Chấn chỉnh tình trạng nở rộ đại học
(Cadn.com.vn) - Trong vòng 15 năm, số trường ĐH, CĐ ở Việt Nam đã tăng gấp đôi nhằm đáp ứng mục tiêu 450 sinh viên/1 vạn dân cho đạt chuẩn nước phát triển. Nở rộ đại học, mục tiêu nâng số SV trên vạn dân chưa đạt được nhưng những hệ lụy thì đã bộc lộ, mà nếu không có quyết sách điều chỉnh thì sự tụt hậu là điều khó tránh khỏi.
Trăm hoa đua nở
Trong xu thế phát triển chung của nền kinh tế, các địa phương đều có nhu cầu về nguồn nhân lực có trình độ nên đều mong muốn mình có trường ĐH để tự đào tạo, vừa tự đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực vừa giải quyết... khâu oai (về năng lực của mình). Còn Bộ GD-ĐT thì đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt tỷ lệ 450 sinh viên/1 vạn dân nên đồng ý cấp phép thành lập nhiều trường mới.
Thế nên dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở”, ồ ạt mở trường ĐH, CĐ, hầu như tỉnh, thành nào cũng có! Chỉ từ năm 1998 -2008, số trường ĐH, CĐ được thành lập mới bằng 50 năm trước đó. Đỉnh điểm của quá trình “bùng nổ” về số lượng trường ĐH, CĐ rơi vào hai năm 2006, 2007. Trong hai năm này, số lượng trường ĐH được thành lập mới và nâng cấp lên gần 40 trường, thậm chí có lúc cứ 1 tuần là có một trường ĐH mới được thành lập! Đến thời điểm năm 2009, số trường ĐH, CĐ của nước ta là 412. Giai đoạn 2010-2015 tuy có chậm lại nhưng cũng tăng gần 100 trường. Hiện cả nước có khoảng 480 trường theo thống kê dựa trên số liệu đăng ký tuyển sinh năm 2015. Như vậy, trong vòng 15 năm, số trường ĐH, CĐ đã tăng gấp đôi.
Đáng nói, nhiều địa phương dân số chỉ xấp xỉ từ 1-2 triệu dân nhưng có đến trên 10 trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn. Ngay cả những địa phương điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn nhưng vẫn quyết tâm thành lập trường đại học, bất chấp nhu cầu và năng lực thực tế!
SV Đại học Đà Nẵng tham gia chương trình Ngày hội khởi nghiệp và việc làm 2015. Ảnh: VOV |
Hệ lụy nhãn tiền
Việc nhiều trường ĐH, CĐ ồ ạt ra đời trong điều kiện không đảm bảo về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên vừa thiếu vừa yếu khiến chất lượng đào tạo thấp, sinh viên ra trường không có kỹ năng làm việc. Bên cạnh đó, quy mô trường tăng, chỉ tiêu đào tạo tăng khiến cung vượt cầu. Hai yếu tố này dẫn đến tình trạng cử nhân thất nghiệp tràn lan. Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có hơn 178.000 người có trình độ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Đây là con số đáng để suy ngẫm. Đó chính là lãng phí nguồn nhân lực, lãng phí trong khâu đào tạo, gây áp lực cho xã hội, nhất là những “nạn nhân” của con số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp kể trên.
Mặt khác, số trường nhiều sẽ dẫn đến hệ lụy là thiếu nguồn tuyển sinh. Cái khó này khiến nhiều trường liều lĩnh “xé rào” với nhiều kiểu vơ vét nguồn tuyển bằng mọi giá, giành giật thí sinh bằng mọi cách, bất chấp các quy định của Bộ GD-ĐT. Nhiều năm liền, một số trường mách nhau cách bắt tay với trường THPT xin thông tin của thí sinh để gửi giấy báo trúng tuyển, tặng “hoa hồng” cho người giới thiệu thí sinh đến trường nộp hồ sơ, kể cả thí sinh không đăng ký xét tuyển vào trường vẫn nhận được giấy báo trúng tuyển... Mùa tuyển sinh 2015 chứng kiến một số trường “vượt rào” không cần chờ thời gian xét tuyển, thí sinh đến nộp hồ sơ là cấp luôn giấy trúng tuyển, khiến Bộ GD-ĐT phải ra văn bản “tuýt còi”.
Những hệ lụy nói trên khiến chất lượng giáo dục đi xuống, xã hội cảm thấy bất an!
Chú trọng hướng nghiệp và hoạch định chính sách Mùa tuyển sinh 2015 có khá nhiều học sinh đạt điểm cao, hoàn toàn có khả năng vào ĐH nhưng đã chọn học trường nghề. Hy vọng đấy là một tín hiệu tích cực mở đầu cho xu hướng nhận thức “Đại học không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp”. Để nhận thức này trở nên phổ biến, nhà trường cần chú trọng và làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp. Các nhà hoạch định chính sách cần có giải pháp tính toán dài lâu cho lao động trẻ và đội ngũ những lao động có đào tạo, định hướng một cách kỹ càng để không lãng phí, không khiến cho xã hội bất an thêm... |
Sẽ chấn chỉnh
Xung quanh vấn đề nở rộ đại học, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Việc mở rộng nhanh mạng lưới các trường ĐH, CĐ trong giai đoạn đó là để thực hiện mục tiêu đạt tỉ lệ 200 sinh viên/vạn dân vào năm 2010 và 450 sinh viên/vạn dân vào năm 2020. Nhận thấy mục tiêu này gây tăng nhanh quy mô nhưng chất lượng đào tạo không đảm bảo, do khả năng đầu tư nguồn lực của xã hội cho giáo dục và đào tạo còn hạn chế, năm 2013 bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định điều chỉnh lại quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ”.
Theo quyết định này, từ năm 2013 – 2020, mạng lưới hầu như ổn định, hạn chế tối đa việc thành lập mới các trường ĐH, CĐ. Tháng 3-2014, Bộ GD-ĐT đã gửi công văn đến các tỉnh, thành phố, bộ, ngành về việc dừng tiếp nhận hồ sơ nâng cấp, thành lập mới các trường ĐH, CĐ để rà soát lại hệ thống.
Bên cạnh việc dừng mở mới các trường ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT cũng đã chủ trương rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng các ngành, các trình độ đào tạo. “Năm 2010, Bộ đã dừng tuyển sinh của 101 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Năm 2012, Bộ dừng tuyển sinh 161 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ. Năm 2013, Bộ dừng tuyển sinh đối với 207 ngành đào tạo trình độ ĐH”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay.
Có thể thấy, Bộ GD-ĐT đang nỗ lực xóa bỏ những gam màu tối ở bậc giáo dục ĐH. Sự chấn chỉnh của Bộ GD-ĐT là cần thiết và rất đáng hoan nghênh.
Phạm Được