Cha mẹ phá rừng, con cái "chịu phạt"

Thứ ba, 17/09/2013 09:39

(Cadn.com.vn) - Rừng mất, nhiều triền dốc trơ đá và trở thành chiếc "bẫy" treo lơ lửng trên đầu những người dân xã Đakrông, H. Đakrông, Quảng Trị.

Bẫy đá và lời sám hối muộn màng

Ánh sáng yếu ớt xuyên ngôi nhà sàn cất đơn sơ lỗ chỗ vết trống trên phên. Run run rót nước mời khách, Hồ Văn Lữ (1974, thôn Ku Pùa, xã Đakrông) thều thào: "Nằm ở nhà mấy năm rồi, không còn lên nương rẫy được nữa. Mấy miếng đất trồng sắn giờ một tay vợ mình làm cả".

Xoay ngược xoay xuôi, với sự giúp đỡ của cậu con trai anh mới ngồi thẳng dậy. Trước đây, Lữ là một thanh niên khỏe vào loại nhất nhì của bản, nhưng giờ đến cái cơ thể mình cũng không thể vác nổi nữa rồi. Câu chuyện đau lòng xảy ra vào 3 năm trước, một buổi sáng đi làm nương, vô tình từng đợt đá lăn từ trên núi xuống làm anh bị thương. Người đi rừng phát hiện, hè nhau vào rừng khiêng anh đến bệnh viện. Sự nỗ lực của các bác sĩ chỉ cứu được mạng sống, song đốt sống của Lữ bị gãy, trở thành phế nhân.

Lữ tâm sự: "Vì không có đất sản xuất nên dân mình phải can tâm triệt hạ những khoảnh rừng, đau lòng lắm nhưng cái bụng đói thì cái tay phải làm thôi. Khi rừng đã không còn thì đá núi nhô lên. Vũng đất này rất nhiều đá, đá có ở khắp nơi, nằm lơ lửng trên những đỉnh đồi. Nếu mưa dài ngày là chúng bị mất chân và có thể lăn bất cứ lúc nào".

Cha con Hồ Văn Lữ với vết thương trên thân thể và vết thương lòng.

Đứa con trai Hồ Văn Pun năm nay lên lớp 6 của Lữ phải nghỉ học giữa chừng để ở nhà chăm sóc bố. Mọi sinh hoạt anh phải nhờ đến nó. Pun thích được đến trường với các bạn lắm, nhưng ngặt nỗi Pun đi học thì lấy ai chăm bố, trong khi mẹ phải lao động vất vả để kiếm cơm cho cả gia đình.

Lữ xoay người lại nhìn vào những triền núi mà mình cùng những người trong bản đã đốn nhẵn bảo: "Có lẽ đời cha của nó xúc phạm đến thần rừng nhiều quá, giờ cha nó gánh chịu vết thương về thể xác, các con thì phải chịu sự thất học. Giá như trước đây tôi không phá rừng thì bây giờ đâu phải nằm ở nhà rồi thằng Pun phải bỏ học để cơm bưng nước rót".

Không biết cái bẫy đá treo lơ lửng trên những triền núi kia nếu chúng mất chân hoặc một trận lũ quét thì đá sẽ dội xuống bản làng của người dân bao nhiêu nữa. Liệu khi đó những người trực tiếp đốn hạ hay con cháu của họ phải gánh chịu?

Sợ ngày trả giá

Lang thang một vòng khắp các triền đồi của cái huyện có hơn 80% là người dân tộc thiểu số này mới thấy rõ mức độ nghiêm trọng của việc phá rừng. Ở đâu có thể nhồi nhét vào đó khoai sắn, keo lai là người dân lại vác dao rựa vào rừng. Chỉ cần một mồi lửa, vài ba héc-ta đất rừng đã được phù phép thành nương rẫy.

Đá núi sẽ đổ lên đầu những người dân vô tội.

Chúng tôi gặp gia đình anh Hồ Văn Dinh đang thu hoạch sắn để bán cho nhà máy sắn trên một chóp đồi. Uống  ngụm nước anh bảo: "Năm ngoái đốt cả một khoảng rừng, giờ tiến hành trồng sắn để bán cho nhà máy. Chất lượng tinh bột rất thấp vì đất ở đây quá khô cằn. Nhà máy mua giá thấp lắm, chỉ lấy công làm lãi thôi".

Cả một khoảng rừng bị anh đốn ngã, cây gỗ đốt không cháy còn nằm chỏng chơ. Từng bao sắn được buộc chặt miệng rồi chỉ cần một thao tác nhẹ nhàng nó đã lăn đùng xuống chân núi. Người đi phía dưới không cẩn thận là bị đè như chơi. Vài người nhổ sắn cười "không cần khiêng vác gì đâu, chỉ cần lăn một cái là xuống đến tận bản". Rồi ai nấy mím chặt môi mà tưởng tượng cảnh từng thớ đá lăn xuống bản làng.

Những khoảng rừng bị phá, đá nằm chỏng chơ.

Anh Dinh nghiêm mặt: "Xem thời sự, mấy vụ việc lũ cuốn, lũ ống ở Tây Bắc mà bản làng ai nấy cũng nơm nớp lo sợ. Ở đây rừng bị phá sạch rồi, độ dốc lại lớn nếu lũ quét mà qua đây thì chúng tôi phải đền tội với núi rừng thôi".

Mấy người thu hoạch sắn ngồi chụm đầu với nhau bàn chuyện đá chạy, lũ quét. Ai nấy cũng nín thở mỗi khi liếc nhìn những hòn đá mất chân đang rình rập họ. Anh Dinh phân tích rằng đá ở đây không mọc thành phiến mà từng viên riêng rẻ, nằm trơ trọi trên mặt đất, nếu chúng trút xuống đầu dân bản thì tựa như viên bi chạy trên cái máng dựng ngược vậy.

Nhiều trường hợp người dân vào rừng bị thương do đá lăn đã xảy ra trên địa bàn. Nặng thì mất mạng, nhẹ thì bị thương. Nhưng lo lắng nhất là mùa này mưa không dứt nếu nước kéo cả họ hàng nhà đá ghé thăm dân bản thì không biết chuyện gì xảy ra...

Bùi Đức Tú