Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, facebook

Thứ ba, 23/04/2019 13:35

Những chiêu lừa tinh vi

Ngày 18-4, Thượng tá Trần Ngọc Sơn- Trưởng phòng CSHS CA tỉnh Gia Lai, cho biết: Trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xuất hiện một số vụ việc liên quan đến loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, điện thoại hết sức tinh vi. Trong đó, thủ đoạn mới xuất hiện gần đây ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đó chính là giả mạo điều tra viên, kiểm sát viên.

Khi tham gia mạng xã hội, người dân cần cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo của các loại tội phạm lừa đảo.

Theo đó, bằng thủ đoạn giả danh nhân viên các Cty viễn thông, nhà mạng gọi điện thoại cho nạn nhân, đưa ra lý do nạn nhân đang nợ số tiền cước viễn thông rất lớn. Từ đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân phải cung cấp thông tin về nhân thân, lai lịch, số CMND, số tài khoản ngân hàng để đối chiếu. Nhiều nạn nhân đã mất cảnh giác, đưa toàn bộ thông tin cá nhân của mình cho các đối tượng tội phạm. Khi đã có đầy đủ thông tin cá nhân, các đối tượng gọi điện cho nạn nhân tự xưng là điều tra viên, kiểm sát viên thông báo cho nạn nhân đang liên quan đến một vụ án lớn (như buôn bán ma túy, rửa tiền, lừa đảo). Thậm chí, có trường hợp các đối tượng giả mạo cả giấy tờ cơ quan CA, VKS gửi đến nạn nhân. Sau đó, các đối tượng này yêu cầu nạn nhân chuyển toàn bộ số tiền đang có trong tài khoản của nạn nhân sang tài khoản của đối tượng để thẩm tra, xác minh rồi chiếm đoạt.

Mới đây, đầu tháng 4-2019, ông Nguyễn Ngọc T. (trú TX An Khê, Gia Lai) trở thành nạn nhân của loại tội phạm trên. Ông T. cũng nhận được cuộc gọi điện của các đối tượng tự xưng là sĩ quan thuộc Bộ CA đang điều tra vụ án ma túy lớn, trong đó ông T. có liên quan và yêu cầu ông T. chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản về Bộ CA để điều tra. Nếu không liên quan, toàn bộ số tiền trên sẽ được trả lại. Tin lời, ông T. đã chuyển 350 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng. Sau khi chuyển tiền vào tài khoản cho các đối tượng, nạn nhân mới sực tỉnh trước những vấn đề bất bình thường, bởi nạn nhân chưa hề vi phạm pháp luật lần nào cũng như không liên quan đến vụ án lớn nào như lời của các đối tượng lừa đảo. Chỉ đến khi đến cơ quan Công an trình báo, nạn nhân mới vỡ lẽ mình đã “sập bẫy” chỉ vì thiếu cảnh giác.

Trước đó, vào tháng 3-2019, có 2 đối tượng nam và nữ đã gọi điện đến số điện thoại bàn của bà Nguyễn Thị M. (trú P. Diên Hồng, TP Pleiku, Gia Lai) tự xưng là cán bộ CA đang điều tra một vụ buôn bán ma túy xuyên quốc gia mà bà M. có liên quan. Sau đó, các đối tượng yêu cầu bà M. gửi toàn bộ số tiền tiết kiệm hiện có vào tài khoản ngân hàng của đối tượng để xác minh, nếu không có liên quan đến vụ án sẽ chuyển trả lại. Mất cảnh giác, bà M. đã chuyển số tiền hơn 534 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng.

Một thủ đoạn tinh vi hơn của các đối tượng đấy là sử dụng các trang web giả mạo do chúng tạo nên tương tự các trang web chuyển tiền quốc tế khiến nạn nhân sập bẫy. Từ các trang web rao bán, các đối tượng nắm bắt được người bán hàng đang có nhu cầu bán hàng (thường là nhà đất), các đối tượng đề nghị nạn nhân cung cấp số điện thoại cá nhân, số tài khoản để gửi tiền đặt cọc trước. Sau đó, các đối tượng gửi link trang web giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế (do các đối tượng tạo ra) yêu cầu nạn nhân nhập số điện thoại, mã OTP (mật mã tài khoản) để nhận tiền đặt cọc. Khi nạn nhân nhập vào thì quyền truy cập tài khoản đã bị các đối tượng chiếm đoạt và rút tiền của nạn nhân.

Đơn cử, tháng 3-2018, bằng thủ đoạn trên, các đối tượng trên đã lừa đảo, chiếm đoạt của anh Đặng Văn Q. (trú TP Pleiku, Gia Lai) số tiền hơn 100 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của anh Q.

Lừa đảo trên mạng xã hội

Với sự phát triển của mạng xã hội trong thời gian qua, các đối tượng lừa đảo cũng lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân, như: giả người nước ngoài, làm quen tặng quà; giả bán hàng online; giả nhà mạng nhắn tin trúng thưởng; chiếm quyền đăng nhập tài khoản cá nhân, mạo nhận người thân mua thẻ cào điện thoại…

Trong quá trình sử dụng facebook, chị Nguyễn Thị S. (trú Gia Lai) kết bạn, làm quen với một đối tượng sử dụng facebook có tên "Zdy". Đến ngày 27-3-2019, đối tượng "Zdy" nhắn tin, đề nghị chị S. cung cấp thông tin cá nhân để gửi cho chị gói quà, trong đó có 640.000 USD và một số tài sản khác. Mừng vui vì được nhận quà “khủng”, chị S. nhanh chóng đồng ý. Hôm sau, một đối tượng tự xưng là nhân viên sân bay Nội Bài, gọi điện thoại cho chị S., thông báo gói quà mà chị nhận có chứa nhiều tiền nên phải đóng tiền phạt, tiền làm giấy tờ chống rửa tiền, tiền phí... mới được nhận quà. Tin tưởng, chị S. đã chuyển vào tài khoản của đối tượng số tiền 313 triệu đồng và mất trắng.

Cũng trên trang mạng xã hội facebook xuất hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo khác. Như thủ đoạn cũ là giả nhà mạng nhắn tin đến nạn nhân trúng thưởngnhư: xe máy Liberty, xe SH, 100 triệu đồng hoặc tặng 1 năm sử dụng xăng miễn phí… nhưng nhiều người vẫn “dính” bẫy. Nạn nhân khi làm thủ tục “nhận thưởng”, các đối tượng yêu cầu nạp tiền hoặc nạp thẻ cào điện thoại rồi chiếm đoạt. Thủ đoạn khác tinh vi hơn là các đối tượng sử dụng các phần mềm nhằm chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội: facebook, zalo… của nạn nhân. Sau đó, chúng đọc các tin nhắn cũ rồi học cách nói chuyện giống như chủ tài khoản rồi liên hệ người thân, bạn bè nhờ chuyển tiền, nạp thẻ cào điện thoại. Nạn nhân tưởng là bạn bè, người thân của mình đang gặp khó khăn đã nạp tiền cho các đối tượng lừa đảo.

Thượng tá Trần Trọng Sơn khuyến cáo: "Với các thủ đoạn như trên, người dân cần nâng cao cảnh giác. Không nên nghe theo hướng dẫn của các đối tượng, mà nên kịp thời thông báo đến cơ quan CA nơi gần nhất. Đặc biệt, tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho các đối tượng mà mình không biết. Đồng thời, có biện pháp bảo vệ, bảo mật các tài khoản ngân hàng, tài khoản cá nhân của mình tránh để các đối tượng chiếm đoạt".

MINH TÂN