Cấp thiết chỉnh lý trưng bày hiện vật Bảo tàng Điêu khắc Chăm

Thứ năm, 19/11/2015 09:22

(Cadn.com.vn) - Là bảo tàng nổi tiếng với những hiện vật độc nhất vô nhị, hằng năm thu hút hàng ngàn du khách trên khắp thế giới đến tham quan, thế nhưng Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vẫn còn nhiều bất cập trong việc sắp xếp các phòng trưng bày, gây khó cho khách tham quan.

Trưng bày đơn giản

Được xây dựng từ năm 1915 đến nay Bảo tàng Điêu khắc Chăm tròn 100 tuổi. Sự cổ kính và những hiện vật Chăm độc đáo đã làm nên danh tiếng của bảo tàng, nhưng buồn thay, việc trưng bày những hiện vật dường như vẫn không được thay đổi nhiều. Những hiện vật Chăm được người Pháp thu gom từ các di tích Chămpa ở miền Trung được trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm lần đầu tiên vào năm 1919.  Tổng số hiện vật được bảo tàng kiểm kê lúc đó là 268, trong đó nhiều nhất là có nguồn gốc từ Trà Kiệu, Mỹ Sơn.

Phương thức trưng bày là đặt hiện vật trên bục xi-măng hoặc gắn vào tường, nhấn mạnh ở vẻ đẹp, vẻ ấn tượng của tác phẩm hơn là tiêu chí về địa điểm niên đại của hiện vật. Đến năm 1936, sau 2 cuộc khảo cổ lớn ở Trà Kiệu và Tháp Mẫm, Bảo tàng Điêu khắc Chăm được mở rộng để trưng bày. Lần này việc trưng bày hiện vật được tập trung theo từng phòng, căn cứ theo niên đại và xuất xứ. Hiện vật được chọn lựa trưng bày chứ không trưng bày toàn bộ, các phòng trưng bày chính gồm Mỹ Sơn, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Định, Tháp Mẫm, Trà Kiệu, Đồng Dương. Việc bố trí các phòng trưng bày này gần như được giữ nguyên mãi đến năm 2000.

Đến năm 2004, Bảo tàng Điêu khắc Chăm lần đầu tiên được hiện đại hóa trưng bày khi Quỹ đoàn kết ưu tiên của Pháp tài trợ thực hiện dự án Phát huy di sản bảo tàng Việt Nam (FSP). Lần này các chuyên gia nước ngoài tư vấn một lộ trình tổng thể, theo đó sẽ có  một điểm vào và một điểm ra, trật tự các phòng trong lộ trình tham quan dựa vào tiêu chí niên đại sớm hoặc muộn của các bộ sưu tập, tập trung vào 4 bộ sưu tập lớn là Mỹ Sơn, Đồng Dương, Trà Kiệu, Tháp Mẫm. Tuy nhiên dự án này chỉ thực hiện được 2 phòng trưng bày là phòng Mỹ Sơn và Đồng Dương, những phòng còn lại thì không có điều kiện để thực hiện. Nhắc lại như vậy, để thấy rằng việc chỉnh lý trưng bày hiện vật ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm vẫn không được thay đổi nhiều qua thời gian.

Nhìn nhận việc trưng bày hiện vật còn nhiều nhược điểm, ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho biết, kiến trúc của bảo tàng đã có nhiều hư hỏng, tường thấm dột, nền gạch cũ, thiếu thiết bị chiếu sáng. Hiện vật vẫn được trưng bày trên bục xi- măng cũ, số khác được gắn vào tường không đảm bảo yêu cầu chống ẩm. Lộ trình tham quan thiếu tính liên kết, ví như phòng trưng bày Tháp Mẫm là tiêu biểu cho một giai đoạn phát triển muộn của nghệ thuật Chăm, tuy nhiên lại ở vị trí phía trước phòng trưng bày Mỹ Sơn hay Đồng Dương, nếu du khách bắt đầu tham quan từ phòng Tháp Mẫm thì khó cho việc thuyết minh, ngược lại nếu tham quan xong phòng Mỹ Sơn, Đồng Dương rồi quay lại Tháp Mẫm thì phải lặp lại lộ trình. "Với việc trưng bày như hiện nay, Bảo tàng Điêu khắc Chăm không tạo được lộ trình hợp lý và chưa đáp ứng yêu cầu tìm hiểu giá trị hiện vật cho du khách, chưa làm nổi bật được vẻ đẹp của hiện vật. Nhìn chung cách trình bày còn đơn giản"-ông Thắng nói.



Việc sắp xếp hiện vật chưa hợp lý ở Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng
khiến du khách gặp khó khăn khi tìm hiểu về các hiện vật Chăm.

Cấp thiết chỉnh lý trưng bày

Vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt chủ trương dự án xây dựng, nâng cấp, cải tạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm với chi phí là hơn 44 tỷ đồng. Trong đó việc sắp xếp lại không gian các phòng trưng bày được chú trọng. Ông Thắng cho biết đã xây dựng kế hoạch chỉnh lý trưng bày Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Theo đó sẽ giữ nguyên vị trí và cách thức trưng bày hai phòng Mỹ Sơn và Đồng Dương do dự án FSP thực hiện, xem đó như hai phòng trưng bày mẫu để khớp nối các phòng trưng bày khác vào lộ trình chung.

"Từ năm 2004, các chuyên gia Pháp đã đề xuất một lộ trình tham quan tổng thể, dù hiện nay một số điều kiện thực tế đã thay đổi nhưng chúng tôi sẽ kế thừa kết quả nghiên cứu của họ, chỉ điều chỉnh bổ sung một số chi tiết phù hợp. Chúng tôi duy trì không gian của phòng Trà Kiệu và bổ sung phòng trưng bày Đà Nẵng bởi sau các cuộc khai quật khảo cổ di tích Chăm tại thành phố Đà Nẵng thời gian qua đã thu được nhiều hiện vật mới, đủ để trưng bày một bộ sưu tập riêng. Sau khi chỉnh lý trưng bày thì lộ trình tham quan tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm sẽ bắt đầu từ phòng đón tiếp, đi qua các phòng trưng bày chính là Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Đồng Dương, Tháp Mẫm, các bộ sưu tập và phòng chuyên đề được sắp xếp lồng ghép để bổ sung một cách hợp lý cho lộ trình tham quan của du khách"-ông Thắng nói.

PGS, TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng, việc chỉnh lý trưng bày Bảo tàng Điêu khắc Chăm là điều cấp thiết cần phải thực hiện, bởi không thể mãi trưng bày các hiện vật Chăm theo lối cũ. "Tôi cho rằng ngoài các tuyến tham quan chủ đạo, thì việc bổ sung phòng trưng bày Đà Nẵng hay các phòng chuyên đề là cần thiết, tạo sự phong phú cho nội dung trưng bày của bảo tàng. Tuy nhiên, cần nghiên cứu tuyến tham quan phù hợp, có thông tin hướng dẫn chi tiết để du khách tìm đến những hiện vật hay phòng trưng bày mà họ thích thú. Ngoài ra trong mỗi phòng trưng bày, cần phải chọn được hiện vật trọng tâm, làm nổi bật vẻ đẹp của hiện vật, giúp người xem dễ cảm thụ và hiểu rõ nội dung của hiện vật"-ông Bài nói...

Mỗi hiện vật ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng kể một câu chuyện lịch sử, văn hóa và nghệ thuật điêu khắc của người Chăm xưa, vì vậy sẽ tốt hơn nếu chúng được sắp xếp trong một lộ trình hợp lý, khoa học, giúp du khách trải nghiệm về nền văn hóa Chămpa cổ xưa.

Minh Hà