, địa chỉ cơ quan, doanh nghiệp, hoặc chuyển tiền qua tài khoản mà các đối tượng cung cấp. Đồng thời báo nhanh vụ việc đến Công an gần nhất.

VĂN NAM