Cây cầu huyền thoại
(Cadn.com.vn) - Trong nắng hè ràn rạt, tôi tìm về cầu Ông Nở, một địa danh nổi tiếng về lòng quả cảm của nhân dân xã Đại Thắng, H.Đại Lộc, Quảng Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Đứng trên cầu nhìn ra phía xa xa thấy từng đàn cò trắng muốt sải cánh chao liệng trên cánh đồng trống vắng đẹp như tranh. Những làn khói rơm từ các thửa ruộng khô nứt nẻ theo cơn gió đồng nhè nhẹ hòa vào bầu trời trong veo càng làm cho cảnh trưa nơi đây thật yên ả, thanh bình. Và cũng ngay tại nơi này, vào những tháng ngày trên chiến trường Quảng Đà ngập chìm trong khói lửa đạn bom khốc liệt, cánh đồng của thôn Long An và Phú Bình, xã Đại Thắng cũng là mảnh đất thiêng chôn vùi thây xác quân ngoại bang cướp nước.
Ngày ấy, hai thôn Long An và Phú Bình nối nhau bằng chiếc cầu tre lắt lẻo băng qua lạch nước rộng chừng 10 mét. Hai bên cầu là cánh đồng trống trải, rất ít mái nhà tranh lúp xúp dưới những rặng tre ở khá xa cầu. Ngày 22-6-1967, Trung đoàn 51 lính thủy đánh bộ Mỹ đổ quân mở đợt càn quét với quy mô lớn các xã vùng B Đại Lộc. Nhận định quân Mỹ sẽ triển khai lực lượng hành quân từ xã Đại Cường qua xã Đại Thắng, Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn R20, tỉnh đội Quảng Đà Huỳnh Đức Công, người con anh hùng của P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng đã trực tiếp lên phương án và chỉ huy trận phục kích địch.
Dựa vào địa thế cầu Ông Nở, lực lượng Đại đội 1, phối hợp với Huyện đội Đại Lộc và du kích xã Đại Thắng bí mật đào công sự, giao thông hào ở thôn Long An, nơi cận kề cầu Ông Nở rồi dàn đội hình ngụy trang phục kích. Đúng như nhận định, rạng sáng ngày 14-7-1967, lính Mỹ ồ ạt tràn qua cầu Ông Nở. Đợi cho lực lượng của chúng có 2/3 quân số qua cầu, thì lệnh tấn công xuất phát. Bị đánh phủ đầu bất ngờ, quân địch rơi vào tình thế bị động, do đó số quân Mỹ đã tiến qua cầu bị tiêu diệt hoàn toàn, những tên lính Mỹ đang còn ở phía bên kia cầu chạy tán loạn trở lại thôn Phú Bình, sau đó co cụm về Vĩnh Điện, H.Điện Bàn để củng cố lực lượng.
![]() |
Bia di tích lịch sử cầu Ông Nở. |
Bị thua đau, Mỹ-ngụy tăng cường đánh phá càng ác liệt hơn. Bất kể sáng, trưa, mưa, nắng, bom đạn của địch trút xuống càng dày đặc, vườn tược, ruộng đồng của Đại Thắng mờ mịt lửa đạn, làng mạc, xóm thôn tiêu điều, xơ xác, cái chết luôn lơ lửng trên đầu những người dân trụ bám nơi đây. Càng mất mát, đau thương, quân và dân xã Đại Thắng càng nung nấu ý chí căm hờn, kiên quyết không chịu khuất phục trước họng súng dã man của kẻ thù, tiếp tục lập nhiều chiến công hiển hách.
Ngày 2-11-1967, Tiểu đoàn 3 của Mỹ lại mở đợt càn quét về các xã vùng B Đại Lộc. Du kích xã Đại Thắng cùng với Huyện đội và Đại đội 1, Tiểu đoàn R20 đã chia nhiều cánh quân phục kích các khu vực gần cầu Ông Nở. Mùa mưa, nước cánh đồng thôn Long An, Phú Bình trắng xóa càng làm cho việc di chuyển quân thêm khó khăn. Nhiều bộ đội, du kích phải núp mình trong những đám lau, sậy um tùm, ngâm người trong nước lạnh suốt ngày, mặc cho bầy đỉa đói bu bám, hút máu lở loét vẫn không rời vị trí chiến đấu.
Khi bọn địch tiến đến cầu Ông Nở, quân ta từ mặt nước trồi lên, từ các lùm cây ven đường xông ra như những thiên thần, nổ súng. Cuộc chiến đấu diễn ra dai dẳng gần 6 ngày đêm. Bầu trời xã Đại Thắng như bị xé toạc ra từng mảnh bởi tiếng pháo chi viện của quân địch, tiếng gầm rú của máy bay lên thẳng phóng từng tràng rốc-két. Một lần nữa, cánh đồng Long An, Phú Bình bị xới tung. Bị tổn thất không nhỏ, quân Mỹ phải rút lui. Trận đánh này, ta loại khỏi vòng chiến đấu 1 đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ, phá hủy 6 xe thiết giáp, bắn rơi 1 máy bay trực thăng HU1A, thu giữ nhiều vũ khí quân dụng của địch...
![]() ![]() |
Cây cầu Ông Nở hiện nay. |
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân xã Đại thắng đã tổ chức 185 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt và làm bị thương gần 1.800 tên Mỹ-ngụy, phá hủy 15 xe bọc thép, bắn cháy 5 máy bay lên thẳng. Bên cạnh đó còn phối hợp với Huyện đội và quân chủ lực đánh hơn 300 trận, diệt và làm bị thương 560 tên, trong đó có 20 tên ác ôn gây nhiều tội ác với đồng bào, thu 1.345 súng quân dụng của địch. Để tô thắm những chiến công sáng chói đó, mảnh đất thép Đại Thắng đã dâng hiến hơn 1.000 người con thân yêu của quê hương, xứ sở cho Tổ quốc và đạn bom tàn bạo của kẻ thù đã cướp đi hơn 5.000 người dân vô tội nơi đây.
Đau thương, mất mát, song vô cùng anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, năm 1978, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho xã Đại Thắng. Đây là xã đầu tiên của H.Đại Lộc được vinh dự đón nhận phần thưởng cao quý này. Sau khi quê hương lặng im tiếng súng đạn, từ trong tro tàn đổ nát đầy thương đau, nhân dân xã Đại Thắng đã đứng lên đồng lòng, chung sức ươm mầm, gieo hạt hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước ổn định cuộc sống.
Tính đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng của Đại Thắng đạt 14,47%, tổng vốn đầu tư phát triển đạt 170,3 tỷ đồng, số hộ nghèo giảm đáng kể, chỉ còn 6,09%, gần 90% số hộ đạt tiêu chuẩn "Gia đình văn hóa". Để tưởng nhớ đến những tháng ngày khói lửa hào hùng và là niềm tự hào của lớp cháu con đối với cha anh trong đấu tranh giữ nước ngay trên mảnh đất quê hương, mà tiêu biểu là các trận đánh tại cầu Ông Nở, đầu năm 2008, các doanh nhân, các cá nhân là những người con của quê nhà đang làm ăn, sinh sống trong và ngoài xã tự nguyện đóng góp xây dựng Tượng đài chiến thắng cầu Ông Nở tại một địa điểm gần chiếc cầu.
Cầu Ông Nở bây giờ không còn là những cây tre và các tấm trục trịch vắt qua chông chênh như thủa trước, mà đã được xây dựng bằng bê-tông cốt thép kiên cố. Những ngày nắng chói chang, cánh đồng Long An, Phú Bình thoang thoảng mùi rơm rạ, lác đác có những mặt ruộng đã phủ màu xanh non tơ của lúa vừa sạ trông thật nên thơ, hữu tình. Hòa với màu xanh no đủ của hai thôn Long An, Phú Bình hôm nay, ở trong đó còn có cả những khúc ca bi tráng từ quá khứ văng vẳng vọng về!
Thái Mỹ