Châu Âu vẫn bất an

Thứ ba, 06/01/2015 10:37

(Cadn.com.vn) - Năm 2015, Châu Âu sẽ phải nỗ lực để giữ vững tình hình an toàn khi một cảm giác bất an đã trở lại.

Nguy cơ cho Châu Âu không giống như năm 2012 - các nước không có khả năng trả các khoản nợ - mà là tình trạng trì trệ và giảm phát. Năm 2015, kinh tế sẽ phục hồi không đồng đều. Đức vẫn là động cơ của kinh tế Châu Âu, nhưng không phải là cỗ máy sức mạnh như 2 năm trước. Một lần nữa, nhiều con mắt đang hướng về phía Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Mario Draghi. Thông thường, trong quý đầu tiên, ông dự kiến sẽ “bật vòi nước”, thúc đẩy nhu cầu mua trái phiếu. Tuy nhiên, điều này không hề đơn giản.

Châu Âu sẽ bất an trong năm 2015. Ảnh: BBC

Chống “thắt lưng buộc bụng”

Châu Âu dường như vẫn được đặt cược vào việc giữ giá trị đồng EUR ở mức thấp và dựa vào xuất khẩu rẻ hơn để thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Một lần nữa, căng thẳng có thể sẽ xảy ra giữa Berlin - vốn tiếp tục yêu cầu giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới 3% và cải cách luật lao động - với Paris, vốn tin rằng, Châu Âu cần tăng trưởng và đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Năm 2015, các đảng đối lập sẽ khai thác sự bất mãn của Châu Âu để đóng vai trò then chốt trong các cuộc bầu cử.

Cuối năm 2015, Tây Ban Nha cũng diễn ra bầu cử, trong đó đảng cánh tả cấp tiến Podemos quyết liệt chống thắt lưng buộc bụng. Còn ở Anh vào tháng 5, đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) cũng sẽ có tiếng nói thương lượng quyền lực hậu bầu cử. Một trong những yếu tố quan trọng làm suy yếu sự ủng hộ của các chính đảng là tình trạng thất nghiệp. Tại Pháp, nếu chính phủ Tổng thống Francois Hollande không thể tạo ra công ăn việc làm trong năm 2015, đảng của ông sẽ rơi vào tay Mặt trận Quốc gia.

Tại Italia, ông Matteo Renzi đang vấp phải sự phản đối đối với những cải cách của ông nhưng năm 2015 sẽ kiểm nghiệm những cải cách này sẽ mang lại kết quả như thế nào và có được thực hiện một cách nghiêm ngặt hay không.     

Mối quan ngại nhập cư

Di cư và nhập cư là vấn đề phản ánh sự biến động của Châu Âu khi lượng lớn người dân chạy trốn bất ổn ở Trung Đông và Châu Phi sẽ cố gắng vượt qua Địa Trung Hải để đến lục địa già. Đức, đất nước tiếp nhận nhiều người tị nạn từ Trung Đông so với các nước khác, mối quan ngại về di cư là nhân tố góp phần gia tăng quyền lực của các đảng đối lập.

Châu Âu sẽ lo lắng chờ đợi kết quả cuộc bầu cử của Anh. Một quan chức cấp cao Châu Âu cho biết, Anh sẽ là vấn đề trung tâm Châu Âu trong 3 năm tiếp theo. Nếu Thủ tướng David Cameron tiếp tục tại nhiệm, dự kiến London sẽ bắt đầu thảo luận lại việc gia nhập EU trong năm 2017.

Tuy nhiên, Pháp được cho là sẽ phản đối bất kỳ động thái nào dẫn đến một cuộc trưng cầu thay đổi EU. Vì vậy, đối với Anh, con đường tái đàm phán sẽ lâu dài và quanh co. Trong năm 2015, Ủy ban Châu Âu (EC) mới sẽ phải chứng minh mình thực sự linh hoạt để nắm lấy những cải cách có ý nghĩa. Quỹ đầu tư 300 tỷ EUR sẽ thực sự phát huy hiệu quả?

EU sẽ thực hiện các bước hướng tới thị trường đơn lẻ hay công đoàn hùng mạnh?

Vấn đề Nga

Một tính toán sai lầm ở đông Ukraine có thể kéo Châu Âu đến cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Nền kinh tế Nga đang bị tổn thương, động thái chắc chắn sẽ làm tổn thương nền kinh tế Châu Âu rộng lớn hơn. Năm 2015 có khả năng tiếp tục chứng kiến cảnh Châu Âu trừng phạt Nga. Tuy nhiên, một số quốc gia - như Pháp và Italia - vẫn có thể bị cám dỗ dẫn đến chính sách nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

Năm 2015, Châu Âu sẽ phải đối mặt với những câu hỏi lớn về tương lai của mình.

An Bình
(Theo BBC)