“Chất độc” Brexit và đại chiến lược của Anh

Thứ sáu, 20/09/2019 10:40

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, nước Anh đến hẹn phải rời EU (Brexit). Nhưng ngay lúc này đây, họ lại đang ở trong mớ hỗn độn không lối thoát của Brexit và một viễn cảnh khủng hoảng chính trị nghiêm trọng hơn nữa.

 Mọi việc càng khó khăn hơn nữa khi sau chuyến thăm Luxembourg vào ngày 16-9 khi Thủ tướng Boris Johnson bị người biểu tình phản đối và bị Thủ tướng nước chủ nhà Xavier Bettel chỉ trích, nhà lãnh đạo Anh tuyên bố tăng cường nỗ lực để đạt được một thỏa thuận rời EU. Có thể thấy, “chất độc” Brexit trong chính thể Anh cũng đã lây nhiễm sang Châu Âu.

Trong một tuyên bố mới nhất, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã phải thừa nhận, nguy cơ Anh rời EU, mà không có một thỏa thuận rút lui vẫn vô cùng hiện hữu. Phát biểu trước Nghị viện Châu Âu tại Strasbourg, 2 ngày sau khi gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Luxembourg, Chủ tịch Juncker nêu rõ: “Nguy cơ không có thỏa thuận vẫn vô cùng hiện hữu. Đó có thể là lựa chọn của Anh, nhưng không bao giờ là lựa chọn của EU”.

Cũng tại Nghị viện Châu Âu, trưởng đoàn đàm phán của EU về vấn đề Brexit, ông Michel Barnier cảnh báo EU sẽ không giả bộ đàm phán, nâng mức cảnh báo về việc London thiếu những đề xuất cụ thể. Trước đó, ông Barnier thậm chí tuyên bố “không có lý do để lạc quan” về khả năng đạt được thỏa thuận ly hôn với Anh trước Hội nghị Thượng đỉnh EU vào ngày 17 và 18-10 tới, tức 2 tuần trước khi Anh dự kiến rời khỏi khối.

 Tuy nhiên, Thủ tướng Johnson vẫn khẳng định sẽ đưa nước Anh rời EU đúng thời hạn 31-10, dù có đạt thỏa thuận với EU hay không. “Chúng tôi nghĩ có thể làm hài lòng Ủy ban Châu Âu và bạn bè của chúng tôi về một số điểm chính: Liệu chúng tôi có thể bảo vệ thị trường đơn nhất, tính toàn vẹn của thị trường đơn nhất không? Chúng tôi có thể đảm bảo vấn đề biên giới Bắc Ireland hay không? Vâng tôi nghĩ chúng tôi có thể, đồng thời cũng đảm bảo kế hoạch rút lui của Anh…”.

 Nhưng thực tế không hề đơn giản như vậy. Cho đến nay chính phủ của Thủ tướng Johnson vẫn chưa đạt được thỏa thuận với EU về việc tách biệt giữa nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Vị thế toàn cầu bao trùm các giá trị và lợi ích của Anh như một trung tâm thương mại và tài chính quốc tế, cùng với các trách nhiệm đa phương lớn, đặc biệt là thành viên thường trực của HĐBA LHQ và lãnh đạo Khối thịnh vượng chung, khiến mọi việc rất khó đi đến một tiếng nói chung.

THANH VĂN