Chấn động Triều Tiên thử hạt nhân lần 5
(Cadn.com.vn) - Cộng đồng quốc tế lại một lần nữa chấn động khi Triều Tiên phô trương sức mạnh quân sự bằng vụ thử hạt nhân lần thứ 5 và cũng là vụ thử lớn nhất từ trước đến nay của nước này.
Triều Tiên ngày 9-9 bất ngờ thử hạt nhân lần thứ 5, gây ra vụ nổ lớn được đánh giá là mạnh hơn so với sức ảnh hưởng của quả bom hạt nhân mà Mỹ đã thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào năm 1945. Bình Nhưỡng đồng thời tuyên bố đã làm chủ được khả năng gắn đầu đạn trên tên lửa đạn đạo, động thái khiến cộng đồng quốc tế thật sự quan ngại.
“Các nhà khoa học và kỹ thuật tiến hành vụ thử hạt nhân nhằm thử nghiệm về sức mạnh của một đầu đạn hạt nhân”, Reuters dẫn tuyên bố hãng tin KCNA cho biết, đồng thời khẳng định không xảy ra hiện tượng rò rỉ vật liệu hạt nhân và không ảnh hưởng gì đến môi trường trong vụ thử này.
Thị trường chứng khoán Châu Á cũng chấn động theo “cơn địa chấn” này.
Các binh sĩ và người dân Hàn Quốc chăm chú theo dõi thông tin về vụ thử hạt nhân hôm 9-9 của Triều Tiên. Ảnh: Reuters |
Vụ thử lớn nhất từ trước đến nay
Đây được đánh giá là vụ thử hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay của Triều Tiên. Giới quan sát cho rằng, vụ việc này chắc chắn sẽ dẫn đến nghị quyết trừng phạt mới của HĐBA LHQ, mạnh mẽ hơn Nghị quyết số 2270 được thông qua sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần 4 vào tháng 1-2016.
Vụ thử đầy bất ngờ này của Bình Nhưỡng thật sự khiến cả thế giới, nhất là các quốc gia Đông Bắc Á đứng ngồi không yên. Thực tế cho thấy, các vụ thử hạt nhân liên tiếp của Triều Tiên là những hành động khiêu khích nghiêm trọng làm gia tăng tình trạng bất ổn ở khu vực Đông Bắc Á cũng như căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye, người vừa kết thúc chuyến công du đến Lào để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un cho thấy “sự liều lĩnh điên cuồng” khi hoàn toàn phớt lờ kêu gọi từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Các đảng phái ở Hàn Quốc, gồm đảng Saenuri cầm quyền, các đảng Minjoo và Nhân dân đối lập tổ chức các cuộc họp khẩn sau vụ việc này.
Thế trận đáng lo sợ
Điều khiến các nước chú ý là vụ thử hạt nhân lần này trùng với dịp kỷ niệm 68 năm Quốc khánh Triều Tiên (9-9). Ngay sau vụ thử, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh tên lửa “để bảo vệ phẩm giá và quyền tồn tại” của Triều Tiên.
Với Mỹ, việc Bình Nhưỡng tiếp tục thử nghiệm bất chấp lệnh trừng phạt của HĐBA LHQ là thách thức nghiêm trọng của Tổng thống Barack Obama trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ và có thể trở thành yếu tố quyết định trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Tổng thống Obama đã ngay lập tức cảnh báo, Bình Nhưỡng sẽ đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng”. Ông chủ Nhà Trắng ngay sau đó điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc và Thủ tướng Nhật Bản để bàn về vấn đề này. Cả ba nhà lãnh đạo đề nghị HĐBA LHQ triệu tập cuộc họp khẩn để thảo luận về vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên.
Với Trung Quốc, hành động của Triều Tiên được xem như một “cái tát” vào sự kiên nhẫn của họ. Bắc Kinh - đồng minh thân cận và vẫn bảo vệ của Bình Nhưỡng trước sức ép của cộng đồng quốc tế về vấn đề hạt nhân - có thể sẽ không thể nhắm mắt làm ngơ thêm được nữa. Bắc Kinh đã ra tuyên bố kiên quyết phản đối vụ thử này và kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng bất kỳ hành động nào có thể làm trầm trọng thêm tình hình. Trung Quốc cũng không ngần ngại cho biết sẽ trao công hàm ngoại giao cho đại sứ quán Triều Tiên để phản đối Bình Nhưỡng, động thái hiếm hoi của Bắc Kinh.
Triều Tiên liên tục thử nghiệm hạt nhân và tên lửa với tốc độ nhanh và dày đặc chưa từng có trong năm nay. Điều đó cho thấy, những hình thức xử phạt của Mỹ hay HĐBA LHQ gần như không có tác dụng và đang đi vào ngõ cụt. Trong khi đó, trên thực tế, các hình phạt có thể áp dụng nhằm tạo áp lực lên Triều Tiên đã đạt đến mức giới hạn. Tất cả đang tạo ra thế trận đầy thách thức về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Khả Anh
4 vụ thử hạt nhân trước đó Ngày 9-10-2006 - một vũ khí vì “hòa bình” Những nỗ lực đàm phán về vấn đề hạt nhân Triều Tiên của các cường quốc bị hủy hoại khi Bình Nhưỡng thông báo tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào ngày 9-10-2016. Đứng trước những chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, Bình Nhưỡng cho rằng, họ đã gia nhập câu lạc bộ hạt nhân và bom của họ sẽ đóng góp cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. 25-5-2009 – nỗ lực chứng minh năng lực hạt nhân Vụ thử nghiệm lần 2 có quy mô lớn hơn, ước tính khoảng 2-8 kiloton. Vụ thử hạt nhân lần này được xem là nỗ lực chứng minh năng lực hạt nhân của nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc đó, ông Kim Jong-Il. 12-2-2013- làm giàu uranium? Vụ thử hạt nhân thứ 3 gây chấn động thế giới diễn ra vào ngày 12-2-2013 khi hoạt động địa chấn bất thường được phát hiện quanh bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. Ngay sau đó, Bình Nhưỡng thừa nhận thử nghiệm “một thiết bị hạt nhân thu nhỏ và nhẹ hơn với lực nổ lớn hơn trước đây”. 6-1-2016 – bom nhiệt hạch (bom H) Các dấu hiệu đầu tiên được báo cáo là về một “trận động đất nhân tạo” ở Triều Tiên với cường độ 5,1 độ Richter, gần Punggye-ri. Và sau đó, Triều Tiên không ngần ngại tuyên bố lần đầu tiên thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch (bom H). T.Linh |