Chảy máu ngoại tệ
(Cadn.com.vn) - Dự trữ ngoại tệ Ai Cập có thể trượt dài xuống dốc hơn nữa khi quốc gia Bắc Phi này nỗ lực trả khoảng 2 tỷ USD nợ nước ngoài trong năm nay.
"Ngân hàng trung ương Ai Cập đang bị chảy máu dự trữ ngoại tệ khi quốc gia này đang đến hạn trả hết nợ trong nhiều đợt", giáo sư Ehab El-Desoky, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tại Sadat Academy, nhận định. Điều này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế Ai Cập vốn rất mong manh và gửi tín hiệu khẩn cấp: "đã đến lúc cần phải được sửa chữa".
Ngân hàng Trung ương Ai Cập (ECB) hôm 6-1 thông báo, dự trữ ngoại hối ròng (NIR) giảm xuống còn 15,33 tỷ USD vào cuối tháng 12-2014 từ con số 15,88 tỷ USD của tháng trước. Trong tháng 11-2014, dự trữ đạt mức 1 tỷ USD sau khi chính phủ trả lại 2,5 tỷ USD tiền gửi cho Qatar khi có yêu cầu chính thức từ quốc gia vùng Vịnh giàu có. Chính phủ cũng sẽ trả lại 500 triệu USD cho Qatar vào cuối quý II năm nay.
Qatar hỗ trợ nền kinh tế Ai Cập sau cuộc cách mạng năm 2011 lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak. Tuy nhiên, quan hệ song phương trở nên tồi tệ hơn sau khi Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi bị lật đổ vào tháng 7-2013. Cairo hiện lên kế hoạch trả nợ 700 triệu USD phí bảo hiểm 6 tháng về nợ nước ngoài cho Câu lạc bộ Paris - cơ quan tài chính bao gồm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Rõ ràng, "cú trượt" kịch tính này sẽ tạo thêm áp lực to lớn lên giới lãnh đạo chính trị Ai Cập, vốn luôn đấu tranh để ổn định và cải thiện nền kinh tế ốm yếu và ảm đạm của đất nước.
Suy giảm dự trữ tiền mặt chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như: khó khăn trong việc trả các khoản nợ, mua và quản lý hàng hóa và dịch vụ chiến lược cũng như sự tăng giá của đồng USD so với đồng bảng Ai Cập ở thị trường chợ đen. Do đó, giới phân tích cho rằng, chính quyền Cairo nên thiết lập kế hoạch chiến lược để tránh lạm phát khi kênh đào Suez và các khu du lịch - nguồn chính thu ngoại tệ - không hoạt động tốt trong bối cảnh an ninh và tình hình chính trị bất ổn.
Dự trữ ngoại tệ của Ai Cập giảm mạnh sau cuộc cách mạng năm 2011, nhưng có tín hiệu khả quan vào năm 2013 khi các quốc gia Arab vùng Vịnh chi hàng tỷ USD viện trợ cho Ai Cập sau cuộc lật đổ Tổng thống Morsi. Ước tính, Saudi Arabia và UAE chi khoảng 20 tỷ USD cho Ai Cập dưới các hình thức cho vay và tài trợ. các khoản tài trợ phi lợi nhuận từ các nước đồng minh có thể giúp giải quyết các vấn đề nếu nền kinh tế không hồi phục.
Người ta tin rằng, Ai Cập đang lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và duy trì vị thế là thị trường lớn nhất trong khu vực, đồng nghĩa với việc dự trữ của nó có thể tăng gấp đôi trong khoảng thời gian ngắn.
Thanh Văn